Ôi, chuyên nghiệp...

10/09/2011 19:02 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Bóng đá Việt Nam đã bước vào con đường chuyên nghiệp hóa được tròn 11 năm, và mùa giải vừa được xem là mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên. Tuy nhiên, đằng sau chữ “chuyên nghiệp” tự phong ấy còn bao nhiêu điều phải suy nghĩ.

Chuyện của Hòa Phát Hà Nội

Sau trận thua tức tưởi trên sân Vicem Hải Phòng ở giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” cuối mùa, mà dư luận cho rằng trọng tài Trần Công Trọng đã “đè ngửa” Hòa Phát Hà Nội, lãnh đạo đội bóng Thủ đô đã phát đi tín hiệu rằng với cách làm bóng đá thế này, họ sẽ bỏ giải. Trước nguy cơ V-League “vỡ” vào phút cuối, khối người phải lo nơm nớp. Hàng chục ông bầu đã đầu tư vào bóng đá cả nghìn tỷ đồng, nếu giải vô địch quốc gia bị “vỡ”, chẳng hạn như Hòa Phát Hà Nội bỏ cuộc và mọi kết quả liên quan đến đội bóng này sẽ bị hủy, thì khi đó, V-League loạn là cái chắc.

Đáng mừng là Hòa Phát chỉ “dọa” vậy thôi, bởi ít nhiều họ cũng có thái độ của một đội bóng chuyên nghiệp. V-League về đích an toàn trong niềm vui vỡ òa của nhiều quan chức VFF, với trận chung kết hết sức kịch tính trên sân Vinh giữa Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T. Có được kết quả ấy, hẳn ban tổ chức cũng phải thầm cảm ơn Hòa Phát Hà Nội, bởi nếu họ mà bỏ giải giữa chừng thật thì chưa biết bây giờ thứ hạng V-League sẽ ra sao, ai còn, ai mất, ai đăng quang, ai xuống hạng.


Bầu Long (phải) và bầu Tuấn (trái) của Hòa Phát Hà Nội đã chán nản vì bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam. Ảnh: PV

Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn, với Hòa Phát Hà Nội, chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Quá chán nản trước cách làm bóng đá “chuyên nghiệp” rất thiếu chuyên nghiệp ở Việt Nam, Hòa Phát Hà Nội đã quyết định nói lời chia tay với bóng đá, dù các ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát đã từng đam mê và quyết tâm theo đuổi bóng đá đến cùng. Bằng chứng là sau những năm “ăn nhờ, ở đậu”, Hòa Phát đã có được một trung tâm tập luyện, sinh hoạt dành cho các cầu thủ rất khang trang ở Mỹ Đình, theo mô hình của các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Nhưng cuộc chơi không theo “luật” một cách sòng phẳng như các nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa, Hòa Phát đành ngậm ngùi rút lui.

Chuyện của Hà Nội ACB

Nếu mọi chuyện ổn thỏa, đội bóng Hòa Phát Hà Nội sẽ được chuyển giao cho Hà Nội ACB, câu lạc bộ vừa rớt xuống hạng Nhất cùng với Đồng Tâm Long An khi V-League 2011 khép lại. Đùng một cái, chỉ trong chớp mắt, Hà Nội ACB từ một con vịt xấu xí ở hạng Nhất đã lại hóa thành thiên nga tại V-League. Chuyện dường như chỉ có trong cổ tích, và gần như chỉ có tại bóng đá Việt Nam. Một câu lạc bộ được mua đi bán lại, đó cũng là điều bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng một suất đá ở hạng cao nhất, cũng như các hạng thấp hơn, cũng được mua bằng tiền, thì đó là điều trái khoáy mà trường hợp Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội bắt tay không phải lần đầu tiên xảy ở V-League.

Cách đây chưa lâu, vào năm 2009, Quân khu 4 trong lần đầu tiên lên chơi ở V-League đã làm nên bất ngờ bằng lối đá giàu thể lực, “chạy nhiều ra chiến thuật”. Nhưng rồi cũng đùng một cái, đội bóng này được chuyển giao cho Tập đoàn đầu tư Sài Gòn. Từ đó, câu lạc bộ Quân khu 4 chuyển “hộ khẩu” từ thành phố Vinh vào thành phố mang tên Bác, và khoác lên mình một cái tên mới toanh: Navibank Sài Gòn. Xa hơn một chút, đội bóng lừng danh một thời là Công an TP.Hồ Chí Minh cũng từng được chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á, rồi sau đó câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á giải thể, “bán” suất cho Sơn Đồng Tâm Long An. Chưa dừng lại ở đó, suất này lại được “bán” tiếp cho Ninh Bình, để rồi đội bóng cố đô Hoa Lư nhanh chóng vươn từ hạng Nhất lên V-League.

Ở nhiều nền bóng đá phát triển trên thế giới, một đội bóng dù bị bán trao tay liên tục thì cũng luôn giữ được cả tên tuổi và truyền thống, chỉ khác nhau về chủ sở hữu. Man.United, Liverpool hay Man.City, dù được mua đi bán lại đôi ba lần, thì vẫn là chính họ. Một cổ động viên có thể không cần quan tâm đến ai là chủ câu lạc bộ, chỉ cần biết màu cờ sắc áo của đội bóng mình yêu thích vẫn như vậy. Nhưng ở Việt Nam, cứ sau một cuộc chuyển giao là một cái tên mới xuất hiện. Đến bây giờ, phải là người có trí nhớ thật tốt thì mới biết được gốc gác của đội Hòa Phát Hà Nội vừa bị giải tán, đội The Vissai Ninh Bình đang chơi tốt ở V-League hay đội Thanh Hóa với vụ lùm xùm sa thải huấn luyện viên Lê Thụy Hải vào cuối mùa giải.

Chuyện của Samson

Khi cựu tiền đạo người Nigeria của Đồng Tháp ký hợp đồng với Atletico Madrid, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều bị bất ngờ. Một cầu thủ từ V-League tiến thẳng sang La Liga với đẳng cấp cách biệt một trời - một vực, đó đâu phải chuyện đùa. Nó khác hoàn toàn với việc tiền đạo Lê Công Vinh từng sang Bồ Đào Nha thi đấu, bởi khi đó, tiền đạo của Hà Nội T&T đi theo “dây” môi giới của huấn luyện viên Henrique

Calisto và con trai ông ta, theo diện “ký gửi”. V-League, nhờ Samson, cũng được báo chí Tây Ban Nha nhắc đến, sau khi đã “nổi tiếng” với vụ Jose Mourinho mượn hình ảnh để phê phán trọng tài ở La Liga hồi cuối năm 2010.


Samson đành phải từ bỏ giấc mơ châu Âu chính vì thái độ thiếu chuyên nghiệp của mình. Ảnh: CTV

Nhưng khi mọi chuyện vỡ lở, người ta mới thấy được sự “chuyên nghiệp” của Samson cũng như người môi giới của cầu thủ này. Trước khi rời Đồng Tháp, Samson đã đàm phán và ký hợp đồng với Hà Nội T&T, đồng thời nhận một khoản lót tay kha khá từ đội bóng Thủ đô. Không dừng lại ở đó, chân sút người Nigeria còn “đi đêm” với một vài đội bóng khác tại V-League để ứng trước một khoản thù lao, trước khi toan “trốn” sang Tây Ban Nha. Tất nhiên, Samson không thể qua mặt được Hà Nội T&T khi đội bóng này yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam chưa cấp giấy phép chuyển nhượng quốc tế.

Hai triệu USD, tức là hơn 40 tỷ đồng, đó là khoản tiền mà Hà Nội T&T yêu cầu Samson bồi thường một cách chính đáng vì chuyện phá vỡ hợp đồng. Tất nhiên, Samson không “đào” đâu ra số tiền “khủng” như thế và đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ châu Âu, trở lại với Hà Nội T&T. Có điều, dù khoác áo đội bóng Thủ đô thì anh cũng đã làm mất lòng tin ở nhiều người, đặc biệt là huấn luyện viên Phan Thanh Hùng. Một người tráo trở như thế thì không đáng tin, và nó bắt đầu từ thái độ quá thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận không nhỏ đang thi đấu tại giải vô địch chuyên nghiệp Việt Nam, tức V-League.

V-League đã kết thúc, nhưng dư vị đắng của nó thì ngày càng lan tỏa. Vẫn là những chuyện muôn thuở, nhưng bao giờ tất cả mới chấm dứt, để người hâm mộ cả nước được chứng kiến một V-League chuyên nghiệp đúng nghĩa đây?

H.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm