Chiều 7/6, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, một trong số tác giả đóng góp cho đêm lễ hội áo dài của Festival Huế 2008 cho biết:"Có gần 70 người mẫu tham gia trình diễn trong lễ hội áo dài mang chủ đề “Dấu xưa”. Trong số này có 18 người mẫu nghiệp dư từ 45-70 tuổi, là hiện thân cho vẻ đẹp điển hình của xứ Huế sẽ tham gia trình diễn cùng 20 người mẫu tí hon, 20 người mẫu đến từ Hà Nội, 10 người mẫu của thành phố Huế".
Có 18 người mẫu ở lứa tuổi từ 45 - 70 tham gia trình diễn tại Lễ hội áo dài |
Nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định: "Những người mẫu lớn tuổi sẽ chinh phục công chúng, khiến công chúng nhớ không chỉ họ mà nhớ cố đô Huế qua vẻ đẹp từ cốt cách thanh tao, quý phái của người phụ nữ Huế. Những người mẫu lớn tuổi này hầu hết đều là giáo viên của thành phố Huế."
Lễ hội áo dài đã trở thành đặc trưng không thể thiếu của mỗi kỳ Festival Huế. Năm nay, chủ đề của lễ hội áo dài là “Dấu xưa” sẽ ra mắt công chúng vào tối 8/9 tại khu vực trước cửa Hiển Nhơn. Một bộ sưu tập gồm 260 chiếc áo dài của 12 nhà thiết kế 3 miền Bắc, Trung, Nam mang vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao, sâu lắng và rất Huế sẽ lần lượt ra mắt công chúng. Ngoài nhà thiết kế Minh Hạnh, còn có sự góp sức của 11 nhà thiết kế trong đó có những người con của xứ Huế như Viết Bảo, Quang Tân, Ngân Khai…
Áo dài ở cửa Hiền Nhơn (Ảnh: Khang An) |
Đưa ra điểm mới làm nổi bật các bộ sưu tập luôn luôn là điều kiện bắt buộc với nhà thiết kế thời trang. Trong lễ hội áo dài năm nay, những người con của xứ Huế đã chọn ấn triện và thẻ bài của cung đình Huế làm điểm nhấn cho các bộ áo dài của mình. Trong số các thiết kế của các nhà thiết kế trẻ, đáng chú ý là các mẫu của nhà thiết kế Viết Bảo với các hoạ tiết từ cây tre Việt Nam, cũng lấy màu đỏ của ấn triện làm điểm nhấn. Các bộ áo này sử dụng kỹ thuật thêu truyền thống của xứ Huế với các đường may công phu, kỹ lưỡng…
Là người đã đi theo hành trình của Festival Huế từ lần đầu đến nay, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết:“Dấu xưa” được chọn làm chủ đề cho lễ hội áo dài trong Festival Huế 2008 là thể hiện mong muốn phát huy được vẻ đẹp của người phụ nữ Huế đã hình thành trong lịch sử với hình ảnh người con gái Huế tóc thề, đội nón lá, mặc chiếc áo dài tím. Cửa Hiển Nhơn với những dấu tích cung đình rực rỡ, quyền quý, kiêu sa còn lưu lại được đến nay sẽ làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng của 260 tà áo dài duyên dáng của “Dấu xưa”.
Về âm nhạc, các nhà thiết kế lựa chọn nhạc Việt Nam với các ca khúc tiền chiến, nhạc phẩm Trịnh Công Sơn và một số ca khúc trữ tình được phối theo phong cách hiện đại. Đây cũng là năm đầu tiên, lễ hội áo dài có sự kết hợp với trình diễn pháo hoa.
Chiều 7/6, mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã hầu như hoàn tất, cuộc tổng duyệt lễ hội áo dài sẽ diễn ra vào tối 7/6 tại cửa Hiển Nhơn.
Theo TTXVN