30/07/2017 12:32 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tình cờ trên cộng đồng Facebook cho thấy tên của thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998) đã được đặt cho một con đường nhỏ tại Đà Nẵng. Vậy là ước mơ và dự định đặt tên đường cho thi sĩ thường lang thang đầu đường xó chợ nay đã thành hiện thực.
Tên đường Bùi Giáng được đặt theo Nghị quyết số 75/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 19/12/2016. Trong phụ lục của Nghị quyết này mô tả: “Đoạn đường từ đường 5,5m chưa đặt tên đến giáp đường 7,5m chưa đặt tên, chiều dài 570m, đặt tên là Bùi Giáng”.
Về địa chỉ cụ thể, đường thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Cũng theo Nghị quyết vừa nêu, có vài văn nghệ sĩ, trí thức thời hiện đại được đặt tên đường như sử gia Phan Khoang, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà phê bình Lê Đình Kỵ, nhạc sĩ Huy Du…
Tại vài nơi khác như TP.HCM, tỉnh Quảng Nam, một vài tổ chức muốn xin đặt tên đường cho Bùi Giáng, nhưng bất thành. Ví dụ như tại Làng nghệ thuật Gia Hòa (quận 9, TP.HCM), theo dự kiến thì đường số 9 sẽ được đặt tên là Bùi Giáng, nhưng sau đó không được thông qua, nên cuối cùng được thay bằng Nguyễn Đình Thi.
Ngoài hai câu nổi tiếng “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” trong bài Chào nguyên xuân, Bùi Giáng còn có cả trăm bài thơ, câu thơ viết về những con đường, về tháng ngày ngao du, cùng những cơn điên rực rỡ của ông.
Ví dụ như bài Đêm Sài Gòn (trong tập Bài ca quần đảo, NXB Nguyễn Đình Vượng, 1973, tái bản): “Một qua đường, một qua sông/ Một qua bến, một qua đồng cỏ xanh/ Liên đêm mộng mỵ yên lành/ Bình tâm chúc phúc một ngành cỏ hoa/ Đường vui ký ức giang hà/ Đường xa lăng lắc chan hòa lãng quên/ Rừng thưa thấp thoáng hiên thềm/ Dừng chân khoảnh khắc sương ghềnh vi vu”.
Hay như bài Xe đò (in trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 225 năm 1996): “Con xe đò chở người đi/ Con xe đò cũng cùng đi với người/ Rong chơi bốn biển tuyệt vời/ Rong chơi ba góc biển trời dở dang/ Người đi lạc mất con đàng/ Con xe đò vẫn ngang tàng cứ đi/ Một mình bốn bánh lăn quay/ Nghìn thu như một phút giây hiện tồn”.
Dù suốt đời sống lang thang vỉa hè, từng vào trại tâm thần, nhưng ngoài di sản thơ đồ sộ, Bùi Giáng còn là dịch giả từ tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ Hán, là cây bút nghiên cứu văn học… Trước tác và di cảo ông để lại cả trăm đầu sách.
Trong thời gian đầu vào Sài Gòn dạy học (năm 1952), ông đã dành nhiều thời gian viết sách và vẽ tranh. “Anh đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan Thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương Tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail” - theo họa sĩ Đinh Cường.
Bức tranh Gửi đêm (mực tàu và gouache màu trên giấy, 42 cm x 31,5 cm, 1992) từng được bán 27.000 USD - trong khi giá khởi điểm là 2.500 USD - tại một phiên đấu giá từ thiện ở TP.HCM.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất