27/07/2015 12:45 GMT+7 | Văn hoá
Bức tranh này được họa sĩ Quang Thọ lấy cảm hứng từ thực tiễn những ngày đói khát của đoàn quân Tây Tiến - một chiến sĩ được cứu sống nhờ bầu sữa của một phụ nữ người dân tộc.
Từ thực tiễn chiến đấu
Đại tá Trần Kỳ chiến sĩ trung đoàn Tây Tiến kể lại: “Cuối 1947 giặc Pháp tấn công từ Sơn La về. Lúc đó, tương quan lực lượng rất chênh lệch: quân địch là đội quân chính quy, trang bị vũ khí, quân trang quân dụng đến tận răng. Còn quân ta là tập hợp những thanh niên từ Hà Nội lên, kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều.
Trang bị thiếu đủ thứ: súng đạn, thuốc thang, lương thực… và bệnh tật luôn ám ảnh chúng tôi. Đây là những ngày tháng gian khổ nhất của đoàn quân Tây Tiến.
Đơn vị chúng tôi hành quân liên tục. Lúc ta đuổi giặc, lúc thì giặc đuổi ta. Một lần trên đường hành quân, cả tiểu đội tôi anh nào cũng đói lả. Anh bạn cùng tiểu đội gục xuống; chỉ vào túi ngực thều thào: Trần Kỳ, tớ không đi được nữa rồi, nhờ cậu chuyển giùm lá thư và nói cậu mợ là tớ luôn nhớ đến gia đình.
Tôi cũng đói quá, chân tay bủn rủn chỉ biết động viên đồng đội cố lên mà nước mắt tuôn trào. Bỗng từ trên nương, một chị dân bản địu con, tay cầm dao đi rừng bước đến, nhìn qua chị biết ngay chuyện gì xảy ra.
Chị lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường, ngồi nâng đầu anh bạn lên đùi và vạch bầu sữa. Anh bạn đang lịm đi được nhận những giọt sữa thấm vào môi dần tỉnh lại. Sau đó, người phụ nữ lặng lẽ địu con và bước nhanh về phía bản xa.
May quá, sau đó anh nuôi cũng vừa tới, những gói cơm nắm muối vừng như thần dược. Tôi phải nhai cơm nắm mớm cho bạn. Sau này, anh bạn mình có dịp trở lại cố tìm ân nhân nhưng không thấy.
Lúc đó, Chính trị viên trung đội tôi là Quang Thọ đã chứng kiến sự việc vô cùng xúc động này. Một lần khác hành quân vào bản, chúng tôi không thạo tiếng dân tộc nhưng biết bộ đội Cụ Hồ là nhân dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, dọn nhà sàn cho ở, đêm ấy anh Quang Thọ và tôi bị sốt rét “quật ngã” đơn vị phải gửi lại nhà dân. Sáng hôm sau được tin giặc sắp càn vào khu vực này, dân bản phải cáng hai anh em tôi vào trong rừng sâu để tránh.
Mấy hôm sau dứt cơn sốt, chúng tôi lại mò đi tìm đồng đội. Đây là những ngày tháng chiến đấu vô cùng khó khăn gian khổ nhưng thật ấm áp tình đồng chí, tình quân dân gắn bó keo sơn”.
Đến bức tranh độc đáo
Đại tá Trần Kỳ nói tiếp: “Hòa bình lập lại anh Quang Thọ đi học lớp hội họa, và họa sĩ Quang Thọ đã gửi gắm tình quân dân sâu nặng thuở xưa vào bức tranh màu dầu khổ lớn: Nuôi giấu thương binh. Tác phẩm hiện đang được treo trong Bảo tàng Lịch sử quân đội”.
Trong một buổi đến thăm Bảo tàng, cùng ngắm bức tranh này với tôi tại phòng trưng bày tranh là một bác tóc đã bạc màu. Sau khi làm quen, được biết ông là sinh viên trường Yết Kiêu học sau bác Quang Thọ dăm khóa.
Chỉ vào bức tranh của họa sĩ Quang Thọ ông chia sẻ :“Ở châu Âu ngay từ thời Phục hưng đã có những danh họa vẽ về câu chuyện: Cô Pero đã cho người bố già Cimon bú sữa của cô để sống sót trong nhà ngục sau khi ông bố bị mang án tử hình bằng cách bị bỏ đói cho chết” đó là các họa sĩ lừng danh: Pietro Paolo Rubens, Jean Baptist Greuze, Caravaggio… Họ đều bố cục ông bố bú trực tiếp cô con gái.
Vẽ bức tranh này, họa sĩ Quang Thọ đã xử lý tình huống rất thú vị: Trong cánh rừng nhiệt đới với những cây lá kỳ lạ, anh thương binh nằm trên chõng tre sốt mê man được bà mế già đang lau mồ hôi trên trán, người mẹ trẻ vắt sữa ra cái bát. Tác giả dùng bút pháp vừa kỳ ảo vừa chân thực để vẽ lên hình ảnh những người phụ nữ dân tộc miền núi đang dồn hết tất cả để giành giật sự sống cho người chiến sĩ đang kiệt sức…”.
Đây là một tác phẩm thành công gây được nhiều ấn tượng sâu sắc của họa sĩ Quang Thọ trong lòng người xem. Quang Thọ còn có nhiều ký họa hồi tưởng lại tình quân dân cá nước trong những tháng năm Tây Tiến như một món nợ tinh thần dành tặng cho nhân dân các dân tộc dọc đường Tây Tiến.
Vài nét về họa sĩ |
Nguyễn Phú Cương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất