'Barbie Girl' - Bài hát khiến 'nàng búp bê Barbie' nổi đóa

05/02/2017 07:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa hè năm 1997 khi nhóm nhạc người Đan Mạch Michael learns to rock khuấy động thị trường âm nhạc Đông Nam Á thì tại châu Âu, một tên tuổi khác của Đan Mạch là nhóm Aqua đã làm nên cơn sốt mùa hè với ca khúc Barbie Girl.

Bài hát đã leo lên quán quân của một loạt quốc gia và thậm chí nó còn leo lên hạng 7 ở bảng tổng sắp Billboard,cạnh tranh quyết liệt với cả Spice Girls của người Mỹ. Lúc đó, tờ Billboard đã viết rằng “nếu như 25 năm trước ABBA là đại diện Thụy Điển bắt đầu chinh phục toàn bộ thế giới thì giờ đây, điều này đang trở lại với một nhóm nhạc vùng Scandinavi là Aqua, họ muốn cả thế giới biết rằng Đan Mạch là một quốc gia không hề nhỏ bé trên bản đồ âm nhạc”.

“Em là một nàng Barbie nhưng…”

Trước Barbie Girl thì Aqua có tên nguyên thủy là Joyspeed, một nhóm nhạc gần như vô danh. Cả Lene Nystrom, René Dif, Soren Rasted và Claus Norreen, 4 thành viên của nhóm, cũng chỉ đều mong muốn gặt hát được thành công ngay tại Đan Mạch để họ có thể đổi đời nhưng thành công thì vẫn cứ lơ lửng.

Nhóm nhạc này thành lập năm 1989 nhờ vào một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Soren Rasted và Claus Norreen. Cả hai gặp tại một trạm xăng khi Claus đang là nhân viên bán xăng tại đây. Họ trò chuyện tâm đầu ý hợp và quyết định sẽ thành lập một nhóm nhạc.


Single "Barbie Girl" của Aqua được phát hành vào tháng 5/1997

Cộng thêm 2 thành viên nữa là DJ René Dif cùng Lene Nystrom, người lúc ấy đang dẫn một chương trình truyền hình ở Na Uy nhưng nuôi mộng thành ca sĩ, nhóm Joyspeed đi diễn khắp nơi nhưng cũng chỉ được đón nhận ở vai trò hát lót. Thậm chí lúc ấy single đầu tay, Itzy Bitzy, thất bại thảm hại. Sau 11 ngày tung ra thì nó biến mất hoàn toàn trên thị trường bởi chẳng được ai để ý.

Nhưng tin số phận họ không đến nỗi thảm hại như vậy và để giải bế tắc, nhóm quyết định chia tay hãng đĩa và đổi tên. Sau khi nhìn thấy một tấm poster quảng cáo của Hiệp hội nuôi cá cảnh quốc gia nhóm quyết định đổi tên thành Aqua (Nước) với mong ước sẽ như đàn cá bơi tung tăng thỏa thích.

Và kết quả đúng là khả quan hơn. Đổi tên thành Aqua thì cũng là lúc mà nhóm nhạc này đổi vận. Năm 1996, single đầu tiên dưới “triều đại Aqua”, Roses are red, với chất nhạc dance pop sôi động, đúng kiểu dòng nhạc Euro dance một thời rất thịnh hành, bài hát đã thành công tương đối tại Đan Mạch. Single tiếp theo, My Oh My, cũng với chất nhạc như thế, phát hành tháng 2/1997 đã thành công tuyệt đối khi chỉ trong 6 ngày nó đã leo lên quán quân và nhận được đĩa vàng.

Sự thành công của đĩa nhạc này đã lọt vào mắt xanh của Karl Badger, giám đốc marketing của hãng Universal và ông quyết định “bốc” Aqua sang Anh quốc với hy vọng nhào nặn nhóm trở thành một No Doubt mới hoặc biến nàng ca sĩ chính của nhóm, thành một Madonna thứ hai.

Vừa về đến Anh quốc, Badger gửi ngay 800 đĩa single My Oh My cho các đài phát thanh và các DJ nổi tiếng để thăm dò. Nhưng kết quả thật lạ lùng, chẳng ai đoái hoài. Và lúc ấy, hãng Universal quyết định tung con bài quyết định, Barbie girl, sẽ chính thức phát hành vào tháng 5/1997.

Barbie girl khởi thủy là ý tưởng của Soren Rasted khi một lần anh đến dự buổi triển lãm búp bê Barbie ở Copenhagen (Đan Mạch). Lúc ấy búp bê Barbie không chỉ là một thứ đồ chơi yêu thích của bọn trẻmà đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Vừa ngắm nhìn vừa suy nghĩ bỗng dưng trong đầu Soren hiện lên một tứ ca từ lạ lùng “Em là một nàng Barbie, sống trong một thế giới Barbie với cuộc đời bọc nhựa, thật là huyền ảo”.

Vừa nghĩ xong thì Rasted chạy ngay về pòng thu thu âm và cùng 3 người bạn quyết định triển khai thành một bài hát hoàn chỉnh.

Barbie girl không phải là một bài hát ca ngợi về những nàng búp bê Barbie mà thông qua hình tượng này, nhóm Aqua muốn mang đến cho nàng một hơi thở mới, trần tục hơn và cũng thực tế hơn.

Ở đó, sẽ có 2 nhân vật Barbie và bạn trai Ken. Họ không sống như những búp bê tủ kính mà “đời” hơn, như những con người. Ở đó lần đầu tiên người ta thấy Ken rủ Barbie đi chơi. Ở đó, với ca từ đẫm chất tính dục, nàng Barbie nói với chàng Ken rằng “Anh có thể sơn lại màu tóc em, có thể cởi đồ em ở bất cứ đâu. Hãy tưởng tượng đi, cuộc đời này là sự sáng tạo của riêng anh”.

Chưa hết, Barbie còn tiếp tục thỏ thẻ với Ken rằng chàng có thể hôn nàng chỗ này, chạm nàng chỗ kia và “chỉ cần anh nói, em mãi là của anh”.

Bài hát được xây dựng như một câu chuyện bằng người thật với giọng hát của Lene được đẩy âm vực lên cao, gần như giả thanh, để thật giống tiếng của búp bê. Phần hòa âm được phối theo kiểu Euro dance, vui nhộn để tạo sự mâu thuẫn giữa những nhịp điệu tươi vui và lời ca thì trần tục.

Và cũng chẳng bất ngờ lắm vào tháng 5/1997, khi Barbie Girl ra đời và thắng vang dội cũng như gây ra những cuộc tranh luận vô hồi đáp về thông điệp của nó.

Suốt 4 tuần liên tiếp bài hát này đứng quán quân ở Anh, chưa kể ở nhiều quốc gia khác. Thị trường Mỹ cũng lập tức đón nhận cơn gió lạ có tên là Aqua khi dành cho Barbie girl vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng Billboard.

Bài hát nhanh chóng trở thành ca khúc mùa Hè và giúp Aqua trở thành ngôi sao quốc tế. 12 triệu đĩa đã bán hết nhanh chóng và đưa Barbie girl trở thành đĩa đơn bán chạy thứ 15 trong lịch sử Anh quốc.


Nhóm Aqua

Barbie vào cuộc

Nhưng Barbie Girl càng thành công thì nó lại càng làm tím mặt công ty Mattel, công ty sở hữu bản quyền của búp bê Barbie. Nhưng ca từ trong bài hát này hoàn toàn tương phản với hình ảnh mà công ty này đã xây dựng cho nàng búp bê Barbie suốt nhiều thập niên qua. Và thậm chí rất nhiều người gửi thư cho Mattel tại sao lại đồng ý cho một nhóm nhạc sáng tác ra một ca khúc làm vấy bản hình ảnh tuổi thơ của họ.

Nhưng thực tế thì Mattel hoàn toàn không biết gì việc này và họ hoàn toàn bị động khi ca khúc ra đời.

Và để thay đổi tình thế, công ty này quyết định kiện hãng đĩa MCA và nhóm Aqua ra tòa vì sử dụng tên Barbie của hãng, biến Barbie thành một nhân vật lẳng lơ, điều đó đã bôi nhọ hình ảnh của Barbie cũng như của Mattel và yêu cầu tòa ra phán quyết thu hồi toàn bộ đĩa cũng như MV của bài hát ở thị trường.

Đáp lại, nhóm Aqua thì lập luận rằng Mattel làm trầm trọng vấn đề và họ sẽ đấu tranh đến cùng để đĩa nhạc của họ không bị đình bản.

Nhóm Aqua chính thích tan rã vào năm 2001 khi các thành viên tách ra solo. Nhưng theo thông tin mới nhất, trong năm 2017 nhóm sẽ tái hợp với một lí do duy nhất, kỉ niệm Barbie Girl tròn 20 tuổi.

Hãng MCA không muốn gây ra căng thẳng và họ quyết định thỏa hiệp bằng cách dán nhãn lên đĩa cùng cảnh báo “Barbie Girl là bài hát gây tranh luận xã hội nhưng nó không được tạo ra hoặc được sự phê chuẩn từ nhà sản xuất búp bê Barbie”.

Nhưng điều đó cũng không khiến Mattel hài lòng. Họ tiếp tục vác đơn đi điện nhưng càng kiện, Mattel lại càng thua bởi không một cấp nào đồng ý với lập luận của Mattel vì cho rằng Barbie là một biểu tượng văn hóa.

Năm 2002, vụ kiện đã lên đến tòa thượng thẩm và cuối cùng, phán quyết cuối cùng đã được đưa ra, rằng “từ Barbie trong bài hát chỉ là một cách biểu hiện tình cảm mang tính nghệ thuật đơn thuần”.

Vụ việc chấm dứt, Barbie Girl lại tiếp tục gây bão.

Tính đến nay Barbie Girl của Aqua cũng đã tròm trèm 20 tuổi và suốt thời gian ấy bài hát này luôn gây nên những phản ứng đa chiều. Rất nhiều tạp chí xếp Barbie Girl vào danh sách thảm họa nhưng cũng có rất nhiều tạp chí uy tín là xiển dương nó như là một trong những ca khúc hay nhất.

Càng tranh luận Barbie Girl lại càng nổi tiếng. Đến nỗi, năm 2009, trong một động thái bất ngờ, hãng Mattel đã mua lại bản quyền ca khúc này và đổi lời bài hát cho một chiến dịch quảng bá của họ. Khi không thể dập tắt được một bài hát nổi tiếng thì chỉ còn cách là thỏa hiệp.

Cùng nghe lại ca khúc "Barbie Girl":


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm