Ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Ngày 5/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về nội dung kỳ họp thứ 32 của Ủy ban.
Theo thông báo, thực hiện chương trình công tác năm 2010, từ ngày 21/6 đến 3/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã họp kỳ thứ 32 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Kỳ họp đã thảo luận, xem xét, kết luận hơn 45 vụ việc, trong đó kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức đảng và 6 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với 3 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo đối với 2 cấp ủy và 10 cán bộ diện Trung ương quản lý; giải quyết khiếu nại 4 trường hợp; kiểm tra tài chính đối với 3 đơn vị và các công việc khác.
Sau đây là một số vụ việc điển hình:
1. Kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm
+ Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái trong lãnh đạo, chỉ đạo và xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến 15 vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm; Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã buông lỏng lãnh đạo, chưa chỉ đạo xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc nổi cộm, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chưa được xem xét, xử lý kịp thời, gây dư luận bất bình.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái kiểm điểm, chỉ đạo xử lý dứt điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm, phục vụ tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, phát hiện 3 doanh nghiệp thực hiện 3 dự án sử dụng vốn Nhà nước đang bị thua lỗ, mất vốn, chưa được xem xét, xử lý đã bàn giao cho Vinashin do Chính phủ quyết định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiếp tục xem xét vụ việc trên sẽ thông báo kỳ họp thứ 33.
+ Kiểm tra Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về quản lý, khai thác, kinh doanh than giai đoạn 2004-2008. Kết quả kiểm tra cho thấy, Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn trên đã buông lỏng quản lý, không kịp thời đề ra các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lợi dụng khai thác tận thu, buôn lậu than với khối lượng lớn, làm thất thoát tài nguyên, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội và môi trường.
Từ năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có những biện pháp khắc phục tích cực, đến nay tình hình có cải thiện nhưng vẫn chưa ổn định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Bí thư Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2004-2008 và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với các cơ quan giúp việc, Công an, Hải quan, doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan khác.
+ Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh có liên quan đến việc giao cấp nhà, đất; kê khai tài sản. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những người nêu trên đều có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm và lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát thẩm tra, chấn chỉnh, khắc phục những trường hợp đã giao, cấp đất, cấp nhà cho cán bộ sai quy định của Nhà nước.
+ Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ cấp ủy viên về nội dung liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống.
Qua thẩm tra, xác minh nhận thấy ông Nguyễn Trường Tô từ năm 2005 đến nay đã có vi phạm như thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong đảng và xã hội.
Những vi phạm của ông Tô đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhắc nhở nhưng không được nghiêm túc tiếp thu, khắc phục và không thành khẩn nhận khuyết điểm.
Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh biết những sai phạm của ông Tô từ năm 2005 nhưng không báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Nguyễn Trường Tô bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và cách chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang.
Bí thư Tỉnh ủy và giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc này một cách nghiêm khắc.
+ Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn Nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến Vinashin bên bờ vực phá sản.
Trong những năm qua tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán.
Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực.
Ông Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước.
Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.
Vi phạm của ông Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Bình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với những vi phạm của Tập đoàn Vinashin; chỉ đạo các ngành chức năng (thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng) đánh giá toàn diện, đúng thực chất đối với Vinashin, từ đó rút kinh nghiệm đối với các tập đoàn khác trong những quyết định chủ trương đầu tư, quyết định xây dựng các công trình từ Hải Hà (Quảng Ninh) đến Cà Mau; có cơ chế đặc thù về tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhất là cơ chế thẩm định việc huy động, sử dụng vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước.
Qua vụ việc vi phạm của ông Phạm Thanh Bình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tập đoàn kinh tế khác cần chủ động tự kiểm tra, tự xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh báo cáo trước ngày 31/8/2010 để Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục giám sát. Đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới.
2. Về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Binh chủng Pháo binh - Bộ Quốc phòng; Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình trong thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Luyện, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hòa Bình và xem xét, xử lý những vi phạm của ông Trương Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Kết luận trường hợp ông Dương có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút hồ sơ để xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
3. Về xem xét thi hành kỷ luật
+ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét trách nhiệm đối với 4 người có liên quan đến dự án Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: 3 lãnh đạo các ngành và 1 lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Kết luận những người này có khuyết điểm về trách nhiệm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.
+ Xem xét thi hành kỷ luật đối với Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu, đồng chí đã có sai phạm trong quản lý và sử dụng tài chính; trên cương vị Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã, đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân thị xã trong một số vụ việc cụ thể.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền cảnh cáo về chính quyền đối với đồng chí.
Về vấn đề này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn cần rút kinh nghiệm không nên tổ chức quá nhiều hội nghị khu vực và Trung ương ở một tỉnh nghèo, khó khăn về kinh phí như ở Bạc Liêu.
4. Giải quyết tố cáo
+ Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét giải quyết tố cáo đối với Ban Thường vụ 2 tỉnh Hưng Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ cần rút kinh nghiệm về phương pháp điều động, luân chuyển cán bộ, tránh gây dị nghị trong dư luận.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh có trách nhiệm trong việc để tồn đọng nhiều vụ việc nổi cộm về quản lý đất đai trên địa bàn quá lâu.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ chỉ đạo Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp các bộ, ngành có liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc trên.
+ Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với 12 cá nhân, gồm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng); Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau.
Qua giải quyết thư tố cáo, ở mức độ khác nhau, người nào cũng có khuyết điểm, có người phải làm quy trình xử lý kỷ luật.
5. Về giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng
Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 4 trường hợp; trong đó giữ nguyên hình thức kỷ luật 3 trường hợp, thay đổi hình thức 1 trường hợp.
6. Kiểm tra tài chính Đảng
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra tài chính Đảng đối với ba đơn vị: Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Long, Lạng Sơn và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Tây một thành viên (thuộc Văn phòng Trung ương Đảng).
Qua kiểm tra tài chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Tây một thành viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu lãnh đạo công ty cần chấn chỉnh công tác quản lý vốn, tài sản, quản lý tài chính doanh nghiệp; đánh giá toàn diện về cơ chế quản lý vốn và đất đai tại Liên doanh Khách sạn Sheraton, tìm phương án giải quyết tình trạng thua lỗ kéo dài tại liên doanh; tính toán kỹ càng các chỉ số kinh tế và cơ chế quản lý, tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng xem xét quyết định đầu tư Khách sạn 5 sao Tây Hồ có hiệu quả.
7. Về công tác giám sát
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giám sát chuyên đề đối với Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giao đất rừng cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển 67 và việc giao đất cho gia đình nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.
Qua kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thẩm định tư cách, năng lực nhà đầu tư khi giao dự án, không để xảy ra việc nhà đầu tư lợi dụng danh nghĩa lực lượng vũ trang để được giao dự án sai quy định; kiểm tra và chấn chỉnh những trường hợp giao, cho thuê đất đối với những cán bộ chủ chốt không đúng quy định, mang tính chất đặc quyền, đặc lợi.
Những trường hợp giao đất sai Luật Đất đai và có tính chất đặc quyền, đặc lợi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước phải thu hồi những trường hợp nêu trên.
8. Các công việc khác
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thảo luận một số nội dung: Bổ sung, sửa đổi các quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng và Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy trình giám sát theo chuyên đề của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật trong việc xuất bản, phát hành sách, tài liệu về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Quy định cử chuyên viên, kiểm tra viên Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; và cho ý kiến về một số vấn đề thuộc công tác tổ chức cán bộ của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhắc nhở hai đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và Đồng Tháp sớm khắc phục hậu quả và xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm theo Kết luận số 320-TB/TW và Công văn số 340-CV/TW của Bộ Chính trị.
Thời gian qua có nhiều tin nhắn tố cáo gửi qua điện thoại di động đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị các cá nhân chấm dứt tình trạng trên và thực hiện việc tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, không xem xét các tin nhắn vì không có giá trị pháp lý trong Luật khiếu nại, tố cáo.
(Theo TTXVN)