(Thethaovanhoa.vn) -
Ra đời từ năm 1980 dưới cái tên khởi thủy - Giải A1 toàn quốc, rồi tới năm 2000 khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp để đổi thành V-League, đây không chỉ là sân chơi số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia mà đây còn là thước đo thực sự cho sức phát triển của cả nền bóng đá đặt trong bối cảnh phát triển chung của toàn xã hội. Đặc thù của mỗi giai đoạn có thể khác nhau, tuy nhiên chẳng khó để nhận ra, chưa bao giờ giải bóng đá vô địch quốc gia được... yên ổn!
Vui như thời bao cấpKhông lạm bàn về những vấn đề của từng giai đoạn phát triển, nhưng nếu nhìn lại những năm đầu khi giải vô địch quốc gia mới ra đời, bóng đá đỉnh cao thực sự bùng nổ trên phương diện số lượng dù đó chỉ là câu chuyện riêng của nhà nước với nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách.
Tại giải đầu tiên vào năm 1980, có sự tham dự của 18 đội bóng (8 đội miền Bắc, 10 đội miền Nam) được phong lên hạng A1 sau vòng phân loại được tổ chức tại các khu vực. Vào thời kỳ đó, hầu như tỉnh, thành, ngành nào cũng có đội bóng chơi đỉnh cao, thậm chí không phải là 1 mà còn là nhiều đội.
Tại khu vực Hà Nội, ngoài một Thể Công, còn có Công an Hà Nội, Tổng cục đường sắt, Quân khu Thủ đô, Phòng Không, Thanh niên Hà Nội... TPHCM có Cảng Sài Gòn, Công nghiệp Thực phẩm, Hải Quan... xuống tới Hải Phòng thôi cũng có Cảng Hải Phòng, Công nhân Xây dựng Hải Phòng; Quân khu 3...
Vì thế, giải vô địch quốc gia trở nên xôm tụ mà ít ai còn nhớ trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1995, còn được tiến hành theo khu vực địa lý. Rồi bên cạnh những thể thức thi đấu truyền thống, thì nhiều "cái đuôi" kiểu vòng chung kết xuôi, vòng chung kết ngược... vốn gây không ít tranh cãi lẫn cả rắc rối kèm theo.
Theo thống kê, vào thời mà đội bóng được xem là cơ quan nhà nước và cầu thủ là cán bộ, công nhân viên đi... đá bóng này, số lượng đội tham dự giải vô địch quốc gia thường dao động quanh con số 20. Đỉnh cao nhất là mùa giải A1 năm 1989, còn được gọi là giải tách hạng, có đến... 32 đội thi đấu để chọn ra 18 đội tham dự giải đội mạnh toàn quốc, loại 3 đội xuống hạng A2 và 11 đội còn lại ở lại hạng A1.
Những mùa khác như 1986 cũng có 20 đội hay 1987 có 27 đội... thời điểm này, số lượng đội tham dự ít nhất cũng là 12 vào năm 1996 khi giải lại chuyển tên thành giải hạng Nhất quốc gia lần thứ nhất, mùa giải bị xem là dư chấn nặng nề sau cú phản kèo lịch sử ở sân Chi Lăng 1995.
Những con số mà V-League lúc này... mơ chẳng thấy!
Vòng xoáy đồng tiền chuyên nghiệpCho đến mùa giải hạng Nhất quốc gia 1999-2000 vẫn có 14 đội bóng tham dự. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mùa sau chính thức chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, các đội thi đấu vòng tròn 1 lượt để chọn ra 10 đội dẫn đầu thi đấu V-League 2000 và 4 đội xếp cuối vẫn ở lại hạng Nhất.
V-League bắt đầu với con số 10 đội và kéo dài được 2 mùa để rồi nâng lên thành 12 vào năm 2003. Đến năm 2006 con số được nâng thành 14, nhưng thực tế thì chỉ có 13 đội tham dự khi CLB Đông Á mất quyền tham gia vì đã hối lộ trọng tài ở giải 2005.
Con số đẹp 14 chính thức hình thành vào năm sau và kéo dài đến tận mùa giải 2012, thời điểm được xem là "đẹp nhất, giảu có nhất" của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo nên sự ổn định không thể phủ nhận. Ổn định đến cái mức là khi ấy, những nhà quản lý làng cầu nội đã tính đến phương án xa... nâng số đội dự V-League lên tầm 18, thậm chí đến 20... để đạt quy mô chẳng kém bóng đá Tây.
Thế nhưng, sự ổn định ấy chẳng thể kéo dài. Cơn lốc tiền thời chuyên nghiệp khiến nhiều cái tên đi vào quá khứ bất chấp bề dày truyền thống, mà điển hình nhất là Thể Công. Rồi khi đồng tiền kiếm từ bóng đá cũng trở nên khó khăn bởi cơn lốc suy thoái kéo dài, doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với bóng đá. CLB bóng đá Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa vì lí do tài chính nên không tham dự V-League 2013, mùa giải đầu tiên Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF nắm quyền điều hành tổ chức.
Khi ấy cũng đã có đề xuất cử đội tuyển U22 tham dự nhằm tăng cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ, chuẩn bị cho SEA Games 27 nhưng quá nhiều vướng mắc lên bất thành. Hệ quả là chỉ có 12 đội bóng tham dự mùa này và chỉ còn 1 suất xuống hạng. Tới mùa giải 2014 này, số lượng khởi đầu vẫn là 13 nhưng chỉ có 12 cán đích khi XM The Vissai Ninh Bình bỏ cuộc do vướng vào vụ bán độ của một số tuyển thủ tại AFC Cup.
Theo kế hoạch, ỏ mùa giải 2015, V-League sẽ là giải đấu diễn ra sớm nhất và cũng kéo dài nhất với 14 đội bóng tham dự. Tuy nhiên, với động thái mới nhất từ phía TĐCS Đồng Tháp, nhà vô địch hạng Nhất quốc gia 2014, thì số lượng chỉ còn lại 13, nhưng đó là con số còn... chưa chắc! Bởi lẽ đơn giản, giống như nhiều mùa trước... không biết đội nào còn bỏ cuộc nữa không!?
Hạng Nhất cũng lao đao
Không chỉ V.League mà giải hạng Nhất cũng đứng trước nguy cơ giảm số lượng tham dự khi một loạt đội bóng được cho là không đáp ứng được yêu cầu về tài chính cho mùa giải mới nên bỏ ngỏ khả năng đăng ký tham gia.
Trong số có Hùng Vương An Giang, đội bóng đá tuyên bố sẽ làm lại từ giải phong trào hạng Ba. Mặc cho cả VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) và VPF đều tuyên bố đã xác định “còn bao nhiêu, thi đấu bấy nhiêu” ... nhưng rõ ràng, nếu sân chơi nội cứ teo tóp, thì chuyện chất lượng chuyên môn đi xuống cũng không phải là điều ngạc nhiên. |
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần