KTS Hoàng Thúc Hào: "Trả cho Hồ Gươm những gì vốn có"

09/10/2009 16:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là tâm niệm của KTS trẻ Hoàng Thúc Hào (1+1>2 Group và Academia Italia), người vừa đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận”. Tâm niệm đó thể hiện xuyên suốt trong đồ án của anh - và cũng chính vì thế mà nó được đánh giá là “hiện thực nhất”, ít “đập phá nhất”.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với KTS này:

Nới rộng vỉa hè Hồ Gươm

* Một trong những ý tưởng của anh được đánh giá là “tinh tế” và “hiểu Hồ Gươm”, đó là gắn kết đền Bà Kiệu và đền Ngọc Sơn, tạo ra hiệu quả bất ngờ cho khu vực này, vì nếu để tách như hiện nay thì đền Bà Kiệu không khác gì một ngôi nhà “xây nống” ra đường. Xuất phát từ đâu mà anh có ý tưởng này?

- Tôi chỉ trả lại cho các di sản giá trị vốn có của nó. Trước đây, giữa đền Bà Kiệu và đền Ngọc Sơn không có con đường cắt ngang, mà chúng gắn kết thành một chỉnh thể. Phương án trả lại không gian tĩnh, mang tính tâm linh của nơi này bằng cách nắn đường Đinh Tiên Hoàng đi vòng ra sau lưng đền Bà Kiệu ( hướng Hàng Dầu, quặt lên Cầu Gỗ...).


KTS Hoàng Thúc Hào (thứ hai từ trái sang) trong lễ trao giải.

* Có vẻ như trong đồ án của mình anh luôn có những kết nối tinh tế và đầy bất ngờ như vậy?

- Đồ án của chúng tôi hướng tới 3 mục tiêu chiến lược. Ưu tiên số 1 là đảm bảo và tăng cường chức năng văn hóa, lịch sử cho khu vực Hồ Gươm bằng các giải pháp như lập thêm Bảo tàng Hồ Gươm, chuyển đổi khu trụ sở điện lực, Sở VH, TT&DL thành Trung tâm văn hóa cộng đồng... Song song là bảo tồn phát huy các di sản, trả lại giá trị nguyên gốc của các di sản đó.

Chiến lược thứ 2 là kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn, tạo hình ảnh mới, mang tính đột phá cho Hồ Gươm: vừa cổ xưa huyền thoại, vừa xanh hơn, thân thiện hơn, mới mẻ hơn. Cùng với việc kết nối đền Bà Kiệu - đền Ngọc Sơn như đã đề cập, là sự kết nối giữa Hồ Gươm với khu phố cổ bằng giải pháp mở rộng Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục: kéo dài đến tận Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, vắt vào thảm xanh đền Ngọc Sơn. Kiến tạo một hệ thống không gian mới: trung tâm văn hóa cộng đồng, đền Ngọc Sơn - Bà Kiệu hợp nhất, quảng trường Đông Kinh nghĩa thục mở rộng, khu vực bảo tàng Hồ Gươm thân thiện. Tất cả hợp thành chuỗi không gian mở liên hoàn, đủ tầm tổ chức những sự kiện văn hóa lớn, đa dạng.

Chiến lược thứ 3 là giải tỏa áp lực giao thông quanh hồ. Hiện tại, Hồ Gươm là đảo giao thông khổng lồ, người đi quanh hồ như đi trên một vòng xoay lớn, không còn tĩnh tâm ngắm hồ, suy ngẫm... Vì thế chúng tôi đề xuất giảm tiết diện đường: Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng trước Bưu điện, UBND có chiều rộng hiện tại 20m, sẽ giảm xuống còn 8m để hạn chế xe cộ. Đồng thời với việc thu hẹp lòng đường là nới rộng vỉa hè Hồ Gươm nhằm tăng khoảng cây xanh ven hồ - tức là lấy diện tích lòng đường dôi ra để “đắp” thêm thịt cho bờ Hồ.

Hồ Gươm xứng đáng có bảo tàng

* Dư luận rất quan tâm đến giải pháp xử lý của anh ở khu vực báo Nhân dân - đền vua Lê. Anh định đặt Bảo tàng Hồ Gươm ở đó như thế nào? Sẽ có những công trình nào bị “đập đi” nếu triển khai đồ án đoạt giải của anh?


Phối cảnh Bảo tàng Hồ Gươm trong phương án đoạt giải Nhì
của nhóm KTS Hoàng Thúc Hào

- Trụ sở ANZ Bank ban đầu chỉ là một khối vuông nhỏ bé, sau đó người ta xây thêm cái “chuôi”, nên khi đi trên đường Lê Thái Tổ có cảm giác tòa nhà này hơi dài. Giải pháp của đồ án là “cắt” cái chuôi ấy đi, trả lại hình dáng ban đầu cho tòa nhà, để nó không cản tầm nhìn ra hồ... Với việc cắt, dỡ không tốn quá nhiều công sức, chúng ta sẽ tạo ra một không gian mới gồm cây đa, tượng vua Lê, khối vuông ANZ Bank chuyển đổi thành bảo tàng Hồ Gươm xinh xắn, phần lớn không gian là khoảng xanh. Đấy cũng là cách trả lại vẻ đẹp vốn có cho khu vực này.

* Bảo tàng Hồ Gươm sẽ như thế nào?

- Trong bảo tàng sẽ trưng bày quá trình hình thành phát triển Hồ Gươm, lịch sử các công trình kiến trúc, các di tích ven hồ... Và sẽ lưu giữ cả những huyền thoại, những bài hát về Hồ Gươm để du khách vào đó có thể ngân nga. Tôi nghĩ Hồ Gươm quá xứng đáng có một bảo tàng riêng.

* Đồ án của anh nếu được thực hiện sẽ phải phá dỡ, chuyển đổi các công trình sau đây: Tòa nhà điện lực, khu Sở VH, TT&DL, cái “chuôi” của tòa nhà ANZ... Tuy “đập phá” không phải là nhiều, nhưng đều liên quan đến các “chủ sở hữu” lớn. Anh có nghĩ rằng, Hội đồng giám khảo và UBND TP.HN trao giải cho anh cũng là “dũng cảm”?

- Hội đồng trao giải cho đồ án của chúng tôi vì nhận thấy chúng tôi hiểu Hồ Gươm, phương án đã bảo tồn và phát huy được giá trị cốt lõi của Hồ Gươm. Muôn đời Hồ Gươm vẫn là một không gian tĩnh, chứa đựng sự lắng đọng sâu xa của lịch sử và ký ức. Đồng thời giá trị văn hóa vật thể của không gian Hồ Gươm cũng rất phong phú: có công trình tôn giáo phương Đông như đình, đền, chùa, miếu, tháp, có nhà thờ Gothic phương Tây, có cấu trúc khu phố cổ phía Bắc, nhà lô phố Pháp phía Nam, có kiến trúc nhà trải dài theo mặt phố Lê Thái Tổ kiểu Pháp; lại có cả nhà công sở thời trước với hình thước thợ, hình kỷ hà, trống lớn ở lõi... Phương án của chúng tôi đã duy trì sự thống nhất trong đa dạng về hình thái kiến trúc trên cở sở tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo tương quan tỷ lệ hợp lý giữa công trình, các trục không gian mở với kích thước và cấu trúc hồ. Sự thống nhất này có từ trước, nhưng trong quá trình phát triển bị phá vỡ một phần hoặc xuống cấp. Vì vậy quan điểm là chỉnh trang, tái cấu trúc hoặc “bóc’ đi những công trình “xen cấy”, trả lại cho không gian Hồ Gươm sự thống nhất vốn có ban đầu. Tóm lại, toàn bộ giải pháp là một tiếp nối lịch sử có ý thức.

* Rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế của anh được đánh giá cao nhưng cuối cùng vẫn chỉ là... trên giấy mà không có điều kiện triển khai. Trở lại với cuộc thi về Hồ Gươm, vì không có giải Nhất, cho nên rất khó đoán được quyết tâm của TP.Hà Nội trong việc có chọn phương án nào để triển khai hay không. Anh có hy vọng rằng đồ án của mình sẽ thành hiện thực?

- Chủ quan chúng tôi thấy đồ án của mình không khó thực thi, mà giản dị và khả thi. Các giải pháp đề ra đều rẻ, có khả năng triển khai nhanh, đa số chỉ là chuyển đổi mục đích sử dụng những công trình của Nhà nước. Gần đây UBND đã quyết định di dời Trung tâm thương mại 19-12, dừng việc xây khách sạn nằm liền kề công viên Thống Nhất và trước đấy là tạo lập vườn hoa phố Phan Chu Trinh - Nhà hát Lớn. Những hành động quyết liệt này làm dấy lên hy vọng cho tương lai Hồ Gươm...

* Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm