26/06/2024 05:43 GMT+7 | Bóng đá Việt
Lần gần nhất mà Nam Định tiến sát đến chức vô địch V-League cách đây tròn 20 năm. Mùa giải 2004, họ là đội bóng có lối chơi lôi cuốn nhất Việt Nam, từng vươn lên đứng đầu bảng ở giai đoạn 2 nhưng rồi đánh mất chính mình khi sự hưng phấn không được kiểm soát ở giai đoạn cuối mùa.
Nhắc đến chi tiết này để thấy việc có được một danh hiệu là khó như thế nào. Khoan nói về chuyện vô địch, mà chỉ để lập lại việc tiến gần đến vinh quang cũng đã mất đến 20 năm với biết bao thăng trầm đối với một vùng đất bóng đá.
Sự kiện thầy trò HLV Vũ Hồng Việt lên ngôi mùa này chỉ mới là lần đầu tiên của Nam Định. Nhưng đây sẽ là một "hệ quy chiếu" tuyệt vời cho nhiều vùng đất bóng đá khác. Chúng ta quen nhìn đến Hà Nội FC hay B.Bình Dương, thấy công thức để vô địch đâu có quá phức tạp. Nhưng thực ra, nếu nhìn từ Nam Định, lại là vấn đề khác.
Và từ Nam Định, nhìn đến hoàn cảnh của SLNA hiện tại. Năm 2021, mùa giải phải hủy bỏ giữa chừng, thì SLNA là đội đứng chót bảng. Trước đó, năm 2020, họ cùng Nam Định rơi vào nhóm play-off tranh suất trụ hạng.
Bóng đá xứ Nghệ khi đó rơi vào tình trạng báo động và giữa năm 2021, họ được chuyển giao cho doanh nghiệp để hy vọng sẽ đưa têntuổi lừng lẫy này trở lại với đỉnh cao.
Nhưng như đã thấy, sau 3 năm, giờ đây SLNA lại ngụp lặn dưới bảng xếp hạng. Nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả. "Chiếc áo" doanh nghiệp không làm nên một đội bóng mạnh, không làm cho sân Vinh trở lại như chảo lửa ngày nào. Sau 12 năm dưới "bầu sữa" của TH, người ta cứ nghĩ chuyển giao cho người khác thì mọi thứ sẽ ổn. Nhưng có lẽ là không phải.
Cho đến thời điểm này, SLNA vẫn là đội duy nhất chưa từng rớt hạng. Nhưng chính cái danh hiệu hão huyền đó đang chẳng giúp gì được cho đội chủ sân Vinh. Bởi có một thực tế, là tính từ năm 2002 đến nay, họ cũng chỉ duy nhất 1 lần vô địch V-League vào năm 2011.
Từ năm 2009 đến nay, họ chưa lần nào lọt vào tốp 3. Trong cùng thời gian đó, có đến 12 cái tên khác nhau có mặt trong tốp 3, nghĩa là 15 năm qua, SLNA đã nằm trong nhóm các đội bóng yếu của V-League.
Những dấu hiệu không thể phát triển quá rõ ràng, một cuộc cải tổ cần phải được thực hiện, kể cả chuyện chấp nhận xuống hạng để làm lại. Rất tiếc, SLNA lại… chưa từng xuống hạng.
Trong 15 năm đó, Hà Nội FC từ chỗ lần đầu tiên dự V-League trở thành đội bóng giữ kỷ lục 6 lần vô địch. Quảng Nam xuống và lên hạng 2 lần, nhưng có một danh hiệu vô địch. Thanh Hóa 5 lần chuyển đổi phiên hiệu, về mặt kỹ thuật đã 1 lần xuống hạng (năm 2009, nhưng nhận suất của Viettel để ở lại V-League), và có đến 4 lần có mặt trong tốp 3.
Tương tự là trường hợp của Hải Phòng, cũng lấy suất từ Khánh Hòa để trụ hạng nhưng có 2 lần là á quân V-League. Còn Viettel và CAHN thăng hạng, rồi cũng vô địch. Một cựu vương khác là SHB Đà Nẵng thì vừa xuống hạng, đã lại lên ngay.
Riêng với Nam Định, năm 2009 họ còn chơi tại giải hạng Nhì, sau đó lên hạng Nhất rồi lên V-League nhưng đã suýt mấy lần xuống hạng, nhưng giờ là đăng quang.
Nghĩa là tất cả đều thay đổi, chỉ duy nhất một mình SLNA đứng yên và "sống mòn" trên những khán đài ngày càng khô lạnh của sân Vinh. Giả sử như năm nay SLNA có trụ hạng thành công, thì thành thật mà nói, đó là… tin buồn cho những người còn yêu quý đội bóng này.
Thế mới nói, chính Nam Định là "hệ quy chiếu" cho các đội bóng như SLNA. Bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu mỗi CLB phải tự thay đổi bản thân, chấp nhận những "bi kịch" kiểu như phải xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Rõ ràng, với các ông chủ mới của Nam Định, không phải CĐV thành Nam nào cũng ưa với cách điều hành đội bóng của họ.
Nhưng với việc đem về chức vô địch V-League lần đầu tiên, thì mọi thứ có thể xí xóa. Bởi thực tế là ngoài các CLB đang đóng quân ở Hà Nội, cả làng cầu phía Bắc đâu còn nhà vô địch V-League nào?
Không có những thay đổi quyết liệt, những cuộc "xuống tiền" ở cường độ cao nhất trong tăng cường lực lượng, thì ngày vinh quang chắc chẳng đến…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất