Nhà sản xuất Trần Trọng Dần: 'Khán giả sẽ rất bất ngờ về Nguyễn Cao Kỳ Duyên'

03/03/2016 13:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim Nữ đại gia (ĐD: Lê Văn Kiệt) dự kiến khởi chiếu ngày 1/4, với vai chính do Nguyễn Cao Kỳ Duyên đảm trách - đây cũng gần như lần đầu tiên MC này đóng phim. Tính từ Ngôi nhà trong hẻm (năm 2012), nhà sản xuất Trần Trọng Dần thuộc diện mát tay, vì anh đã làm được 5 phim với phong cách tiếp cận vấn đề không giống nhau.

Trần Trọng Dần tốt nghiệp Đại học UCLA, bảo vệ cao học ngành điện tử tại Đại học Stanford, từng được Mỹ cấp 9 bằng phát minh trên lĩnh vực này. Với điện ảnh, từ năm 2009 anh đã sản xuất và phát hành phimBụi đời (ĐD: Lê Văn Kiệt) tại Mỹ; năm này anh cũng phát hành phim Gia đình Việt kiều (ĐD: Mark Tran).

Từ năm 2012, anh tập trung cho nhiều dự án phim tại Việt Nam, riêng với Lê Văn Kiệt anh cộng tác 4-5 phim, trong đó có Dịu dàng (năm 2015) được công chiếu tại LHP Busan ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á và tham dự trên 10 LHP quốc tế khác.


Nhà sản xuất Trần Trọng Dần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Thưa anh, lý do nào để một chuyên gia ngành điện tử chuyển sang sản xuất phim?

- Có nhiều lý do lắm, nếu phải kể ra chắc vài trang giấy. Ngắn gọn nhất, đó là vì tôi muốn trở thành người ghi chép cuộc sống, để qua đó kể một câu chuyện đáng nhớ về một quãng thời gian nhất định. Tôi thấy hứng thú và thách thức khi được làm người đại diện cho những câu chuyện khác nhau.

* Cụ thể như phim Dịu dàng, câu chuyện mà anh muốn ghi chép là gì?

- Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ, không phải đồng quê, cũng không phải đô thị lớn, nơi hai nhân vật chính sẽ đối diện với những thay đổi trong đời sống nội tâm và hành động của mình.

Đây là kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn của F.Dostoyevsky, mà trước đó đã có nhiều phim làm thành công. Chúng tôi tự hỏi, liệu một câu chuyện như vậy có thể được nhìn thấy trong cuộc sống đương thời tại Việt Nam không? Chúng tôi không dám nói mình làm phim hay hoặc dở, nhưng rõ ràng Dịu dàng đã cho thấy một tình huống sống như vậy là hoàn toàn có tại một thị trấn tẻ nhạt, bức bối.

Hơn nữa, khi làm phim này, chúng tôi không còn phải biện minh hoặc xin lỗi người xem quốc tế về một chuyện phim mà chỉ Việt Nam mới có. Bởi rõ ràng, dù thời đại, văn hóa, bối cảnh sống khác nhau, nhưng vẫn có những câu chuyện, những tình huống hiện sinh chung. Rõ ràng trên thế giới phụ nữ vẫn còn thiếu rất nhiều sự lựa chọn về đời sống, thiếu cả những quyết định rõ ràng cho hiện tại và tương lai của mình.


Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong phim “Nữ đại gia”

* Còn như Nữ đại gia sắp công chiếu chẳng hạn, câu chuyện của nó là gì?

- Nhiều người sẽ rất bất ngờ về Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cô đã nhập vai xuất sắc hoàn cảnh một nữ đại gia được đổi đời trong vài năm ngắn ngủi. Tôi tiếc là Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã không đến với điện ảnh sớm hơn, cô ấy là một diễn viên có tố chất bẩm sinh và sự nhạy bén, thích ứng của một người có trí thông minh đáng nể.

Rõ ràng những nước đang phát triển như Việt Nam thì việc đổi đời kiểu này không hiếm gặp, và sẽ còn dài dài, phim muốn ghi chép lại những mâu thuẫn, rạn nứt trong đời sống của họ. Phim của chúng tôi luôn có hai tiêu chí rõ ràng: quan sát, ghi chép đời sống, chứ không phê phán nó; tôn trọng, bênh vực phụ nữ. 5 phim đã làm tại Việt Nam là 5 cách tiếp cận khác nhau, nhưng cùng chung một câu hỏi, đó là trong tình cảnh sống như vậy, người phụ nữ nghĩ và hành xử như thế nào?

* Ngoài Ngôi nhà trong hẻm bán vé tương đối tốt, các phim còn lại của anh đều kén chọn người xem, nhưng anh vẫn tự tin sản xuất liên tục, đang chuẩn bị làm 2-3 phim nữa. Nhiều người đồn anh là đại gia không tiếc tiền?

- Việc có những phim chưa đông người xem là do chúng tôi chưa đủ kinh nghiệm và may mắn trong việc này, chứ thực lòng rất muốn. Chúng tôi luôn lấy khán giả làm mục tiêu, nên không có ý làm phim cho riêng mình.

Tất nhiên, cách quan niệm về thành công sẽ khác nhau, tùy điểm nhìn và mục đích nhìn. Ví dụ như phim Dịu dàng, khi đi dự trên 10 LHP quốc tế, nó đã nhận được những đánh giá công bằng, không ưu ái và không kì thị. Chúng tôi tự hào khi đã cho thấy sắc đẹp và khả năng phim ảnh của Việt Nam có thể kể được các câu chuyện chung của quốc tế.

Còn về chuyện tiền bạc, thật sự tôi chẳng có gì, khi về Việt Nam tôi là người vô gia cư và phi tài chính. Tôi chỉ có một điều, đó là sở thích phim ảnh mãnh liệt và sự rõ ràng trong việc sản xuất, nên nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn vào. Từ vị trí người làm sản xuất, tôi luôn dặn mình thế này, nếu một dự án phim mà không tìm được nhà đầu tư thì không nên làm phim đó. Chúng tôi cùng lúc ôm ấp nhiều dự án, cái nào khả thi thì thực hiện trước.

Phim là kết quả của một tập thể gồm nhiều ê-kíp, nếu không biết phối hợp, có nhiều tiền cũng không làm được phim đâu.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm