28/06/2023 07:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
Nhắc đến giải VĐQG Việt Nam, chúng ta sẽ thật khó để bỏ qua những biểu tượng một thời. Mỗi người chúng ta có thể có những sự lựa chọn khác nhau, nhưng cái tên Thể Công sẽ luôn được nhắc tới như một biểu tượng đáng nhớ nhất trong trái tim người hâm mộ.
Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều nhà vô địch, không chỉ 1 mà là nhiều lần lên đỉnh ở giải VĐQG. Thế nhưng, không phải đội bóng nào cũng để lại dấu ấn đặc biệt như Thể Công. Đã có thời kỳ, Thể Công được coi là cái tên thay mặt cho cả nền bóng đá Việt Nam. Cứ 10 người yêu bóng đá tại mảnh đất hình chữ S, thì lại có 7-8 người là fan của Thể Công.
Trong lịch sử 55 năm của mình (từ năm 1954 tới năm 2009), CLB bóng đá Thể Công từng 5 lần vô địch quốc gia, đó là vào các mùa: 1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990 và 1998. Nhưng có lẽ, chỉ có 2 chức vô địch đầu tiên là xứng danh Thể Công hơn cả.
Đó là những mùa giải mà Thể Công tỏ ra vượt trội so với phần còn lại của giải đấu. Danh xưng "vô đối" cũng được nhắc tới khi nói về Thể Công. Cũng cần phải nói thêm rằng năm 1987 khi đánh bại Quảng Nam - Đà Nẵng 1-0 trong trận chung kết trên sân Quy Nhơn với bàn thắng duy nhất của Đặng Văn Dũng, thì đó là giải VĐQG dù đá tới 3 giai đoạn nhưng không có đội nào xuống hạng.
Năm 1990 ở giải các đội mạnh toàn quốc đầu tiên, lẽ ra Thể Công đá với Hải Quan trong trận chung kết, nhưng đội bóng này bỏ cuộc sau sự cố ở vòng bán kết. Gặp lại Quảng Nam - Đà Nẵng, Thể Công vô địch với chiến thắng còn đậm hơn là 4-0. Còn giải năm 1998, Thể Công lên ngôi kịch tính khi thực ra không hơn SLNA là bao khi có cùng 13 chiến thắng nhưng thua ít hơn đối thủ.
Nhắc lại để thấy thời vô đối của Thể Công chính là giai đoạn 1981-1983 gắn với một thế hệ cầu thủ được đầu tư bài bản đạt tới đỉnh cao. Còn nhớ, trong chức vô địch quốc gia đầu tiên mùa giải 1981-1982, khi bầu chọn ra 2 đội hình tiêu biểu của vòng chung kết, Thể Công đều áp đảo về số lượng.
Với đội hình 1 gồm 2 hậu vệ Trần Văn Thành và Đỗ Văn Phúc, 2 tiền đạo là Cao Cường và Thế Anh, còn đội hình 2 sẽ là bộ đôi hậu vệ Quản Trọng Hùng và tiền đạo Nguyễn Tiến Lâm. Trong đội hình này, dĩ nhiên cái tên nổi bật nhất chính là tiền đạo Nguyễn Cao Cường.
Ở chức vô địch đầu tiên của Thể Công, Cao Cường đã ghi 14 bàn, xếp sau Vua phá lưới Võ Thành Sơn (Sở Công nghiệp TP.HCM - 15 bàn). Đến chức vô địch thứ 2 của đội bóng quân đội, Cao Cường ghi 22 bàn (11 bàn ở VCK) để đăng quang. Thế nhưng, rất tiếc cho tiền đạo này khi mùa đó lại không trao danh hiệu Vua phá lưới.
Tỏa sáng ở Thể Công nhưng Cao Cường lại "đen đủi" trong màu áo ĐTQG. Anh không có những danh hiệu lớn với ĐT Việt Nam. Đáng kể nhất chỉ là 3 lần đứng đầu trong số 10 VĐV tiêu biểu Việt Nam (do báo Thể thao Việt Nam tổ chức năm 1981, 1982 và 1984), hay giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam 20 năm đất nước thống nhất (1975 - 1995) do Báo Lao Động bầu chọn.
Dù vậy, Cao Cường vẫn luôn được coi là một huyền thoại của Thể Công và cho tới tận sau này, dù sản sinh nhiều hậu bối xuất sắc nhưng cứ nhắc tới đội bóng quân đội, là không ai quên được cái tên Cao Cường. Anh cũng là một nét chấm phá nổi bật nhất ở giai đoạn "vô đối" của Thể Công trong làng bóng đá Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất