8 điều nên biết về Memphis Depay - Người được Man United, Liverpool, Arsenal theo đuổi

21/04/2015 22:13 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Không ngẫu nhiên mà Depay nhận được vô vàn sự chú ý của những đội bóng hàng đầu nước Anh...

1. Thời thơ ấu không hạnh phúc

Memphis Depay không có được những ngày hạnh phúc khi còn nhỏ. Anh sinh ra tại Moordrecht, một ngôi làng nhỏ ở miền Nam nước Hà Lan. Bố Depay là người Ghana, mẹ là người Hà Lan. Họ chia tay khi anh mới lên bốn. Kể từ đó, bóng đá trở thành cách giải tỏa nỗi buồn, người bạn và công cụ vươn lên của Depay. “Đơn giản là bởi ở làng tôi chẳng có gì khác để làm cả” – anh tâm sự sau này.

2. Đam mê xăm trổ

Cơ thể của Depay đã trở thành nền cho những siêu phẩm xăm trổ nghệ thuật. Anh dành một khoảng không lớn trên cánh tay trái và ngực để tưởng nhớ ông nội, người đã luôn bên anh khi còn nhỏ. Năm Depay 15 tuổi, ông qua đời. “Đó là một người đàn ông mang đến cho tôi sức mạnh và luôn chăm sóc tôi. Lúc ấy (khi ông mất) tôi nghĩ rằng tôi phải vươn lên, phải đi đến đỉnh cao”. Cụm từ “Dream Chaser” (“Người theo đuổi giấc mơ”) được Depay "trổ" giữa ngực anh như một lời hứa với ông nội.


Depay rất ưa thích nghệ thuật xăm mình

3. Depay là một cầu thủ đáng sợ

Dĩ nhiên đáng sợ ở đây là trên khía cạnh chuyên môn. Thuận chân phải, thi đấu ở cánh trái, Depay thường xuyên tạo ra nhiều đột biến trong thời gian có mặt trên sân. Tốc độ và sức mạnh của cầu thủ này khiến mọi hậu vệ phải e ngại.


Depay là cầu thủ có thể gây khó khăn cho mọi hàng thủ

4. Depay đang giữ kỷ lục của Hà Lan

Anh là cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn cho Hà Lan tại các kỳ World Cup. Đó là bàn thắng vào lưới Australia vào hè 2014. Khi ấy, Depay mới chỉ 20 tuổi 4 tháng. Sau đó, anh tiếp tục có bàn thứ hai vào lưới Chile, giúp Hà Lan thắng đội bóng Nam Mỹ 2-0 và chính thức đứng đầu bảng đấu.

5. Anh có một tâm hồn nổi loạn

Memphis đã từng phải thuê một chuyên gia tâm lý để “huấn luyện” cho anh cách kiềm tỏa cảm xúc của bản thân. Anh tự nhận là một người có tính cách nóng giận đến mức đôi khi bùng nổ không thể kiểm soát. Một HLV của PSV từng tiết lộ rằng chỉ vì sút trượt trong buổi tập, Depay như phát điên.

6. Không tha thứ

Đến nay, Depay vẫn làm đơn xin phép CLB và BTC giải VĐQG Hà Lan cũng như ban huấn luyện các ĐTQG để tên in trên áo chỉ là “Memphis”, thay vì in họ như bao cầu thủ khác. Lý do là bởi anh chưa bao giờ tha thứ cho bố - người đã bỏ anh và mẹ ra đi khi anh còn nhỏ. Vì vậy dù vẫn mang họ Depay, anh không muốn đó là cách mọi người gọi mình.


Anh vẫn chưa nguôi giận về người bố

7. Đã học cách chuyển hóa năng lượng sang việc có ích

Sau những khóa học hỏi cách kiểm tỏa cảm xúc tiêu cực, Depay giờ đã biết cách chuyển hóa năng lượng tinh thần sang những việc có ích hơn. “Khi tôi nhìn vào gương, tôi cảm thấy phấn khởi hơn vì tôi biết mình cần làm gì để hướng tới mục tiêu nào”. Depay giờ đang sở hữu một tài khoản Twitter với 208 nghìn người theo dõi, thường xuyên đăng tải các khẩu hiệu nói về động lực phấn đầu, vươn lên và hướng tới đỉnh cao.

8. Anh đang hướng đến việc trở thành một cây săn bàn

Mùa giải 2013-14, Depay được biết đến như một chàng trai trẻ thích rê dắt kỹ thuật, lắt léo. Mùa Hè 2014, anh được Van Gaal dùng như dự bị chính cho cặp tiền đạo Arjen Robben - Robin Van Persie. Kể từ đó tới nay, Depay đã tự thay đổi lối chơi, trở thành mẫu cầu thủ chăm dứt điểm hơn, ít qua người lằng nhằng thừa thãi. Với 5,4 cú dứt điểm trung bình mỗi trận, không quá khó hiểu vì sao anh lại ghi được tới 20 bàn tại Eredivise mùa này.

Tiêu Hoa
Theo The Telegraph

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm