Nguyễn Cao Kỳ Duyên - “Làm gì có móng vuốt mà thu bớt”

04/10/2011 10:33 GMT+7 | Văn hoá

Cùng với sự ra đi của bố chị, câu chuyện tình lãng mạn giữa ông tướng Nguyễn Cao Kỳ và cô hoa khôi Đặng Tuyết Mai cũng được kể lại.

(...)

* Quả thật khi nhìn ảnh bố chị, tôi không nghĩ một người trông nghiêm thế mà lại lãng mạn đến thế!



- Bố Kỳ Duyên trông ngoài mặt thì nghiêm nhưng trong lòng rất mềm. Ông luôn đối xử với vợ bằng sự kính trọng. Không bao giờ nạt nộ, quát mắng và đánh vợ thì lại càng không. Còn với con cái thì ông thương và chiều con một cách vô điều kiện. Sáu đứa con, nhưng trong đời ông chỉ đánh anh Thắng - anh cả một lần duy nhất. Tại anh Thắng, lúc ấy 8 tuổi, lấy súng của ông ra chơi và bắn xém trúng một người… Đánh là phải!

Ông không bao giờ đòi hỏi các con phải làm bất cứ việc gì cho ông hoặc vì ông. Con muốn lấy ai cũng được, bỏ ai cũng được, đi học hay đi làm cũng được. Tết nhất con đến thăm được thì tốt, còn con bận, như Kỳ Duyên năm nào cũng vướng đi show mà không đến được, ông cũng không bao giờ trách nửa lời. Ông không bao giờ làm phiền con cái và cho đến lúc ông nhắm mắt thì chưa đứa con nào phải lo cho ông.

* Trân trọng vợ nhưng vẫn… chia tay, điều đó theo chị có là nghịch lý?

- Là phận con, Kỳ Duyên không nghĩ mình lại có quyền phán xét những chuyện riêng tư của cha mẹ và nếu có đi chăng nữa thì chắc mình cũng không nên mang lên báo chí rêu rao, nhất là sau khi người đó vừa nằm xuống.
 
* Nhưng thực sự thì đã bao giờ chị dám hỏi bố chị vì sao lại chia tay mẹ chị chưa?

- Ô không! Như đã nói, bố và Kỳ Duyên không bao giờ bàn về chuyện riêng tư. Cũng như ông chưa bao giờ hỏi tại sao Kỳ Duyên ly dị người này hay người nọ. Luôn luôn, Kỳ Duyên tin tưởng vào quyết định của ông. Ông thương ai và người đó mang lại cho ông hạnh phúc thì đương nhiên Kỳ Duyên sẽ thương người đó. Ngược lại, ông cũng nghĩ thế về chuyện của Kỳ Duyên nên đâu có gì để bàn? Chuyện nhỏ mà!
 
* “Bố thương ai thì mình cũng sẽ thương người đó” – nói thì dễ nhưng thực ra làm thì có khó không? Đơn cử như vì sao chị gần như không bao giờ nhắc đến các anh chị em cùng cha khác mẹ của mình, cũng như người vợ Pháp và người vợ thứ ba của bố chị?

- Kỳ Duyên không nhắc đến những người đó đơn giản là vì chưa có ai hỏi đến thôi. Khi mẹ Kỳ Duyên lấy bố, các anh chị còn rất nhỏ. Mẹ thương và nuôi các anh chị như con ruột. Mẹ kể lúc lấy bố, mẹ không dự định có con thêm vì hai người đã có 5 con rồi, Kỳ Duyên là một “surprise” (oops!). Kỳ Duyên lớn lên với các anh chị trong nhà như một gia đình bình thường, không biết phân biệt con riêng con chung gì cả.

Còn người mẹ Pháp của anh chị hoàn toàn biến ra khỏi cuộc đời của các con sau khi ly dị bố Kỳ Duyên. Nghe nói bà về nước hoặc sang Mỹ lập gia đình. Nên khi trưởng thành, có lần một người anh của Kỳ Duyên đã cầm tay mẹ và nói: “Mẹ là người mẹ duy nhất mà tụi con biết”.

Về người vợ sau của bố, Kỳ Duyên vẫn đối xử kính trọng và thân mến, không có vấn đề gì khó khăn tế nhị cả. Bà là người vui tính và khi nào có thì giờ, Kỳ Duyên vẫn thường tới đánh tứ sắc gia đình với bố, Tata và Vân (con gái Tata chỉ lớn hơn Kỳ Duyên một tuổi và cũng là bạn của Kỳ Duyên vì hai đứa từng ở chung với nhau khi còn học đại học).
 
* Sau khi bố chị về Việt Nam và gặp phải chống đối ở hải ngoại, chị đã có phản ứng cứng cỏi như chủ động đề nghị đối chất, cũng như lên tiếng bảo vệ bố mình. Hãy nhớ lại sự khó xử của chị lúc ấy, khi một bên là chữ hiếu, một bên là một bộ phận cộng đồng người Việt đồng thời là khán giả của chị?

- Đối với Kỳ Duyên không có gì khó xử cả. Chữ Hiếu là trên hết!

Trích đăng tạp chí Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm