13/07/2015 12:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói đến Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995), đương nhiên âm nhạc phải ở vị trí đầu, kế đến là thi ca, và thi thoảng mới hội họa. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn riêng ở khía cạnh hội họa thì vẫn có một Văn Cao họa sĩ, theo nghĩa trọn vẹn và rộng rãi của từ này.
Trên Wikipedia tiếng Việt, ở tiểu mục “Hội họa điêu khắc” có một câu ngắn về Văn Cao: “Rất nhiều họa phẩm giá trị, nghệ thuật độc đáo”. “Rất nhiều” cũng là ý kiến mà vài người có dịp gần gũi với Văn Cao xác nhận, nhưng cụ thể bao nhiêu tác phẩm thì họ không nhớ. Theo ước đoán, “rất nhiều” ở đây có thể lên đến con số 60 - 70 bức tranh, trên nhiều chất liệu. Đó là chưa tính mảng minh họa báo, ký họa và vẽ chân dung khổ nhỏ, Văn Cao có rất nhiều.
Lập thể từ hơn 70 năm trước?
“Về mỹ thuật, khi ở tuổi 20, ông đã có những sáng tác dự triển lãm Duy nhất năm 1943, với phong cách lập thể, được biết đến như một họa sĩ tiên phong với các tác phẩm: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Cuộc khiêu vũ. Những năm sau, ông tiếp tục sáng tác các tác phẩm sơn dầu mà đến nay người ta còn nhớ tới như: Thái Hà ấp đêm mưa, chất liệu bột màu, năm 1943, nghĩa là đã cách đây 70 năm” - họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao (1923 - 2013).
Nếu đúng Văn Cao vẽ lập thể thì quá đặc biệt và quá cấp tiến. Bởi cubism (chủ nghĩa lập thể) trong hội họa và điêu khắc do Georges Braque và Pablo Picasso khởi xướng từ năm 1906 tại Paris, Pháp, rồi làm việc cùng nhau cho đến năm 1914 để thành trường phái. Rất tiếc ngày nay ít hoặc không còn tác phẩm nào của Văn Cao ở triển lãm Duy nhất để xem chúng lập thể ở mức độ nào.
Xem lại một số hình chụp tại tư gia, trên tường có treo bức tranh khổ lớn (chỉ lộ một phần) mà Văn Cao vẽ năm 1985, cho thấy giai đoạn này ông đã dùng ý niệm mang hơi hướng chủ nghĩa tối giản (minimalism). Bức tranh trên khái quát chủ thể theo hai chiều, cho dù có gạch thêm nhiều nhát bút - nhiều chủ thể thì cũng không thể gọi là lập thể.
Một vài tác phẩm có hình trên mạng của Văn Cao cũng theo phong cách này. Trước ông có Tạ Tỵ và một vài người khác, sau ông thì có Nguyễn Thân, Lê Thiết Cương, Trịnh Công Sơn… cũng vẽ theo lối này. Tuy nhiên mỗi người ứng biến mỗi kiểu.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn một vài tác phẩm của Văn Cao như Cô gái và đàn dương cầm, Dân công miền núi, Chân dung bà Băng, Nhà văn Đặng Thai Mai… Ngoài ra, ông còn được nhớ đến bởi các tác phẩm như Cổng làng (năm 1944), Ngõ Nguyễn Du (sơn dầu, năm 1945)…
“Thi trung hữu họa”
Với những ca khúc như Bến Xuân, Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi, Trường ca sông Lô… người nghe có thể hình dung khá dễ về không gian hội họa. Với thơ thì hình dung về không gian này càng đậm nét hơn, những bài như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Phố Phái… là ví dụ điển hình.
Trong luận văn có tên Chất hội họa trong thơ Văn Cao, cử nhân Đỗ Thu Hà khảo sát Tuyển tập thơ Văn Cao (59 bài thơ, NXB Văn học, 1994) đã cho thấy 28 bài có sử dụng đến từ chỉ màu sắc. Cụ thể về tần suất như sau: màu xanh (28 lần, tương đương 49,12%), trắng, đen (8), vàng (6), đỏ (4), chàm, hồng, hoàng lan (1).
Tất nhiên không phải lúc nào màu sắc cũng cùng tần số với thi ảnh hoặc hội họa, nhưng phần nào cũng cho thấy sự quan tâm về thi họa của Văn Cao. Ở đây màu xanh cũng rất gần với tinh thần trong bài Mùa Xuân đầu tiên (1976) - một ca khúc được cho là “nhạc xanh” - của chính ông
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất