Kỷ niệm EURO

27/05/2012 06:10 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH Cuối tuần) - Trong những kỷ niệm ngày còn bé, kỷ niệm về bóng đá là một kỷ niệm đẹp và lâu bền. Bên cạnh bóng đá Việt Nam, cũng đã xuất hiện bóng đá quốc tế. Bóng đá Thế vận, bóng đá Thế giới, rồi bóng đá châu Âu. Bây giờ là lúc có thể nói đôi lời về những điều khắc cốt ghi tâm ấy.

Đấy là vào những năm 1950-1960. Thời bấy giờ, Liên Xô và bóng đá Liên Xô là những gì gần gũi nhất với người mê bóng đá Việt Nam. Năm 1956, sau ít ngày ở Hà Nội, đến sân Cột Cờ để có dịp mê bóng đá và Thể Công, tôi về sống với bố mẹ tại Trại Bông, ở Trâu Quỳ, Gia Lâm. Để biết về bóng đá, lúc đó chỉ có hai nguồn tin: Báo Nhân Dân và Đài Tiếng nói Việt Nam. Cứ tối tối, tôi chờ bố tôi về nhà, để mượn tờ báo, rồi đọc mê mải. Đọc tuốt tuồn tuột, vì ngày ấy sách cũng chưa nhiều, nhưng nhập tâm nhất vẫn là tin thể thao, tin bóng đá. Còn đài thì nghe trên loa công cộng, chứ làm gì có đài cá nhân hay gia đình. Tối đến, cứ ngồi trong nhà nghe văng vẳng, nhưng hễ có tin bóng đá là nhẩy phắt ra sân, phải đứng ngay dưới chân cột mắc loa, nghe thế mới rõ và sướng.



Chung kết EURO 1976 là một trong những trận đấu bất tử của bóng đá thế giới

Tôi hãnh diện vì những tin nghe được, hôm sau đến lớp kể cho các bạn ai cũng cứ tròn mắt mà nghe. Vì nhà các bạn chẳng có đài mà cũng không có báo, nên tôi trở thành người phát ngôn duy nhất của cả lớp về bóng đá. Những người bạn thân nhất thì tôi rủ đêm đêm ra chơi ở khu gia đình cơ quan, để được tận mắt đọc vài bài báo, tận tai nghe đài phát trên loa. Bây giờ nghĩ lại, có khi những chuyện kể ngày ấy là khởi điểm cho việc làm báo thể thao của mình bây giờ. Và trí nhớ của tôi cũng được tôi luyện kỹ càng nhờ việc truyền bá tin tức bóng đá cho những thằng bạn học hồi lớp ba, lớp bốn. Lại nữa, nếu lâu lâu không có giải, không có thi đấu, nghĩa là không có tin gì về bóng đá để sướng và để kể, tôi lại lục tìm đống báo cũ của bố, giở những bài cũ mèm ra đọc lại, vất vả hơn tra cứu tài liệu bây giờ rất nhiều.

Sự thân thiết của bóng đá Liên Xô

Bóng đá Liên Xô chúng tôi thuộc làu từ năm 1956, vì năm ấy Liên Xô đoạt chức vô địch Thế vận hội, tổ chức ở Men-buốc (bây giờ là Melbourne). Nhưng đội bóng Liên Xô lừng danh nhất là đội vô địch châu Âu năm 1960, khi giải vẫn còn chưa chính danh và hoành tráng như bây giờ. Ngày ấy, chúng tôi còn đá bóng trên mặt ruộng, bằng quả bưởi hay bất cứ cái gì tròn tròn và có thể lăn được, nhưng gọi nhau bằng những cái tên rất oách: Thủ thành giỏi thì là Iasin, tiền vệ hay thì là Netto hay Voroni, còn ai ghi bàn cũng có thể là Ivanov hay Ponhidelnhik! Bây giờ, Liên Xô không còn nữa, nhưng nền bóng đá của xứ sở này mãi mãi gắn bó với thế hệ chúng tôi. Mà có lẽ cũng nên tự hào, chính đội bóng Liên Xô ấy là người mở đầu cho EURO của ngày hôm nay.

Chúng ta vẫn nhớ, Liên Xô có 3 trung tâm bóng đá lớn: Moskva, Tbilisi và Kiev. Tbilisi là quê hương của Trivatze, Kipiani, và những năm 1960 họ có cặp tiền đạo cánh nổi tiếng: Metreveli bên phải và Metxkhi bên trái. Mãi đến năm 1966, bộ đôi này vẫn còn gây nỗi kinh hoàng cho các hậu vệ tại World Cup ở Anh. Moskva bây giờ vẫn còn Spartak, Dinamo, Lokomotiv và CSKA, những đội bóng mà cả thời gian lẫn những biến cải của xã hội cũng không thể làm cho lu mờ.

Bây giờ Nga còn có CLB rất thành công là Rubin Kazan và Zenit St. Petersburg, những nơi cùng Moskva đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Tại EURO 2012 lần này, Nga lại có mặt, và chắc nhiều người trong chúng ta, với tình cảm sâu nặng từ nhiều năm, mong cho Nga thành công, ít nhất là như năm 2008, hay nếu có thể thì còn hơn thế nữa. Nhưng có lẽ trên quan điểm thực tế, thì đỉnh cao nhất của đội tuyển Liên Xô sau năm 1960 chính là EURO 1988, khi họ vào đến chung kết và thúc thủ 0-2 trước Hà Lan, và đó chính là đội tuyển Liên Xô có gốc Kiev.

Trung tâm thứ ba của bóng đá Liên Xô là Kiev, bây giờ là thủ đô của Ukraina. Tôi đã có dịp đến Kiev cách đây vài năm. Lobanovski đã mất, và tôi đã đặt vòng hoa bên chân bức tượng ông ngồi giải dị và uy nghi ngay trước cửa sân vân động. Kiev là một CLB hiếm hoi của bóng đá Đông Âu ngày trước thực sự khiến các đối thủ khét tiếng trên thế giới phải kiêng nể. Tôi không nhớ rõ lắm vào năm nào, nhưng có một năm Bayern đoạt Cup C1, còn Kiev đoạt Cup C2, và theo thông lệ hai đội đá với nhau tranh siêu Cup. Lần ấy Kiev thắng cả 2 trận: Lượt đi 1-0 ở Munich, và lượt về 2-0 ở Kiev. Người duy nhất ghi bàn: Oleg Blokhin.

 Ký ức về những đội bóng đã không còn nữa

Có một đội tuyển bây giờ không còn, nhưng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong các giải vô địch châu Âu thời buổi mới khai sinh, đó là Nam Tư. Nam Tư không còn nữa, nhưng dưới khái niệm “Nam Tư cũ”, chúng ta có khá nhiều đội tuyển mang đẳng cấp: Croatia, Bosnia - Herzogevina, Slovenia... Năm 1976, khi đi học ở CHDC Đức, lần đầu tiên tôi được xem truyền hình trực tiếp tất cả các trận đấu ở một giải vô địch châu Âu. Năm ấy, chỉ có 4 đội đá vòng chung kết, theo kiểu loại trực tiếp. Nhưng cả 4 trận đấu đều phải đá thêm hiệp phụ, còn trận chung kết lại phải phân định thắng thua bằng đá luân lưu.

Có lẽ, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cho đó là vòng chung kết hấp dẫn nhất và khán giả không thể bỏ qua bất cứ một phút nào của tất cả các trận đấu. Đội Nam Tư cũng có mặt ở giải này, không vào sâu, nhưng chơi rất nghệ sĩ.

Trận chung kết EURO 1976 là một trong những trận bất tử của bóng đá thế giới. Tiệp Khắc dẫn 1-0, Đức gỡ 1-1, chuyển sang đá hiệp phụ. Tiệp Khắc dẫn tiếp 2-1 cho đến phút 119. Và người dân Tiệp Khắc đã rót rượu sâm banh chuẩn bị ăn mừng, thì Đức gỡ 2-2 vào phút cuối cùng. Đá phạt đền. Và đấy là trận đấu trên chấm 11 m rất hiếm hoi mà Đức đã bị thua. Người gây ra thảm bại này cho đội Đức chính là Uli Hoeness, cái ông Hoeness sắt thép đang làm chủ tịch Bayern hiện nay, khi ông sút vọt xà.

Còn người sút quả penalty cuối cùng đem ngôi vô địch về cho Tiệp Khắc là Panenka, với một kiểu đá dị thường sau này mang tên ông: Chờ cho thủ thành Meier ngã xuống, Panenka gẩy bóng lửng lơ vào giữa cầu môn, để vừa thấy bóng bay vào lưới, vừa thấy Meier chới với quay lại nhìn theo mà bất lực. Đội Tiệp Khắc vẻ vang năm ấy cũng không còn, bây giờ có hai đội bóng khác: Czech và Slovakia.

Lại sắp đến mùa EURO, một EURO có 16 đội bóng, với sự cổ vũ và truyền bá hùng hậu của truyền thông. Đã khác nhiều lắm so với những kỷ niệm tôi kể lại trong bài viết này. Nhưng cái sôi nổi quyết liệt và hấp dẫn đến kỳ lạ của bóng đá, cái khát khao cháy bỏng của người mong chờ để được xem bóng đá thì chưa chắc gì đã hơn những ngày xưa. Tôi viết bài này dưới tiêu đề “kỷ niệm”, nên tôi chỉ dựa vào trí nhớ, mà không tra cứu như khi viết bài thông thường, nếu có gì chưa chính xác, thì cũng là do cái trí nhớ cũng đã già rồi. Nhưng dù gì thì cũng có thể khẳng định: Cái gì bóng đá đã khắc ghi vào bộ não con người, thì sẽ ở lại mãi mãi. 

Vũ Chí Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm