V-League 2023-2024: 'Độc, lạ' Khánh Hòa

14/12/2023 08:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

Nếu có đội bóng nào chứa đựng đầy đủ "hỉ nộ ái ố" của giải vô địch quốc gia Việt Nam, thì chắc chắn đó phải là Khánh Hòa, CLB duy nhất từng có mặt tại giải vô địch đầu tiên năm 1980 nhưng đến nay vẫn chưa có một danh hiệu nào ở bóng đá quốc nội. Nếu bóng đá Việt Nam ở kỷ nguyên V-League có nhiều điểm sáng, thì đội bóng chủ sân 19/8 Nha Trang chính là đại diện cho sự thăng trầm khó lường của công cuộc chuyên nghiệp hóa.

Ở giai đoạn  bóng đá bao cấp, Khánh Hòa là "Vua trụ hạng", sang thời V-League, có một quãng thời gian họ mang danh "Kẻ ngổ ngáo" với khả năng tạo bất ngờ trước các đội bóng lớn. Nhưng dù mang biệt danh hàm ý tích cực hay tiêu cực thì về bản chất bóng đá Khánh Hòa chưa bao giờ được xem là "đại gia" được cả. Họ luôn ở trong tình trạng vượt khó. Khó quá thì bỏ, rồi lại cố gắng… vượt khó.

Cùng với CAHN, Công Nhân Nghĩa Bình (nay là Bình Định), Khánh Hòa là 3 đội bóng V-League hiện nay từng tham dự giải VĐQG đầu tiên vào năm 1980 với cái tên Phú Khánh. Sau khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tách ra, thì Khánh Hòa chính là đại diện của bóng đá Phú Khánh một thời lừng lẫy. Ông Võ Đình Tân, HLV của họ vừa mới từ chức, thuộc về thế hệ cầu thủ đầu tiên của Khánh Hòa, đã đi suốt một quãng đường rất dài, nhưng rồi như chính ông Tân nói lòng tự trọng không cho phép ông tiếp tục.

Khánh Hòa hiện tại là phiên bản thứ 3 của thời ông Tân còn thi đấu. Đội Khánh Hòa ban đầu đã xuống hạng 2 lần, rồi lại lên, thậm chí có năm còn xuống đá tận hạng Nhì. Sau đó họ chuyển giao cho Khatoco, rồi khi doanh nghiệp Nhà nước này rút lui thì đội bóng đã phải chuyển giao suất đá V-League cho Hải Phòng. Sau đó, họ trở lại với phiên bản Sanna Khánh Hòa cùng dàn cầu thủ trẻ do ông Võ Đình Tân dẫn dắt. Họ xuống hạng lần nữa, và cũng chỉ lên lại cách đây 1 năm.

Nhưng giờ thì sao, không có tài chính, không nhà tài trợ cơ hữu và lùm xùm chuyện nợ lương thưởng đến mức cầu thủ dọa đình công nghỉ đá. Những giải pháp tạm thời đã đưa ra và Khánh Hòa hiện vẫn  đang ra sân thi đấu. Nhưng với việc HLV Võ Đình Tân từ chức, có thể thấy cuộc hành trình tại V-League của đội bóng này khá ảm đạm.

Độc lạ Khánh Hòa - Ảnh 1.

CLB Khánh Hòa là một trong những đội bóng có số phận truân chuyên nhất tại V-League với những lần lên hạng rồi xuống hạng liên tiếp. Ảnh: Minh Hoàng

Điều đáng nói ở đây không phải khả năng xuống hạng đang hiển hiện trước mắt Khánh Hòa, mà là "làm thế nào để một đội bóng tồn tại ở V-League"? Bóng đá Việt Nam trong kỷ nguyên V-League có rất nhiều đội bóng vì không đủ tài chính mà phải rời sân chơi đỉnh cao. Cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long thành "vùng trắng" là điển hình. Lừng lẫy như Đồng Tháp mà 6 năm qua không có đường quay lại V-League. Nhưng cái "độc lạ" của Khánh Hòa nằm ở chỗ cứ mỗi lần xuống hạng hoặc phải giải thể là họ trở lại được ngay. Mỗi lần trở lại, họ đều thể hiện được nét chuyên môn riêng, có nội lực không tồi. Không phải đội bóng nào ở trong hoàn cảnh ấy cũng có khao khát đến vậy.

Đấy chính là chuyện cần suy nghĩ. Không lẽ mỗi lần nhận vé thăng hạng, bóng đá Khánh Hòa không thể chuẩn bị trước khả năng trụ lại của mình hay sao? Thực tế thì các lần phải rời đỉnh cao, vấn đề của Khánh Hòa không nằm ở chuyên môn mà là ở tiền. Bài toán đó vẫn chưa được giải quyết triệt để nên mới có những biến động hiện nay. Và nếu một lần nữa họ chia tay chuyên nghiệp vì vấn đề tài chính, há chẳng phải là đáng buồn hay sao vì rõ ràng chẳng có đội nào trải qua các thách thức cùng một kiểu như họ cả?  

Còn nếu chúng ta nhìn một cách rộng hơn, thì tại sao trong cùng thời điểm thì có những đội lại tung tiền mua sắm cầu thủ ào ào để đua tranh chức vô địch, còn có những đội mà chuyên môn không tồi, con người giàu quyết tâm, thì lại khốn khó về tài chính. Vấn đề sẽ không đáng bàn nếu Khánh Hòa là một đội bóng chưa từng dự V-League hoặc thuộc địa phương không có truyền thống. Nhưng ở đây, họ là "khách quen" V-League, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn không giải nổi bài toán chuyên nghiệp.

Có thể bóng đá Việt Nam chưa đến mức đặt ra các rào cản kỹ thuật theo kiểu Luật công bằng tài chính của bóng đá châu Âu, nhưng một khi có độ "vênh" quá lớn về tình hình tài chính giữa các CLB trong cùng một giải đấu, khi sự hơn thua, mạnh kém giữa các CLB lại  chủ yếu nằm ở cái tên của doanh nghiệp đứng sau lưng chứ không phải năng lực chơi bóng để thu hút khán giả và tranh đua vô địch, thì rất khó để thúc đẩy niềm đam mê dài hạn với bóng đá đỉnh cao.

Kiểu như "phấn đấu lên hạng rồi cũng để đi xuống thì lên làm gì?" 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm