15/05/2020 08:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải người sưu tầm sách nào cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình. Thời gian đầu tôi cũng gặp khó khăn, vì kiếm được bao nhiêu tiền là “khuân” đi mua sách. Nhưng bù lại tôi không nghiện thuốc lá, rượu bia… nên cũng triệt để tiết kiệm được các khoản chi khác để được vợ cảm thông! Tôi bảo với vợ rằng: Nhà nông thì cần cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái liềm, con trâu để làm việc nhà nông. Còn anh, sách là thứ cần hơn tất cả!
1. Tôi ham đọc sách từ bé. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đêm đêm nằm ngủ cùng bố, thấy bố đêm nào cũng chong đèn đọc sách. Những cuốn sách cũ bố đọc hồi đó, giờ tôi vẫn lưu giữ trong tủ sách gia đình, trong đó cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tôi đã đọc từ hồi học cấp 2. Tôi ám ảnh tới tận bây giờ, vì trong tác phẩm ấy, tôi hình dung thấy có một phần bóng dáng của cha tôi, đã cầm súng tham gia bảo vệ Tổ quốc…
Từ nhỏ, tôi đã tự kiếm tiền bằng việc lượm lặt ve chai, bán lấy tiền mua sách truyện thiếu nhi, thiếu niên để đọc… Lớn lên một chút, tự đi lao động làm thuê như phụ hồ, làm thợ phụ trong các xưởng sắt để kiếm tiền mua sách vở. Vì tôi học khoa Văn, nên các cuốn sách vừa phục vụ học tập, vừa đọc giải trí, nghiên cứu…
Tôi có một thú vui kỳ dị, đó là mỗi năm dành dụm khoảng 10 triệu đồng để tìm mua những cuốn sách quý, từ những người buôn sách cũ khắp các miền: Sài Gòn, Huế, Nghệ An, Thái Bình, Hà Nội… Mỗi hóa đơn thanh toán, có lúc lên tới đôi ba triệu. Sách mua về chưa đọc hết, nhưng cứ thấy những cuốn sách cần là lại mua.
Trong số gần chục nghìn cuốn sách cả cũ lẫn mới, tôi đã sở hữu các bộ sử quý như: Đại Việt sử lược, An Nam chí lược, Đại việt sử ký toàn thư, Đại việt sử ký tiền biên, Đại việt sử ký tục biên, Đại việt thông sử, Ô châu cận lục, Mạc thị gia phả, Gia Định thành thông chí, Hoan châu ký, Nghệ An ký, Lịch triều tạp kỷ, Đại Nam thực lục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược… Trong đó có nhiều cuốn có nguồn gốc từ những người buôn sách cổ từ Bắc vào Nam, tôi đã tìm cách để liên lạc để thương lượng trao đổi hoặc mua.
Càng đọc sách, tôi càng trân trọng các bậc tiền nhân. Bản thân tôi cũng đã học tập và theo cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, luôn coi sách là của quý trong nhà. Mục đích của tôi trong việc sưu tầm sách, trước là để đọc, học; sau là lưu giữ trao truyền cho các thế hệ sau.
2. Mỗi khi đến chơi nhà ai đó, tôi cũng đều chăm chú quan sát, nhà nào có nhiều sách là tôi có cảm tình với chủ nhà, vì họ có chung sở thích và đam mê với mình. Tôi đã chuyển nhà nhiều lần, đúng là chuyển sách vô cùng mệt. Nhưng chúng như con cái ấy, mệt mà vui. Thi thoảng lau bụi phủ những cuốn sách lâu ngày, tôi có cảm giác như được chăm sóc những đứa con của mình.
Phải chịu cảnh sống chật chội, nhưng tôi vẫn dành tâm huyết để giữ gìn và sưu tầm sách quý. Hiện nay, cả tầng 3 nhà tôi là kho chứa sách, một thư viện của gia đình với chục nghìn cuốn sách là tài sản lớn nhất của nhà tôi. Như nhà sử học Lê Văn Lan sống trong căn phòng nhỏ và quá hẹp ở Hà Nội, nhưng ông vẫn yêu sách. Với ông trong sinh hoạt đời sống mà còn đủ chỗ “lách ra lách vào” vẫn coi là ổn!
Giáo sư Phạm Đức Dương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - lúc sinh thời cũng lập một thư viện riêng tại nhà ở phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình, Hà Nội) để bạn bè, học trò đến mượn đọc, nghiên cứu. Là người hào sảng, yêu quý sách và học trò, giáo sư Phạm Đức Dương coi sách là gia sản của một đời mình, đồng thời là nhà giáo, ông coi việc phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ của mình. Hiện nay thư viện tại gia đình ông vẫn luôn rộng mở để đón sinh viên, người nghiên cứu đến mượn, đọc sách.
3. Tôi thường kết hợp đọc sách và viết báo như là một thú vui tao nhã, viết để học, học để viết. Tôi cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, từ báo tỉnh tới báo Trung ương. Các bài báo tôi thường viết chuyên về mảng văn hóa, đó là các bài nghiên cứu, giới thiệu về văn hóa làng xã, các làng văn hiến thi thư, các món ẩm thực, các danh nhân của nhiều vùng miền, các bài tản văn nhằm giới thiệu đến với độc giả cả nước, giúp bạn đọc có thêm những thông tin, hiểu biết về vùng, miền của nước ta nơi mà tôi đã từng đặt chân tới như Trà Cổ - Móng Cái, Đồ Sơn - Hải Phòng, Sầm Sơn -Thanh Hóa, Cửa Lò - Nghệ An, Mũi Nai - Kiên Giang, Núi Sam - An Giang… nơi nào cũng có nhiều người tài giỏi được biên chép trong sử sách, giai thoại dân gian và cả những con người thành danh thời hiện tại. Những ngôi làng có truyền thống khoa bảng và văn học mà tôi có dịp giới thiệu với bạn đọc như làng Khê Thượng - Sơn Đà, quê hương của thi sĩ Tản Đà, Ngô Quân Miện; làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, với nhiều vị tiến sĩ như Lưỡng Quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh từng đi sứ nhà Minh, hay Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân dưới thời Lê - Trịnh, làng Cổ Đô còn được gọi là Làng họa sĩ với những tên tuổi lớn ghi danh trong nền mỹ thuật nước nhà như họa sĩ Sỹ Tốt, họa sĩ Trần Hòa, họa sĩ Giang Khích...
Nghề viết đòi hỏi phải yêu nghề mới có thể duy trì được lâu, vì mỗi bài báo được đăng, nhuận bút chẳng đáng là bao, nhưng niềm vui lớn nhất là có thêm độc giả biết đến mình, cho mình thêm những niềm vui và có thêm bạn viết khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhờ vào công việc viết báo, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian mà tôi có vinh dự và đã được kết nạp vào Hội Văn nghệ Dân gian Hà Tây 2007, và kết nạp vào Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2012. Tôi nghĩ đó là phần thưởng không gì sánh được cho một người mê sách như tôi.
Phùng Hoàng Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất