Người Dao Quần Chẹt đón Tết Nhảy

24/01/2009 21:56 GMT+7 | Văn hoá

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, cánh mai rừng nở rộ làngười dân tộc Dao Quần Chẹt đón một năm mới, một Tết Nhảy mới mang đậm bản sắc dân tộc.

Các cô gái, chàng trai Dao chuẩn bị vào tết nhảy.
Không khí đón Tết của người dân tộc nơi đây rộ lên bởi tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với tiếng xập xèng vang vang trong bản. Cứ đến ngày 15/12 Âm lịch là người Dao Quần Chẹt dù làm ăn ở đâu xa cũng phải về để “hậu tạ” tổ tiên và chuẩn bị làm lễ “ hứa” đầu năm mới. Già làng đi thông báo với bà con xóm bản chuẩn bị ăn Tết tập thể.

Theo phong tục, người Dao ăn Tết trước người Kinh nửa tháng và vui Tết đến hết rằm tháng Riêng (15/1 Âm lịch). Họ sửa sang thay mới ban thờ, làm bánh ống (gói bằng lá và cuộn chặt hai đầu) và làm bánh dầy.

Lễ “hứa” đầu năm là một thủ lợn tượng trưng cho con lợn khoảng (10-15 kg), 5 chiếc bánh dầy hoặc bánh ống, nhà nào không có lợn thì thịt một con vịt hoặc 3 con gà đặt lên ban thờ cúng tổ tiên để cầu lộc, cầu tài và gánh vác mọi công việc như: tai họa, trừ tà ác....

Trong một năm, người Dao Quần Chẹt ăn rất nhiều Tết như Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Tết hàn thực (3/3 Âm lịch), Tết Đoan ngọ (5/5 Âm lịch), song Tết Nhảy và tết Nguyên đán vẫn là lớn nhất.

Tết Nhảy là một trong lễ Tết có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cộng đồng của người dân tộc Dao Quần Chẹt và cũng là Tết “tẩy oan“, Tết “cầu may”, “cầu phúc”. Thông thường họ tổ chức Tết nhảy theo từng thế hệ.

Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt, trong cuộc sống con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro, hàng năm phải khấn trời đất, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh, ban cho những điều may mắn, hạnh phúc!

Tết Nhảy thường diễn ra từ 23 tháng Chạp cho đến 27-28 Tết Nguyên đán (kéo dài 5-7 ngày đêm liền). Để chuẩn bị cho lễ nhảy, gia đình phải mời thầy về để thiết lập ban thờ, bày biện đồ cúng, khấn mời Bàn vương, thần thánh, tổ tiên về dự lễ và tổ chức cho con cháu học nhảy và đọc sách (Sài Dung).

Tết Nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như Tết chung. Tất cả đều đến tham gia múa nhiều điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông...

Trong suốt thời gian nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong nhiều ngày...

Lễ hội đã thực sự góp phần tô điểm cho đời sống văn hóa ở vùng núi cao Hòa Bình thêm phong phú và đa dạng.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm