Luật Báo chí mới sẽ có chế tài đủ mạnh

17/11/2009 16:31 GMT+7 | Cuộc sống Số

Chiều nay (17/11), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trong báo cáo trả lời chất vấn gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề cập đến 3 vấn đề lớn.

Đó là công tác quản lý báo chí, kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website có nội dung xấu, các trò chơi trực tuyến có yếu tố không lành mạnh trên Internet, quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung và việc xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại di động ở những khu vực đông dân cư nói riêng.


Báo chí bền bỉ điều tra tham nhũng

Một trong những ưu điểm của báo chí được Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, đó là đã năng động và tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội và các hiện tượng tiêu cực khác.

"Báo chí đã bền bỉ điều tra và đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước", Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng chỉ ra một số cơ quan báo chí và một số nhà báo cũng có những biểu hiện chưa nghiêm túc thực hiện Luật Báo chí, làm hạn chế tính hiệu quả của báo chí, ảnh hưởng đến kỷ cương xã hội.

Về dạng thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư công dân, Bộ trưởng cho hay tình trạng báo chí thông tin sai sự thật vẫn chậm được khắc phục, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án. Nhiều trường hợp đăng thông tin sai sự thật nhưng không thực hiện việc cải chính hoặc nếu phải cải chính thì không nghiêm túc, vi phạm các quy định của Luật Dân sự và Luật Báo chí.

Dẫn giải cụ thể, ông cho rằng nhiều thời điểm, tình trạng thông tin ở một số báo thiếu căn cứ, suy diễn, thổi phồng, khoét sâu vào những thiếu sót, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân; đặt tiêu đề không đúng với nội dung tin, bài được phản ánh hoặc tô đậm mặt trái, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; khai thác đời tư công dân, thông tin thiếu nhạy cảm chính trị... vẫn còn diễn ra.

"Cơ quan chủ quản cần chỉ đạo báo trực thuộc kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân có liên quan, xem xét lại quy trình tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định tin, bài, đồng thời có kế hoạch điều chuyển công tác đối với lãnh đạo cơ quan báo chí".

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp

Ông cũng chỉ ra những thông tin dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí.


"Đây là xu hướng đáng lo ngại trong hoạt động báo chí hiện nay. Những bức ảnh hở hang thiếu thẩm mỹ, những câu chuyện phòng the và những hành vi phạm tội được mô tả một cách tỉ mỉ; những vấn đề tâm linh được phản ánh trở thành mê tín dị đoan", Bộ trưởng nêu ví dụ.

Một số thông tin trên báo chí như: nước tương có chất gây ung thư, bồn đựng nước gây ung thư, ăn bưởi gây ung thư vú, rau xanh siêu tăng trưởng, trứng gà Trung Quốc, giá gạo tăng, giá xăng dầu tăng, tình hình lạm phát trong nước…cũng được chỉ ra, làm tác động tới tâm lý xã hội, làm ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân và việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông cũng phê phán việc một số phóng viên lợi dụng danh nghĩa nhà báo vào mục đích vụ lợi cá nhân như việc ép doanh nghiệp để xin quảng cáo, thậm chí có hành vi tống tiền doanh nghiệp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, phải chịu mức án phạt tù, đã gây bất bình trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí.

Chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích

Về phương hướng quản lý báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát và chuẩn bị xây dựng Luật Báo chí cũng như các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt báo chí trong tình hình mới.

Cả nước hiện có 709 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình, 25 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đoàn thể, hội, hiệp hội, doanh nghiệp. Trên 16.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí in. Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quan báo chí, sẽ sắp xếp, quy hoạch hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích.

Bộ trưởng nhấn mạnh người đứng đầu cơ quan chủ quản lý báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.

"Đối với các cơ quan báo chí thường xuyên mắc sai phạm, cơ quan chủ quản cần chỉ đạo báo trực thuộc kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân có liên quan, xem xét lại quy trình tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định tin, bài. Kịp thời chấn chỉnh  tình trạng cơ quan báo chí trực thuộc xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa tự giác chấp hành Luật Báo chí, coi nhẹ chức năng tư tưởng văn hoá của báo chí cách mạng", Bộ trưởng nêu rõ.

Ông cũng cho hay sẽ tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và cả hệ thống chính trị với báo chí.

"Báo chí rất cần được sự giám sát của nhân dân và của cả hệ thống chính trị… Các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội với trách nhiệm là cơ quan chủ quản báo chí cần phát huy hơn nữa việc giám sát đối với hoạt động của báo chí", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho hay sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện các quy định về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm phát ngôn.

Theo Vietnamnet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm