Bùi Công Duy: Nghệ thuật - đừng vô cảm

13/08/2012 10:10 GMT+7 | Âm nhạc

Được coi là hoàng tử violin của nền âm nhạc thính phòng Việt Nam, cái tên Bùi Công Duy được nhắc đến nhiều ở ta có lẽ chỉ sau NSND Đặng Thái Sơn.

Một sức nặng mà kể cả có, hay không có danh hiệu NSƯT (như anh vừa... bị trượt trong đợt xét tặng vừa qua), thì Duy cũng vẫn cứ đắt sô như thường, trong các chương trình hòa nhạc cần đến những tên tuổi lớn.

Cây đàn luôn giành phần thắng

* Ngày nhỏ, anh có giống những đứa trẻ khác: không phải được, mà là… bị học đàn?

- Nói thật là hồi nhỏ tôi cũng không thích học đàn lắm, nhưng cũng không đến nỗi sợ. Có thể vì trong bẩm sinh tôi có năng khiếu nên khi học thì thấy cũng dễ tiếp thu nên cuối cùng vẫn theo được.
*- Anh có từng bị chi phối bởi một ước mơ nào khác?

- Nhiều chứ! Tôi say mê thể thao, đã có lúc tôi muốn trở thành một tay đua Công thức 1 như Michael Schumacher, hay một huấn luyện viên bóng đá như Alex Ferguson, hay chơi tennis giỏi như A. Agassi hay R. Federer...

* Anh được báo chí để mắt tới rất sớm: vì thời điểm đó anh điển trai, dễ thương, hay vì tài năng, hay đơn giản anh là... con trai của nghệ sĩ Bùi Công Thành?

- Thời điểm tôi bắt đầu được nhắc tới trên báo chí có lẽ cũng là một điều may mắn của cá nhân tôi, vì tôi bắt đầu thành công từ sớm và là người đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế chính thức (trong lĩnh vực violin) tại một số cuộc thi rất có uy tín. Tôi luôn muốn được nhắc tới là một người giỏi trong lĩnh vực của mình chứ không phải vì dễ mến, đẹp trai hay “con nhà”. Tuy nhiên, những yếu tố mà anh nhắc đến ở trên cũng là những may mắn mà tôi có được và ít nhiều là một lợi thế không nhỏ.
*- Vẻ như thành công đến với anh khá dễ dàng, hơn là, như người ta vẫn nói: phải đổ mồ hôi sôi nước mắt...?

- Không phủ nhận là tôi gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng không ít lần ngậm đắng nuốt cay với những thất bại và sai lầm của mình. Đã có những lúc, tôi cảm thấy bất lực vì nó quá khó đối với tôi. Thật sự, tôi luôn đối diện với nhiều áp lực bởi sự hy sinh của nhiều người trong gia đình. Mỗi khi mình làm không được tốt và vẻ như không được hết sức, thì tôi luôn tự thấy bứt rứt với lương tâm. Đã có lúc tôi nghĩ về nó nhiều đến mức nằm mơ thấy nó, trước khi buổi thi hay buổi biểu diễn diễn ra cả tháng trời...

* Đã có lúc nào, anh cảm thấy thất vọng vì nó - cây vĩ cầm của anh?

- Không thất vọng đâu, vì nó đã và luôn cứu tôi nhiều lần. Nhờ nó mà tôi được học hành nhiều năm, biết được những giá trị cao quý nhất của nó và có được thành công như ngày hôm nay. Tuy nhiên mỗi khi chơi đàn trên sân khấu thì giữa tôi và cây đàn như một cuộc chiến đấu với nhau và thường phần thắng thì hay thuộc về cây đàn.


Bản Concerto của Felix Mendellsohn

* Bản nhạc anh chơi nhiều nhất tính đến thời điểm này?

- Tính đến thời điểm này có lẽ là bản Concerto của Felix Mendellsohn. Tôi đã chơi bản này từ lúc mới 12 tuổi. Nó theo tôi đến tận ngày hôm nay và sẽ còn tiếp tục.

* Vì sao anh lại chơi nó nhiều như vậy?

- Vì đây là tác phẩm tôi cảm nhận được nhiều nhất, chính vì tôi đã lớn lên và trưởng thành cùng với nó. Theo năm tháng, tôi lại dần thấy nó mỗi khác đi. Lúc 12 tuổi, tôi thấy nó rất đẹp. Khi 16 tuổi, lại thấy nó rất phóng khoáng. Rồi khi 25 tuổi, thấy thật nhiều màu sắc tương phản. Và giờ, khi 32 tuổi thì ngoài những thứ kia, tôi còn thấy có sự đau khổ trong đó nữa.

* Điểm khó nhất của nghệ thuật trình diễn violin là gì?

- Violin là cây đàn đòi hỏi sự khéo léo, vừa phải giữ được cao độ chuẩn xác, đồng thời phải tạo ra tiếng đàn truyền cảm có khả năng thôi miên khán giả, hút họ về phía mình.

* Điểm nào tạo ra sự khác biệt?

- Sự khác biệt cũng nằm ở chính âm thanh của cây đàn. Đối với violin thì bạn có thể thấy rất hay khi nghe người chơi giỏi, nhưng lại không thể chịu nổi khi nghe người chơi dở.

* Riêng với Bùi Công Duy thì điều thu hút còn là một ngoại hình và một phong thái đầy chất nghệ sỹ?

- Cũng có thể. Nhưng tôi dám chắc một điều rằng, nếu tôi có ngoại hình như diễn viên Hollywood nhưng chơi đàn dở thì cũng sẽ không ai đến nghe tôi biểu diễn suốt bao năm qua...

* Người ta nói trong số các nhạc cụ thì vĩ cầm gần với tiếng người nhất. Vậy khi con người ta khác đi, tiếng đàn có khác?

- Tất nhiên theo năm tháng, tiếng đàn của tôi cũng thay đổi chứ, cùng với sự trưởng thành của tôi. Để chơi đàn hay thì có lẽ cũng phải ở một độ tuổi nhất định nào đó mới có thể chuyển tải được hết những cảm xúc cũng như chiều sâu của tâm hồn…


Trở về là một quyết định khó khăn, nhưng không thiệt thòi

* Sự tương đồng thì là dễ hiểu, trong một gia đình nghệ sĩ. Nhưng sự bất đồng thì sao, có không?

- Nhiều tương đồng, đúng! Tuy nhiên, bất đồng cũng không ít! Đã là nghệ sĩ thì mỗi người luôn có một cách nhìn khác nhau. Nhưng một khi đã được tiếp xúc với đỉnh cao của nghệ thuật, hay được ở vào trung tâm của cái nôi âm nhạc thế giới thì thường bao giờ cũng cùng hướng về một phía. Nghệ thuật luôn luôn phải đẹp, hài hòa, hợp lý và không bao giờ được vô cảm!

* Ngày anh trở về Việt Nam chính thức, tôi thấy mừng vì những người tài như anh đã chọn quê hương làm nơi phát triển, nhưng có lo cho anh sẽ bị thiệt thòi. Tại sao anh lại chọn trở về, khi sự khó khăn là hoàn toàn có thể lường trước?

- Không phủ nhận, quyết định trở về của tôi là một quyết định khó khăn và đầy mạo hiểm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây là một thiệt thòi. Vì ở đâu thì cũng có những mặt hay mặt dở và không nơi nào là tuyệt đối cả, quan trọng là mình chọn cái nào thôi. Về Việt Nam, tôi được nhiều chứ: được thử thách, tôi luyện, được khám phá bản thân mình nhiều hơn và hoàn thiện mình hơn, cả trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp...

* Nhạc viện là cơ hội duy nhất cho cuộc trở về của anh sao, khi ít ra thì nó cũng cho phép anh được tiếp xúc với cây đàn nhiều hơn là khi đầu quân cho một dàn nhạc thính phòng ở ta?

- Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, thì công việc chính của tôi là giảng dạy. Tôi hạnh phúc với công việc đó bởi tuy mới làm việc một quãng thời gian ngắn, nhưng ít nhiều tôi cũng đã khẳng định được khả năng của mình. Công việc giảng dạy chỉ là một trong những việc tôi làm thường ngày. Tôi còn biểu diễn, quản lý, tổ chức biểu diễn, hoạt động xã hội…

* Không nhiều cơ hội cho một nghệ sĩ thính phòng ở Việt Nam, anh có nghĩ thế? Khi Bùi Công Duy luôn là số ít, còn số nhiều đổi cả chục năm miệt mài và không bao giờ được gọi tên?

- Không phải chỉ ở Việt Nam thôi đâu, ở nước nào cũng vậy đấy! Nếu tính theo tỉ lệ người học đàn violin thì ở Việt Nam như vậy là còn quá tốt. Còn như ở riêng Nhạc viện Tchaikovsky tại Moscow, mỗi năm có cả trăm học sinh tốt nghiệp đại học mà đâu phải năm nào cũng có người khá, được nhắc tên. Đây là tôi chưa tính đến các trường khác tại Moscow, nếu tính hết thì con số có thể lên đến hàng nghìn người ra trường mỗi năm. Ở Việt Nam chắc chỉ được một, hai chục là giỏi! Đây cũng là một nghề như bao nghề khác, nó cần sự kết hợp của nhiều người cộng lại, càng nhiều người theo đuổi thì càng dễ phát triển. Anh có thấy nghề nào mà chỉ toàn giám đốc mà không có nhân viên không?

* Trong vai trò solist, anh chia sẻ được gì với những cộng sự trong dàn nhạc biểu diễn chung với mình?

- Tôi rất cảm ơn những cộng sự chơi trong dàn nhạc, bởi trong thời buổi khó khăn như thế này mà họ vẫn dành hết tâm huyết chơi đàn và cùng hòa với nhau để tạo ra những buổi biểu diễn thành công…

* Tôi thấy người ta toàn khen anh? Vậy từ con mắt "thầy" của mình, anh tự nhận xét ưu và nhược điểm của mình là gì?

- Đương nhiên là “thầy” thì ít khen lắm, rất ít khi tôi hài lòng với bản thân. Ưu điểm có lẽ là tôi có khả năng cảm nhận đúng và tiếp thu nhanh. Nhược điểm có lẽ là đôi khi tôi vẫn mắc phải sự chủ quan và chưa tận dụng được hết khả năng của mình vào thời điểm cần thiết.

* Anh có bao giờ so sánh mình với bố không? Điều gì anh học hỏi ông, và điều gì anh sẽ làm khác?

- Tôi và bố tôi tương đối khác nhau. Ông là tấm gương vĩ đại nhất của tôi. Và chính sự khác biệt giữa tôi và ông lại là những sự bổ sung hợp lý để giúp tôi được hoàn thiện hơn. Điều khác mà tôi chưa làm được có lẽ là tôi không chăm chỉ được như bố.

* Bằng chứng là luận án tiến sĩ mãi chưa xong?

- Tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện và sắp kết thúc rồi đây!

* Anh nghiên cứu về đề tài gì?

- Tôi nghiên cứu về những hạn chế trong âm chuẩn và nhịp phách của người Việt trong khi chơi các tác phẩm cổ điển hàn lâm, và những biện pháp để cải thiện và khắc phục những hạn chế đó.



Đôi lúc cũng muốn quên cây đàn…

* Học trò của thầy Bùi Công Duy liệu có thể trở thành một tài năng biểu diễn quốc tế không? Hay nếu muốn thành thầy Duy lại phải chọn một môi trường đào tạo khác?

- Để trở thành một tài năng biểu diễn quốc tế, yếu tố “thầy” chỉ là 50%. Thầy có thể giúp và chỉ dẫn được rất nhiều, nhưng thầy không làm thay trò được. Và đương nhiên, nếu được đào tạo ở những địa chỉ có uy tín cao trên trường quốc tế thì vẫn là tốt hơn cả. Đơn giản là, ở nước ngoài sẽ không vướng phải nhiều rào cản như ở Việt Nam.

* Tôi nhớ cách đây chưa lâu, khi anh còn chưa “ấm chỗ” ở Nhạc viện thì đã dính một cuộc kiện tụng nội bộ. Bản chất vấn đề là gì?

- Có lẽ là hiểu lầm. Một số người không hiểu đúng và không thích những việc tôi đang làm, chuyện này không tránh được. Tôi cũng không ngại phải đối mặt với những việc như thế, bởi tôi luôn đủ tự tin vào chính mình, biết những gì tôi đã làm, đang và sẽ làm là cần thiết và có lợi cho xã hội, cho nghề nghiệp và cho sự phát triển của nghệ thuật. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn sự cố này, vì nhờ có những chuyện như thế mà tôi càng chín chắn hơn, cảm nhận được cuộc sống thật là nhiều màu sắc khác nhau. Là người lạc quan, tôi luôn cho rằng “trong họa luôn có phúc” và “cây ngay không sợ chết đứng”.

* Họ nói anh “ngôi sao” quá?

- Tôi không có quá nhiều thời gian để quan tâm đến việc người ta nói tôi ra sao. Ai chẳng có người yêu, người ghét, tôi cũng chỉ là một người như mọi người, làm sao cấm người ta nói xấu mình được.

* Du học từ nhỏ, liệu anh có gặp phải cú sốc nào khi về lại với môi trường nghệ thuật trong nước?

- Làm việc ở Việt Nam quả thật không dễ, đôi khi tôi cũng thấy hơi thất vọng! Chúng ta rất khác so với những gì đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, nếu bi quan thì tôi đã không trở về. Tôi hy vọng đất nước sẽ sớm thoát khỏi tình trạng này, bởi Việt Nam có nhiều người giỏi và chúng ta đang rất quyết tâm.

* Lúc thất vọng, anh có ân hận vì quyết định trở về không?

- Không. Tôi muốn được thử thách với những khó khăn.

* Gần đây tôi thấy anh có vẻ “đa màu” hơn:  khi thì trình diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Berlin, khi thì biểu diễn cùng… vua nhạc sến Mr. Đàm và thậm chí, đóng phim... Là vì cái sự “cơm áo không đùa”, hay anh muốn đa dạng?

- Tôi yêu thích tất cả những việc tôi đang làm và đó cũng là cách để tôi đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Việc nào hợp lý và có thể mang tới những tác động tốt cho ngành cổ điển, thì tôi vẫn sẽ làm. Âm nhạc cổ điển cần được tiếp cận diện rộng hơn chứ không chỉ trong nhà trường hay Nhà hát Lớn.

* Cơ hội biểu diễn ở Việt Nam có lúc nào là chiếc áo quá chật đối với anh?

- Đã là nghệ sĩ thì ai cũng thích được lên sân khấu, càng nhiều càng tốt!

* Ngược lại, có lúc nào anh muốn quên cây đàn đi không?

- Có chứ! Thường sau mỗi đợt biểu diễn triền miên thì tôi cũng cần phải xả hơi, tạm gác đàn lại một chút để làm các việc khác cho cân bằng lại cuộc sống.

* Tôi thấy hào quang của anh làm lu mờ bà xã anh quá! Cô ấy có vui vẻ với cái sự “làm nền” đó không?

- Vợ tôi thuộc tuýp người kín đáo. Tôi nghĩ gia đình có một người như tôi là quá đủ rồi, cần phải có sự cân bằng. Vợ tôi có con đường sự nghiệp độc lập và rất chắc chắn. Chính sự chắc chắn ấy đã bổ sung và giúp tôi rất nhiều. Phụ nữ Việt Nam luôn luôn là những người anh hùng!

* Câu hỏi cuối, anh ước mong điều gì cho sự nghiệp âm nhạc riêng mình?

- Tôi mong muốn âm nhạc cổ điển ở nước mình được chính phủ đầu tư một cách bài bản hơn, kinh tế nước nhà sớm vực dậy để thoát ra được khỏi thời buổi khó khăn này. Có vậy thì mới mong sớm tìm được nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ cho âm nhạc cổ điển và vợ chồng tôi mới luôn được làm những điều mình yêu thích, hoàn thành được những dự định của mình trong tương lai gần…

Năm 2012, lần đầu tiên Bùi Công Duy tham gia chương trình Hòa nhạc Toyota, được dàn dựng công phu và trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng tài ba người Nhật Bản Honna Tetsuji. Đây là năm thứ 15 chương trình Hòa nhạc Toyota được tổ chức và cũng là lần đầu tiên được mở rộng, giới thiệu ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chương trình diễn ra từ 22/7-6/8 tại bốn thành phố gồm Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), Tp. HCM và Hà Nội (Việt Nam).

Khách mời của chương trình ngoài Bùi Công Duy còn có nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình. Bùi Công Duy trình diễn bản Concerto cho violin giọng Rê trưởng của nhà soạn nhạc vĩ đại Ludwid van Beethoven. Ca sĩ giọng Tenor (nam cao) Trịnh Thanh Bình trình diễn các tác phẩm "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" của nhạc sĩ Hoàng Hà và "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt. Bên cạnh đó, quốc ca của ba nước cũng sẽ được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối lại để trình diễn trong phần đầu chương trình. Tại Lào và Campuchia, các nghệ sĩ cũng thể hiện một số tác phẩm đặc trưng của hai nước bạn bên cạnh các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới


 Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm