Điện ảnh Việt nửa cuối 2015: 'Dài cổ' đợi những phim thực sự… điện ảnh

06/08/2015 05:42 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 20 năm qua, điện ảnh Việt (từ để tạm gọi tất cả phim chiếu rạp) chưa bao giờ nở rộ như năm 2015, với khoảng 30 phim được bấm máy và ra rạp.

Riêng tối 31/7 đã có 2 phim hài làm tiệc đóng máy (Trùm cỏ - ĐD: Phan Minh, Già gân, mỹ nhân và găng-tơ - ĐD: NSƯT Đức Thịnh) là một ví dụ sinh động cho sự nở rộ.

Nở rộ về số lượng

Từ con số trên thì ước muốn của Luật Điện ảnh phải có tối thiểu 30% phim ra rạp do Việt Nam sản xuất có hy vọng được chạm đến trong các năm tới, nếu chúng ta ngừng gia tăng số lượng phim nhập, rồi đẩy mạnh việc sản xuất. Thế nhưng, chất lượng thì vẫn “dài cổ” đợi những phim thực sự… điện ảnh.

Nếu không có gì thay đổi thì nửa cuối tháng 8/2015 có 3 phim Việt xếp hàng và gối đầu ra rạp - gối đầu vì chiếu vòng 1 thường cần đến 2 tuần trụ rạp, ở đây chỉ một tuần là có phim mới lấn vào.

Đó là Kungfu phở (ĐD: Nguyễn Quốc Duy) dự kiến ngày 14/8, thuộc thể loại hài, hành động; Hy sinh đời trai (ĐD: Lưu Huỳnh), ngày 21/8, thể loại hài; 49 ngày (ĐD: Đoàn Nhất Trung), ngày 28/8, thể loại hài, tâm lý.


Hy vọng "Cha và con và…" ra rạp trong tháng 9 để phim Việt tăng thêm chút điện ảnh

Nửa đầu năm 2015, phim Việt ra rạp chủ yếu là kinh dị, hài và hài nhảm, gần như chỉ có Quyên (ĐD: Nguyễn Phan Quang Bình) là hướng đến một tác phẩm điện ảnh, theo định nghĩa phổ quát về thể loại này.

Nửa sau năm 2015 tình hình cũng không hề khá hơn, có khác chăng là hài và hài nhảm đứng trước kinh dị về số lượng. Dường như chỉ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD: Victor Vũ) có hướng đến chất điện ảnh.

Nếu phim Cha và con và… (ĐD: Phan Đăng Di) - tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin - được ra rạp trong tháng 9 thì điện ảnh Việt năm 2015 hy vọng có được chừng 10% (khoảng 3/30 phim) dành cho chất điện ảnh.

Thấp thì thấp thật, nhưng tỷ lệ này không hề đáng buồn, bởi thế giới đa phần cũng vậy, thị trường đã chi phối toàn bộ. Có khác chăng là những phim giải trí của họ đã ở mặt bằng tươm tất, tử tế hơn, phim Việt nhìn chung vẫn chắp vá, chụp giựt.

Hình như khán giả Việt cũng vậy, họ có sự ủng hộ vô bờ với điện ảnh nước nhà, kiểu gì cũng đến mua vé, nên phim kém phẩm chất vẫn tiếp tục đuợc sản xuất. Cho nên nói những con số vừa biết nói, nhưng cũng vừa câm nín (nói như không nói) là vậy.

Quên đi chuyện làm phim cho "đã tay nghề"

Với một nước còn rất nghèo như Việt Nam, việc các nhà sản xuất tư nhân bỏ tiền túi ra làm phim nên phải ưu tiên thu hồi vốn là đương nhiên, họ khó phiêu lưu cho nghệ thuật thực sự. Những sự tài trợ phi lợi nhuận như ở các nước giàu để có phim độc lập, phim nghệ thuật cũng còn rất xa vắng, vì Việt Nam đã có nhiều người giàu, nhưng tinh thần “quý tộc” thì còn rất khan hiếm.

Việc chọn mô hình làm phim của Việt Nam đang theo hướng của Hollywood, vốn chuộng kinh doanh thuần túy, nên các bài học gần gũi, ít tốn kém như điện ảnh Iran lại trở nên xa vời.

Trên thế giới có nhiều nước cũng đi theo mô hình Hollywood như Nigeria, họ có nền kinh tế chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút, nếu tính bình quân, nhưng Nollywood của họ mỗi năm làm trung bình 700-900 phim, cao thứ nhì thế giới, gấp 20-30 lần Việt Nam. Con số đó chỉ thua Bollywood (Ấn Độ) từ 800-1.200 phim, hơn Hollywood (Mỹ) từ 450-650 phim, Trung Quốc từ 500-700 phim…

Và cũng vì có xuất phát thấp về kinh tế, chưa có hiệp hội phim độc lập và nghệ thuật, thiếu vắng giải thưởng và phê bình đủ mạnh để khích lệ, nên giới làm phim Việt ngày càng chạy theo thị trường đơn thuần, chuyện làm phim cho đã tay nghề thì đành quên đi!

Phim Việt nửa cuối năm - hầu hết là giải trí đơn thuần

Theo những thông tin ban đầu, phim Việt nửa cuối 2015 chủ yếu là giải trí đơn thuần.

Ví dụ cho thể loại hài, hài nhảm, tâm lý có: Vợ và người tình (ĐD: Châu Thổ), Liên minh huyền thoại (ĐD: Đinh Thái Thụy), Những bà bầu hành động (Công ty Sóng Vàng), Siêu trộm (ĐD: Hàm Trần), Em là bà nội của anh (ĐD: Phan Gia Nhật Linh), Mật ngữ tình yêu (ĐD: Vũ Ngọc Phượng), Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc (ĐD: Lâm Lê Dũng), Nữ đại gia (ĐD: Lê Văn Kiệt), Tấm Cám (ĐD: Ngô Thanh Vân), Tèo Em 2 (ĐD: Charlie Nguyễn).

Thể loại kinh dị, hành động, đồng tính có: Con ma nhà họ Vương (ĐD: Vũ Ngọc Đãng), Mắt mèo (ĐD: Bá Vũ), Sám hối (ĐD: Peter Hiền), Yêu (ĐD: Việt Max)…

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm