Diễm My 'luận' về người đẹp Việt: Từ Diễm Hương, Việt Trinh đến Hà Kiều Anh, Ngọc Trinh

02/03/2016 14:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Diễm My đến dự ra mắt sách của Thương Tín tại Hà Nội đầu tháng 1 năm nay, sự chú ý dồn vào chị. Sau đó, lúc chị ngồi lại với một nhóm phóng viên, một bé trai khoảng hơn 10 tuổi lại xin phép chụp ảnh chung, vì “cô là thần tượng của ông bà, bố mẹ cháu và cả cháu nữa”.

Quả thực là thế. Những người lớn tuổi nhớ về chị nhiều hơn, bởi hình ảnh chị gắn với một thời thơ ấu hoặc tuổi trẻ của họ, qua những tấm ảnh lịch treo trên tường mỗi nhà vào thập niên 80 và 90.

Còn người trẻ, họ không có những kỷ niệm đó, nhưng vẻ đẹp của Diễm My, nay sắp bước vào tuổi 54, vẫn khiến người ta choáng ngợp. Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trò chuyện với Diễm My  sau những chuyện ồn ào quanh hồi ký Thương Tín, nhưng không phải về những cuộc tình.

Chỉ xinh và đẹp thì chưa làm được diễn viên

* Chị nói mình từng xấu hổ vì danh xưng “Nữ hoàng ảnh lịch”. Tại sao vậy?

- Vì hồi xưa tôi là diễn viên điện ảnh nhưng đâu ai nhớ mình đóng vai gì, đến khi tôi đi chụp ảnh thì người ta mới biết và gọi là Nữ hoàng ảnh lịch. Sau này, báo chí còn nhầm là tôi chụp ảnh lịch rồi mới đóng phim, nhưng thực ra là ngược lại. Diễn viên mới là nghề chính của tôi.

Khi còn đi học, tôi không tham gia văn nghệ bao giờ vì biết mình không có năng khiếu múa, hát hò hay diễn xuất. Lần đầu nhận lời đạo diễn Lê Dân đi đóng phim, tôi chỉ mong khoe với bạn bè là mình được xuất hiện trên màn ảnh, được giống diễn viên tôi vô cùng ngưỡng mộ là Thẩm Thúy Hằng. Nhưng hóa ra mọi người cũng nhớ vai diễn thoáng qua đó, bảo “Ờ cô này cũng đẹp đó”.


Diễm My trong những cuốn ảnh lịch trước kia

Sau đó, tôi lần đầu đóng vai chính cô giáo Dung trong bộ phim thứ hai, Tiếng sóng. Tôi ngây thơ nghĩ vai này mình xuất hiện nhiều hơn, hẳn là thành công hơn. Nhưng không phải vậy. Tôi nhớ như in bài phê bình của nhà báo Cát Vũ, viết rất trúng rằng: phim tên là Tiếng sóng mà không có sóng. Nhân vật cô giáo Dung có ngoại hình đạt nhưng vô cảm.

Chính nhờ kinh nghiệm này, tôi nhận ra làm diễn viên điện ảnh đâu chỉ cần xinh đẹp như những thần tượng màn ảnh mà phải có nội tâm. Từ lúc đó tôi nghĩ chắc mình không thể theo đuổi điện ảnh nữa rồi.

Sau khi định không đóng phim nữa, tôi đi rửa ảnh ở nhà của nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ nổi tiếng ở Sài Gòn. Vì thấy tôi đẹp nên anh Nguyễn Kỳ mời chụp ảnh lịch, chứ anh không hề biết tôi từng đóng phim! Bức ảnh đầu tiên là chụp tôi cầm trái hồng, vì thời đó đâu có táo. Ảnh tôi được đưa vào cuốn lịch điện ảnh, tên tôi được ghi là “Diễn viên điện ảnh Diễm My” bên cạnh nhiều ngôi sao thời đó, làm tôi ngượng gần chết.

Thời đó lịch bán như tranh vậy, thời đó đâu có gì để treo trang trí trong nhà. Thế nào mà ảnh tôi lại bán chạy, nên năm sau lại được mời chụp tiếp.

* Bây giờ chị còn xấu hổ không?

- Giờ thì hết rồi. Giờ tôi thích được gọi là diễn viên hơn. Mà nghĩ chứ, người ta có gọi thì nên đổi thành “Hoàng thái hậu ảnh lịch” chứ “nữ hoàng”gì nữa (cười).

Hà Nội thích Diễm My, miền Tây thích Diễm Hương

* Thời đó chụp ảnh lịch, phần trang phục và trang điểm ai lo?

- Tất cả đều do mình hết. Vậy nên hồi xưa Diễm Hương là Diễm Hương, Việt Trinh là Việt Trinh, tôi là tôi. Đến nơi chụp hình chỉ có người mang khăn giấy dặm mồ hôi thôi, đâu có người hóa trang làm tóc gì. Đẹp hay không thì hên xui.

Trang phục trong các bức ảnh là của tôi hết. Tôi may mắn có họ hàng sống ở nước ngoài thường gửi quần áo về nên khán giả thấy tôi mặc đẹp và sang trọng. Cũng những người họ hàng đó gửi cho tôi các cuốn sách về thời trang, tôi dựa vào đó để bắt chước.

Phong cách thời trang trong đó tôi thấy đẹp, nhưng Diễm Hương hay Việt Trinh có thể không thấy đẹp, vì mỗi người có cái gu khác nhau.

Tôi biết người Hà Nội thích thanh lịch và sang trọng nên họ thích ảnh lịch của tôi, còn người miền Tây thích nét thuần Việt của Diễm Hương.

* Thời đó có ảnh có chỉnh sửa gì không?

- Không có đâu. Tôi là người mẫu đầu tiên được đi khắp nước vì ngày đó, muốn chụp vịnh Hạ Long là phải bay ra vịnh Hạ Long. Lúc nào cũng có kính phản quang để gương mặt người mẫu sáng bừng và rõ ràng như ảnh chứng minh thư vậy.

Các kiểu tạo dáng cũng đơn giản lắm. Cười thì không được cười rộng miệng vì không đẹp, phải mỉm, dịu dàng. Mắt thì lúc nào cũng phải long lanh tươi tắn như trúng số độc đắc. Chụp với hoa thì ôm hoa, đứng cạnh cây thì ôm cây. Quảng cáo chè Thái Nguyên thì ôm nguyên khay chè. Quảng cáo mỡ trăn thì ôm... con trăn. Nhiều lúc tôi phải nghĩ “Ơ, sao kỳ vậy?”.

* Tôi thích ý chị vừa nói:  nhờ tự ăn mặc và không chỉnh sửa nên người đẹp thời đó lên ảnh mỗi người một vẻ, như chính họ ngoài đời.

- Chính xác. Bên ngoài thế nào thì lên hình thế đó, chỉ long lanh hơn một chút. Hơn nhau ở chỗ ăn hình hay không. À mà nhiếp ảnh gia cũng biết chọn để chụp được những góc đẹp nhất của mình. Thời đó các ảnh chụp hình nói Diễm My có nhiều góc đẹp nhất (cười).

Phạm Hương quý phái, Ngọc Trinh hiếu thuận

* Chị có vẻ đẹp quá hiện đại so với thời của mình, thời người ta thích nét thuần Việt. Còn ngày nay, vẻ đẹp hiện đại lên ngôi, như Hoa hậu Phạm Hương vậy. Chị nghĩ sao về sự thay đổi chuẩn mực này?

- Ngày xưa, khi tôi ra Hà Nội, người ta cứ tưởng tôi là người Ba Lan hay con lai gì đó. Thời tôi, người ta thích tròn trịa nõn nà một chút, nếu ốm nhom, da nâu và mặt góc cạnh thì không được mời chụp lịch đâu, vì lên ảnh thiếu sức sống. Sau 30 năm, quan niệm về cái đẹp đã thay đổi. Không còn là mắt bồ câu, mũi dọc dừa, môi trái tim nữa mà là mắt có hốc, môi dày, nước da khỏe mạnh, thân hình gầy.

Nhưng quan niệm không phải là bất biến, có thể 30 năm nữa, chúng ta trở lại với mắt bồ câu thì sao? Quan niệm sẽ thay đổi theo năm tháng.

Với Phạm Hương, tôi thích sự thông minh toát ra từ cách nói chuyện, thần thái và cách biểu cảm của cô ấy. Đó mới là thứ thuyết phục tôi, chứ sắc đẹp thì trong đời tôi đã gặp rất nhiều hoa hậu, á hậu vô cùng xinh đẹp. Phạm Hương có sự sang trọng, quý phái. Người có thần thái đó không thể nào khổ được. Tôi nhìn Phạm Hương mà chỉ muốn nói: “Trời, bé này đó, đời em chỉ có sướng thôi”. Ngày trước, người ta cũng nói về tôi như vậy đó.

Trái lại, tôi thấy nhiều hoa hậu, người đẹp Việt khác không có nổi một thần thái thu hút. Thần thái sang chảnh và tính cách sang chảnh là hai thứ khác nhau. Nhiều người thần thái không hề sang nhưng luôn tỏ ra mình đài các, kiêu sa như trên trời vậy. Bây giờ, các bạn trẻ hay lập lờ giữa hai sắc thái “kiêu hãnh” và “kiêu ngạo”.

* Ngoài Phạm Hương, có những mỹ nhân Việt nào chị mến mộ?

- Một người tôi luôn ngưỡng mộ là Hoa hậu Ngọc Khánh. Càng tiếp xúc càng thấy cô ấy duyên dáng và dí dỏm. Một người khác không bao giờ khoe khoang thành tích của mình mà luôn khiêm nhường là Hoa hậu Diệu Hoa. Báo chí thường nhắc đến bằng cấp của cô ấy, nhưng Diệu Hoa đúng là người phụ nữ chuyên tâm chăm sóc gia đình và làm giàu tri thức chứ không màng đánh bóng tên tuổi.

Còn Hoa hậu Hà Kiều Anh làngười tài sắc vẹn toàn, vừa rất giỏi nấu ăn, trang trí nhà cửa vừa rất giỏi kinh doanh. Còn “người đẹp không tuổi”, danh xưng nhiều người thường gọi tôi, tôi thấy xứng đáng hơn phải là Giáng My.


Diễm My và gia đình

* Có một người tên giống chị, Diễm My 9x, cũng từng là bạn diễn của chị?

- Tôi từng đóng vai mẹ của Diễm My 9x trong phim Làn môi trong mưa. Ngồi với cô bé, tôi nói: “Em đó, em giỏi hơn chị khi chị bằng tuổi em bây giờ. Em vừa đi làm vừa đi học để tốt nghiệp, hết lòng vì điện ảnh. Ở tuổi em, chị chỉ đi chụp hình, có tiền rồi đi chơi, yêu đương, không chịu tập trung sự nghiệp”.

Tôi cũng chỉ ra điểm yếu của cô ấy là lúc nào cũng ưu phiền. Tôi nói: “Em phải nhìn đời bằng con mắt lạc quan hơn. Chị già mà còn lạc quan hơn em nữa”. Cô ấy nói: “Vậy hả chị? Em cố gắng mà chưa được”. Tôi bảo: “Em phải tập. Nếu không, những ý nghĩ tiêu cực sẽ làm em mệt mỏi”.

* Ngày trước, danh hiệu “Nữ hoàng ảnh lịch” được công chúng gán cho chị như một sự yêu mến. Ngày nay, có rất nhiều danh hiệu “nữ hoàng”, “ông hoàng” tự phong. Chị có để ý không?

- Tôi nghĩ rất đơn giản: thời gian sẽ trả lời. 5 năm, 10 năm rồi 20 năm, bạn có thể bỏ tiền để chụp hình, mua bài, mua danh hiệu nhưng được bao lâu. Nhan sắc rồi sẽ tàn. Tin tôi đi, không ai có thể trụ vững 20 năm trong làng giải trí chỉ bằng nhan sắc. Rồi bạn bước vào tuổi 30 mà vẫn chỉ suốt ngày tung hình thì quá nhàm. Khán giả sẽ chán chường: Không biết cô này còn gì để khoe?

Có thứ khác để “khoe” chính xác hơn, đóng phim chẳng hạn. Đóng phim thì chẳng cần khoe vì đằng nào cũng ra mắt rồi truyền hình hay rạp sẽ chiếu. Nhắc đến tôi bây giờ, người ta nhớ tôi đóng Người đứng trong gió, Đại ca U70... Đó là thứ để tôi cống hiến.


Vẻ đẹp của Diễm My không phai theo thời gian

Thực ra, người trẻ không sai khi muốn nổi tiếng. Nhưng quan trọng nhất là biết khả năng của mình và đừng bao giờ ảo tưởng. Trong điện ảnh dễ ảo tưởng lắm. Thời tôi truyền thông chưa mạnh như bây giờ mà đã có người ảo tưởng: đóng xong phim này ta sẽ đi Hollywood.

Tôi thì chưa bao giờ nghĩ thế. Khi bị chê đóng dở, tôi nhận và không đổ lỗi cho ai. Người ta cứ hỏi bây giờ có ước quay lại thời làm phim Dòng sông hoa trắng để đóng cho hay hơn, nhưng tôi trả lời không. Thời gian đi tới chứ không đi lui. Bây giờ tôi cứ nhận vai bà già 70 và đóng tốt vai đó chứ hơi đâu mà ngồi tiếc vai cũ.

* Người mẫu Ngọc Trinh cũng đang lấn sân điện ảnh, người ta nói nét đẹp của cô ấy với chị có chút tương đồng. Chị nghĩ sao?

- Về nhan sắc thì mỗi người một quan điểm, tôi không bàn. Riêng Ngọc Trinh tôi đánh giá cao ở chỗ hiếu thuận với gia đình. Dường như nhiều người thành công lãng quên điều đó. Trinh thật thà, thương yêu gia đình và đồng nghiệp. Gặp cô ấy, tôi nói: “Em đó, em có hiếu thì ông trời sẽ không bất công với em đâu”.

* Nếu có một lời khuyên với cô Diễm My tuổi 20, tức là chính chị cách đây 30 năm, chị sẽ nói gì?

- Ngày xưa mình phải ngu rồi mới khôn, phải té rồi mới đứng dậy. Lúc đó không ai chỉ cho tôi những sai lầm, bây giờ nhìn lại mới biết. Thế nên tôi rất thông cảm với các bạn trẻ 20. Tôi không giận con gái mình khi mắc lỗi, tôi luôn đặt mình như là bạn của con để chia sẻ và hướng con đến những điều tích cực trong cuộc sống. Vì tôi hiểu ngày xưa mình cũng vậy. “Con đừng buồn, rồi con sẽ có cơ hội” - tôi luôn động viên con.

Diễm My sinh năm 1962 tại Nha Trang. Chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 10 tuổi. Thập niên 80 và 90, chị đóng các phim Rừng lạnh, Vết thù năm tháng, Bí mật thành phố cấm, Dòng sông hoa trắng, Phía sau cuộc chiến... Chị kết hôn với doanh nhân Hà Tôn Đức vào năm 1994 và tạm ngừng sự nghiệp.

Đến năm 2004, chị trở lại màn ảnh với các phim 39 độ yêu, Hướng nghiệp phần 2, Ngọc viễn đông,Người đứng trong gió, Đại Ca U70...

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm