(Thethaovanhoa.vn) - Quyết định của Victor Valdes giống như một sự phản bội đối với Barcelona, nhưng quan trọng hơn, anh không phản bội chính mình. Rời bỏ một tập thể đang ở trên đỉnh cao, mà cá nhân anh cũng từng là một phần quan trọng của nó, luôn là điều khó khăn nhất, đối với bất cứ ai.
Có những người thậm chí chấp nhận ngồi không vài năm, thậm chí không ra sân, chỉ để được ăn lương, như Winston Bogarde, chỉ đá 9 trận cho Chelsea từ 2000-2004. Có những thủ môn chấp nhận vai trò dự bị trong suốt chiều dài sự nghiệp, như cựu thủ môn Raimond van Gouw của Manchester United, người chỉ bắt 37 trận trong 6 năm ở Old Trafford, hay Jose Manuel Pinto, chỉ bắt cho Barca 14 trận ở Liga trong 5 năm qua.
Victor Valdes (trái) đã phản bội lại đội bóng nuôi dưỡng anh?
Một đội bóng thành công luôn là người ban ơn. Hai năm trước, Andres Iniesta bảo rằng anh muốn gắn bó với Barca cho đến cuối sự nghiệp. Tháng Mười năm ngoái, Xavi phát biểu với nội dung tương tự. Riêng Lionel Messi đã hai lần nói về giấc mơ trọn đời này trong chưa đầy hai năm qua. Nhưng không phải Valdes. Giữa một đàn vịt trời, lẻ ra một con ngỗng.
"Tôi đã gắn bó với nơi này 12 năm. Tôi không loại trừ khả năng sẽ đến một nền văn hóa khác, một thế giới bóng đá khác" - Valdes bảo thế. Tại đây, anh đã giành được hết mọi thứ cấp CLB. Tại đây, Valdes đã vượt qua huyền thoại Andoni Zubizarreta về số lần ra sân chính thức cho Barca khi chưa đầy 30 tuổi.
Trung thành đôi khi là một dạng khác của an phận, và với một tập thể như Barca, các cầu thủ có quá nhiều lý do để an phận: Họ đã chơi bóng ở đây từ bé, lớn lên cùng nhau, thấm nhuần cùng một triết lý và coi đội bóng này như một biểu tượng thần thánh.
Sự phản biện với triết lý Barca
Triết lý Barca, mang trong nó tính cục bộ của người Catalunya, tạo ra một môi trường khép kín để "cấy" tinh thần mà đội bóng này mong muốn lên các cầu thủ một cách thống nhất và tập trung. Với cách chơi bóng giống nhau, và cá tính cũng giống nhau. Lionel Messi, một người Argentina, không giống người tiền bối rực lửa Diego Maradona chút nào về mặt cá tính. Barca đã "cải tạo" anh, biến Messi thành một phiên bản khác (về mặt tính cách) từa tựa Xavi và Iniesta.
Triều đại của Guardiola còn bảo vệ sự khép kín này bằng cách tích cực loại bỏ những nhân tố "ngoại lai", như Zlatan Ibrahimovic, Samuel Eto`o, hay Yaya Toure, và đổ bê tông vào sự trung thành, bằng 14 danh hiệu/ 16 giải đấu mà Barca tham dự.
Không ai dám nghi ngờ về quyết tâm gắn bó trọn đời với Barca của bất kỳ ai trưởng thành ở đây, cho đến khi Valdes từ chối cơ hội được đứng trong hàng ngũ chiến thắng này, nơi mà anh cũng đã trải qua một môi trường quen thuộc trong 2/3 cuộc đời mình: Gắn bó với đội trẻ từ năm 1992, chơi cho đội C năm 2000, đội B từ 2000-2003 và sau đó, đi vào lịch sử với tư cách là người gác đền số một của phiên bản Barca vĩ đại nhất trong lịch sử.
Từ chối gia hạn hợp đồng với một đội bóng vĩ đại như thế, cái nôi đã nuôi dưỡng anh, có thể là một sự phản bội. Không muốn đứng trong khung gỗ của một tập thể hùng mạnh như thế có thể là điên rồ. Nhưng không có một sự khép kín nào là hoàn hảo. Không phải ai cũng trở thành một phiên bản nữa của sự rập khuôn tính cách mà đội bóng này xây dựng (dù là tính cách lý tưởng đi chăng nữa).
Phong cách Barca đem lại thành công, nhưng cũng làm mờ nhạt đi những dấu ấn cá nhân (trừ của Messi). Sergio Busquets, Xavi hay thậm chí là Iniesta có thể vui vẻ chấp nhận vai trò ấy, nhưng Valdes, một người luôn bị coi là mắt xích yếu nhất trong hệ thống của đội bóng này, đang bỏ qua mọi thứ chỉ để được tách riêng khỏi vòng tròn khép kín này và khẳng định mình một cách độc lập.
Đó là một quyết định dũng cảm và cho thấy cá tính của Valdes lớn đến thế nào, dù anh trưởng thành từ bé ở một môi trường đã rất thành công trong việc nhào nặn những mẫu cầu thủ với tính cách giống nhau. Rời bỏ một chiến hạm bách chiến bách thắng để lao xuống biển và bơi đi một mình, không hẳn là một sự phản bội gay gắt đến mức phải bị quy kết là vô ơn.
Phạm An