Không phát ấn 'Sắc mệnh chi bảo' tại Hoàng thành Thăng Long

27/02/2016 08:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại lễ dâng hương khai xuân Hoàng thành Thăng Long tổ chức mới đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn tại điện Kính Thiên. Đây là ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực Vườn Hồng vào năm 2012. 

Ngay sau đó, lễ khai ấn này vấp phải nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Trước sự quan tâm của dư luận, chiều 26/2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm khoa học ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. 

Xác định ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" thuộc thời Trần 

Theo giáo sư Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được phát hiện ở độ sâu 6,38 mét so với mặt nước biển. Ấn bị mất núm, gồm hai mảnh ghép, kích thước của ấn là 10,5 cm. Đặc biệt, khi phát hiện, ấn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần, sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật khác. Tầng văn hóa này không hề bị xáo trộn. Hai mặt ấn đều rõ ràng và bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo” được viết đúng ấn tín Việt Nam. Đặc biệt, vị trí tìm thấy ấn nằm ở trục trung tâm của di sản Hoàng thành Thăng Long. 


Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”

Từ căn cứ, ấn nằm trong tầng văn hóa thời Trần, kết hợp với thư tịch Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến một ấn gỗ của thời Trần và cách viết chữ tương tự trong thư tịch tiền cổ thời Trần, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử xác định đây là ấn thời Trần. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến còn băn khoăn đây có phải là ấn thời Trần hay không; là ấn nguyên gốc hay không, niên đại của ấn nhưng với những căn cứ trên giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, chắc chắn ấn thời Trần. 

Đồng quan điểm trên, giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Khoán đưa ra chứng cứ dựa trên các tài liệu lịch sử: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được xác định đích thực của vua Trần Thái Tông khắc trên đường đi chiến đấu với quân Nguyên Mông. Dấu chính bằng ngọc cất ở cung Đại Minh không mang đi mà nhà vua chỉ mang dấu nộ mật nhưng trên đường đi bị mất dấu. Vì vậy, nhà vua cho khắc dấu gỗ để kịp việc nước nên dấu mới được khắc trên đường đi. Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Khoán khẳng định dấu tìm thấy ở Vườn Hồng đích thực là chiếc dấu trên. 

Chính vì vậy, các nhà khoa học đều khẳng định ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” có một giá trị rất lớn. Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê khẳng định, mặc dù ấn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn gỗ nhưng có tính độc đáo và rất có giá trị. Trong lịch sử quân chủ Việt Nam và cả lịch sử Phương Đông không có một vương triều nào khắc ấn gỗ. Ấn của Hoàng đế mà khắc bằng gỗ là điều chưa từng có. 

“Đây là trường hợp đặc biệt gắn liền với hoàn cảnh khẩn trương, ác liệt của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ. Vì vậy cái ấn này ngoài giá trị về di vật, có có giá trị về lịch sử. Nó ghi lại một chiến công oai hùng của dân tộc ở thế kỷ XIII và phản ánh được tình hình cực kỳ khốc liệt của cuộc chiến tranh lúc bấy giờ. Ấn này là bảo vật rất quý cần bảo vệ, bảo quản nghiêm ngặt và cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm”- Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê khẳng định. 

Không tổ chức phát ấn rộng rãi

Với một hiện vật quý, việc phát huy giá trị ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ra sao đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đa phần các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, việc phát huy giá trị cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc trước khi triển khai. Nhà nghiên cứu Hán Nôm, tiến sĩ Hoàng Quốc Quân cho rằng, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long phát huy giá trị ấn là một việc cần làm nhưng làm như thế nào, tổ chức trong thời gian nào, kịch bản ra sao, phục vụ đối tượng nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu làm được thì đó là cách quảng bá, phát huy giá trị rất tốt và đó cũng là cách để phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. 


Quang cảnh buổi hội thảo

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long đã có điện Kính Thiên nên việc phát huy giá trị ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” là một hướng tốt. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, không nên phát huy để dẫn đến việc tạo ra hình ảnh hỗn loạn trong tranh cướp ấn, không thể chấp nhận được. Mặc dù con người ta có tâm linh cần che chở, là tâm lý hoàn toàn đúng và có thể đáp ứng nhưng nếu Trung tâm không chuẩn bị tốt lại tạo ra một sự cạnh tranh, rất phi lý giống như lễ khai ấn đền Trần ( Nam Định). 

Các nhà khoa học cũng lý giải, việc khai ấn đền Trần xuất phát từ cái ấn thờ của nhà Trần, gọi là “Trần triều tự điện” giữa các đền thờ nhà Trần với nhau và việc khai ấn đền Trần tổ chức để lại nhiều lộn xộn khiến dư luận bất bình. Còn ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của Vương triều chủ yếu để sắc phong cho phong thần và quan lại. Vì thế, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội không thể tổ chức lễ khai ấn như đền Trần. Triều đình xưa có cũng có nghi thức phong ấn (bọc ấn, cất ấn vào cuối năm) và khai ấn (mở ấn bắt đầu cho một năm làm việc) nhưng tổ chức trong cung đình, không phải phát ấn như hiện nay. 

Có nên 'khai ấn' ở Hoàng thành Thăng Long?

Có nên 'khai ấn' ở Hoàng thành Thăng Long?

Dù còn đang trong quá trình lấy ý kiến, ý tưởng tổ chức khai ấn tại Hoàng Thành Thăng Long đã nhận về khá nhiều những phản hồi trái ngược từ giới nghiên cứu lịch sử và di sản.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: Cần nghiên cứu cách phát huy giá trị của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phù hợp với giá trị của ấn, mang tính chất văn hóa, lịch sử. Phát huy như nào cần cân nhắc thêm nhưng có lẽ cách phát huy được mọi người ủng hộ nhất là có thể in ra trên các tấm lụa quý rồi làm viền đẹp thành những tặng phẩm để tặng cho khách du lịch và bạn bè quốc tế. 

Đây chưa phải là cuộc tọa đàm cuối cùng để làm rõ giá trị và bàn thảo hướng phát huy giá trị của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”. Trong thời gian tới, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các cuộc tọa đàm khác để có những chứng cứ chắc chắn và hướng phát huy giá trị phù hợp.

Đinh Thị Thuận - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm