Facebach ra mắt tập thơ 'đầu tay': Thơ là 'từ khóa' của người...

27/05/2016 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ “Từ khóa” của nhóm Facebach gồm 66 tác phẩm của 6 tác giả: Đỗ Huy Chí, Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Mạnh Hùng, Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn, Minh Trí.

“SEO” lại “một thời vàng bóng” phong trào thơ sinh viên

Face là Facebook, còn chữ bach ghép vào sau là Bách khoa – ý muốn nhắc đến CLB thơ sinh viên Bách khoa. Và bach cũng có nghĩa là "trở lại" (back). Và sự trở lại này của Facebach khiến không ít người nhớ lại một thời bùng nổ của phong trào văn chương trong giới sinh viên Hà Nội những năm 80-90 của thế kỷ trước.


6 nhà thơ bút nhóm Facebach trong buổi ra mắt tập thơ "Từ khóa" tại Hà Nội

Đó là một thời mà  ở nhiều trường Đại học như Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp (cũ), Kinh tế Quốc dân... có CLB thơ sinh viên riêng, và Hà Nội có CLB thơ sinh viên chung.

Ngoài ra còn có các CLB thơ trực thuộc tòa báo như bút nhóm Hương đầu mùa (Hoa học trò), Hoa lạ do nhóm sinh viên Đại học kiến trúc tự thành lập.

Những CLB, những Hội, Nhóm bút ấy như một thỏi nam châm, hút được đông đảo sinh viên và không ít các cán bộ giảng dạy đại học, không phân biệt ngành nghề, lính vực đào tạo, nghiên cứu cùng nhiệt thành, vô tư đến với nghệ thuật ngôn từ.

Chính lực lượng những người yêu thơ hùng hậu như thế đã làm nên và tạo ra những cuộc thi thơ đình đám như: Tác phẩm tuổi xanh, Tầm nhìn thế kỷ (báo Tiền Phong) và những buổi sinh hoạt thơ mà độ hot, sức hút công chúng của nó không thua kém gì những live show của những ca sĩ có giá trị về mặt thương hiệu thời nay đang làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc, các chương trình truyền hình thực tế.

Nhưng rồi từ những năm 2000 trở lại đây, các CLB, các Hội, Nhóm bút thu hẹp dần hoạt động hoặc "tan rã", từ những hăm hở thơ ca đã chuyển sang "chân lý của Nam Cao: Sống đã rồi mới viết, hay như chính Trần Hưng của nhóm Facebach bộc bạch bằng thơ: Trận mưu sinh tua tủa tháng năm dài.

Nhiều tờ báo không còn đất dành cho thơ, không tổ chức những cuộc thi thơ và việc in ấn, phát hành thơ càng ngày càng "bất khả thi". Thậm chí, có nhà thơ tại buổi ra mắt "Từ khóa" cho biết một sự thật là bây giờ, nhiều cơ quan, đoàn thể có hẳn "lệnh cấm mua, nhập thơ". Nếu có mua cũng chỉ với số ít và phải là của những tác giả có "số má" trong giới văn chương!

Kiến tạo những giá trị ngoài văn chương

Khi chứng kiến một số sinh viên từng một thời "cháy hết mình cho thơ" lại tìm đến nhau, tái lập mối duyên xưa trong bút nhóm Facebach, nhiều người trong giới văn chương vừa thấy họ thật romantic (lãng mạn), vừa rất dũng cảm.

Lãng mạn và dũng cảm là bởi "trong bối cảnh ngặt nghèo của văn hóa đọc/văn hóa thơ hôm nay, Facebach là nhóm thơ tự nguyện duy nhất đang hoạt động và hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Hà Nội", theo nhà văn Văn Giá.


Bìa tập thơ "Từ khóa" của Facebach

Facebach dù mới chỉ thành lập được hơn một năm (từ 1/2015) nhưng biết đâu sẽ là "cú hích" cho những cây bút một thời khác trở lại với nhau, lập lại những CLB, những Nhóm, Hội bút như xưa, tiếp tục khuấy động, lan tỏa phong trào văn chương đến bạn đọc trong thời đại mới.

Và thật nhân văn nếu có thêm những "cuộc liên tài" chỉ với mục đích cao nhất là phát triển các thành viên trẻ, liên kết phát triển các nhóm thơ, các CLB thơ tại các trường Đại học, vân vân.... như Facebach đã và đang làm. Đó là chưa kể họ còn mong muốn tạo ra một sân chơi thơ ca mới – mở - trẻ, hỗ trợ sáng tác cho các cây bút có năng khiếu và góp phần kiến tạo thi quyển mới...

Không chỉ làm thơ đăng báo, in sách, Facebach vòn phát hành thơ, bán đấu giá các kỷ vật liên quan đến thơ và dùng 100% số tiền thu được để gây Quỹ từ thiện giúp các em nhỏ người Mong ở Trường PTTH Kiên Thành, Trấn Yên, Yên Bái.

Tính đến giữa tháng 5/2016, tổng số tiền dành được cho địa chỉ trên là 45 triệu đồng, bao gồm tiền phát hành tập thơ "Từ khóa", tiền phát hành các tập thơ riêng, và tiền bán kỷ vật của các thành viên bút nhóm Facebach.

Điều đó cũng cho thấy, dù ở đâu, thời kỳ nào, nếu còn những người làm thơ, yêu thơ và nhiệt thành với thơ thì còn có những cuộc sinh hoạt mang tính văn hóa vô cùng ý nghĩa, đáng được trân trọng!

Và nếu nếp sinh hoạt ấy chính là mạch nguồn miên man dẫn đường cho người đọc tìm thấy những 'từ khóa" cho mình để mở ra những ý niệm mới về vạn vật xung quanh!


Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm