Bộ phim về bạo lực tình dục: Từ Hoa hậu Thế giới tới phụ nữ Việt

11/12/2016 06:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xúc động trước bộ phim về quá khứ bị cưỡng bức của Hoa hậu Thế giới Linor Abargil, khán giả nữ Việt Nam đã cùng chia sẻ chuyện riêng của mình trong buổi chiếu tại Rạp tháng Tám, Hà Nội.

Sáng 9/12, khán giả Việt Nam đã được "gặp" Hoa hậu Thế giới Linor Abargil qua bộ phim Brave Miss World (Hoa hậu Thế giới dũng cảm). Đây là sự kiện doCSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) tổ chức tại Rạp tháng Tám, xoay quanh vấn đề về bạo lực tình dục với nữ giới.

Một Hoa hậu đích thực

Năm 1998, trên đường ra sân bay Milan ở Italy, Hoa hậu Israel Linor Abargil (sinh năm 1980) đã bị Uri Shlomo Nur (người Israel đặt vé và chở cô ra sân bay) cưỡng bức.

Trở về Israel, Linor Abargil quyết định lao vào cuộc thi Miss World 2 tháng sau đó để quên đi nỗi đau. Cô cũng không ngờ mình đăng quang Hoa hậu Thế giới. Sau khi đăng quang, cô đã có quyết định vô cùng quan trọng: trình báo vụ việc với cảnh sát Israel, và sẵn sàng bước vào cuộc chiến pháp lý với Uri Shlomo Nur.

Bộ phim tài liệu Brave Miss World (sản xuất năm 2013) do Cecilia Peck, con gái của nam tài tử lừng danh người Mỹ Gregory Peck làm đạo diễn, kể lại hành trình Hoa hậu Linor Abargil hàn gắn vết thương, đi tìm công lý và giúp đỡ những người phụ nữ gặp hoàn cảnh tương tự.


Hoa hậu Thế giới 1988 Linor Abargil...

Trang web của Linor Abargil đã nhận hàng ngàn lá thư của những nạn nhân trên khắp thế giới, đưaLinor Abargil đã tới nhiều quốc gia, gặp gỡ các nạn nhân. Cô nhận thấy phần lớn phụ nữ bị bạo lực tình dục và chịu đựng đau khổ âm thầm nhiều năm. Nhiều cuộc đời đã bị phá hủy ,dù trong sự việc này họ chỉ là nạn nhân.

Như lời Linor Abargil,dù đã công khai ra ánh sáng, cô vẫn  luôn có cảm giác mình bị cưỡng bức lần thứ hai mỗi khi phải kể lại câu chuyện của mình trong các phiên tòa. Nhưng Linor Abargil đã kiên trì đi tìm những nạn nhân của Uri Shlomo Nur. Nhờ bằng chứng của họ, Uri Shlomo Nur đã phải lĩnh án 16 năm tù.

Luật sư của Linor Abargilcho biết cô đã thoát chết nhờ sự can đảm và thông minh. Trong tình huống hoảng loạn, bị áp chế bằng dao, cô vẫn đủ bình tĩnh trấn an hung thủ rằng cô sẽ không kể chuyện này với ai nếu hắn tha cho cô.

Sau đó, cô đã dũng cảm đối mặt với nỗi đau, để không chỉ tự hàn gắn bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người phụ nữ khác.


... và cuộc trò với một nạn nhân của bạo lực tình dục

Đừng gục ngã khi bạn chỉ là nạn nhân

Bộ phim Brave Miss World đã phỏng vấn rất nhiều người phụ nữ từng bị cưỡng bức trên thế giới. Họ phải đối mặt với di chứng tâm lý nặng nề, nhiều cuộc đời đã bị hủy hoại.

Những cô gái trẻ ở Nam Phi, một đất nước có tỉ lệ phụ nữ bị tấn công tình dục lớn nhất thế giới, cho Linor Abargil biết nếu họ kêu ca về việc này thì sẽ bị cộng đồng cho rằng "muốn gây chú ý".

Tại Mỹ, một một nữ sinh tại một trường đại học ở Mỹ bị một nam sinh trong trường, đồng thời cũng là một cầu thủ nổi tiếng cưỡng bức. Nhưng khi cô đề cập chuyện này không ai tin một cầu thủ nổi tiếng có thể làm việc đó.

Và, trong khuôn khổ buổi chiếu phim tại rạp Tháng Tám, một phụ nữ Việt Nam cũng đã đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình. Chị đã từng yêu một người đàn ông rất nổi bật, tài hòa thu hút phái nữ. Khi cả hai chấm dứt mối quan hệ, trong một lần gặp nhau, dù chị đã cảnh báo trước không muốn "chuyện ấy", nhưng vẫn bị anh này tấn công tình dục. Cho đến bây giờ, chị vẫn còn cảm giác có lỗi với bản thân mình.

"Có rất nhiều người nam giới cho rằng với người từng là người yêu, hoặc đang là người yêu thì mình có quyền quan hệ tình dục, bất chấp có được cô ấy đồng ý hay không" - Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, chia sẻ về lời tâm sự ấy.

Như lời bà, nhiều nạn nhân bạo lực tình dục đã chấp nhận cưới kẻ gây ra điều đó với mình. Thậm chí trong văn hóa Việt Nam, điều này còn được coi là... một kết thúc có hậu.

"Nếu ở hoàn cảnh tương tự như Linor Abargil, tôi mong những phụ nữ Việt Nam đủ tự tin để dõng dạc tố cáo với lời tuyên bố: Tôi là người từng bị bạo lực tình dục" – bà Vân Anh nói thêm. "Chúng ta đừng đổ lỗi cho bản thân, mà hay nhìn đó như một vụ tai nạn Nếu chẳng may khi đi trên đường bị một người khác xô ngã, bạn hãy đứng dậy đi tiếp chứ đừng gục xuống".

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm