16/09/2022 06:45 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Những bất ngờ liên tiếp ở US Open 2022 khiến nhiều người hâm mộ quần vợt nghĩ về một cuộc chuyển giao thế hệ sắp diễn ra. Khoan đã, vẫn còn quá sớm để một kết luận như thế đủ sức thuyết phục.
Chức vô địch US Open 2022 đã gọi tên Carlos Alcaraz, một gương mặt không nằm trong nhóm Big Three hay là gương mặt nổi bật nhất trong thế hệ các tay vợt tiếp nối Next Gen. Điều này mang đến những phấn khởi về làn gió tươi mới của làng quần vợt thế giới vốn đã phải chịu đựng sự thống trị quá lâu của Big Three gồm Novak Djokovic, Roger Federer và Rafael Nadal.
Chung kết US Open gọi tên sức trẻ
John McEnroe, một cựu tay vợt và hiện là bình luận viên uy tín trên kênh ESPN khẳng định cuộc chuyển giao của làng quần vợt thế giới sẽ diễn ra một cách tự nhiên trong tương lai gần: “Chúng ta đều biết một cuộc chuyển giao sẽ diễn ra trong làng quần vợt thế giới. Tôi lại nghĩ điều này không đến nhanh như thế”.
Nhìn lại những gì diễn ra ở các giải quần vợt gần đây chỉ ra một xu hướng những tay vợt mới đang âm thầm tiến lên những vị trí cao trên bảng xếp hạng ATP hay WTA. US Open năm nay là một bằng chứng rõ ràng nhất khi những tay vợt chưa khẳng định tên tuổi lại có thừa khát khao để chiến đấu thách thức những tay vợt kỳ cựu như Rafael Nadal.
Trận chung kết US Open năm nay không phải là cuộc đấu của những tay vợt đang ở đỉnh cao phong độ hay thành tích, mà lại là màn so tài của hai tay vợt trên con đường vươn tới đỉnh cao: Alcaraz và Casper Ruud. Ruud chưa từng vô địch một giải đấu nào có cấp độ lớn hơn ATP 250 dù bản thành tích danh hiệu của tay vợt người Na Uy đã có tổng cộng 9 danh hiệu khác nhau. Dẫu không thể đánh bại Alcaraz ở trận chung kết, tài năng của Ruud sẽ sớm vươn xa và thách thức những tay vợt hàng đầu trong tương lai gần.
Động cơ chiến đấu của cả Alcaraz và Ruud là điều không cần bàn cãi thêm. Họ chưa từng đi quá vòng tứ kết ở các kỳ US Open cho đến giải đấu năm nay. Cả hai chiến đấu không chỉ vì danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình, mà còn vì cơ hội nhìn thấy vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ATP không còn xa xôi nữa, một phần vì những điểm số ở giải Wimbledon không được tính vào bảng xếp hạng năm nay. Chức vô địch của Alcaraz là phần thưởng cho một lối đánh toàn diện, hiệu quả và biết kiểm soát trong từng diễn biến của trận đấu. Một nhà vô địch US Open như anh chỉ đơn thuần biết kết hợp đúng lúc, đúng chỗ những thành tố đã có sẵn trong người từ việc tập luyện chăm chỉ, sự quyết tâm, tâm lý vững vàng, tài năng và kỹ năng cần có của một tay vợt. Tham vọng của một tay vợt mới 19 tuổi như Alcaraz được thể hiện qua phát biểu trong buổi họp báo sau khi trở thành tân vương ở US Open năm nay: “Hiện tại tôi chỉ biết tận hưởng khoảnh khắc này. Tôi tận hưởng cảm giác được tự tay nâng cao chiếc cúp vô địch. Tôi muốn ở trên đỉnh cao trong nhiều tuần nữa và hy vọng con số này có thể kéo dài thành nhiều năm. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa sau hai tuần tuyệt vời ở US Open để có thêm những danh hiệu”.
Cần thêm thời gian kiểm chứng làn gió mới
Nhìn vào danh sách các tay vợt nam lọt vào bán kết US Open dễ dàng nhận ra xu hướng trẻ hóa rõ nét. Người già nhất trong bốn cái tên cuối cùng là Karen Khachanov mới 26 tuổi, trong khi ba cái tên còn lại lần lượt là Frances Tiatoe, 24 tuổi, Ruud 23 tuổi và trẻ nhất là Alcaraz mới 19 tuổi. Trùng hợp ở chỗ 13 năm trước, US Open 2008 chứng kiến làn sóng trẻ từ Novak Djokovic, Andy Murray, Rafael Nadal và Roger Federer. Đáng chú ý, sự hiện diện của Tiafoe và Khachanov ở vòng bán kết US Open xứng đáng trở thành điểm nhấn thú vị. Khachanov đã chặn đứng con đường tiến sâu của Nick Kyrgios ở tứ kết, trong khi Tiafoe kết thúc tham vọng giành cú hat-trick Grand Slam trong năm của Nadal ở một trận tứ kết khác.
Thành tích lọt vào bán kết của Tiafoe rõ ràng là một điểm sáng cho quần vợt Mỹ, mang đến hy vọng sẽ sớm nhìn thấy một tay vợt chủ nhà đăng quang ở US Open trong tương lai. Dẫu không thể đánh bại Alcaraz ở bán kết, tay vợt 24 tuổi đã nhìn thấy sự tự tin lớn dần trong bản thân: “Trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, không phải lúc nào tôi cũng chơi tốt. Nhưng tôi luôn cố gắng động viên bản thân chơi thật tốt trước những tay vợt hàng đầu thế giới. Tôi đang làm tốt điều đó một cách đều đặn hơn và sẵn sàng cho những bước tiến tiếp theo”.
Tất nhiên, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng năng lực thật sự của những Alcaraz hay Ruud. Làng quần vợt đã chứng kiến quá nhiều bình minh giả tạo về những thế lực có thể lật đổ nhóm Big Three như trường hợp của Andy Murray trong quá khứ. Nhóm Next Gen từng được kỳ vọng sẽ trở thành thế lực đáng gờm, nhưng tính đến trước khi US Open năm nay khởi tranh, chỉ có duy nhất Daniil Medvedev là người đã có trải nghiệm vô địch một giải Grand Slam (US Open năm ngoái). Alcaraz giờ mới là người thứ hai trong nhóm Next Gen tìm thấy niềm vui của một nhà vô địch Grand Slam. Điều này đặt ra dấu hỏi về những kỳ vọng quen thuộc, từ Alexander Zverev, người đã vắng mặt ở US Open năm nay vì chấn thương cho đến Stefanos Tsitsipas, tay vợt dừng bước ngay ở vòng một sau trận thua tay vợt ít tên tuổi người Colombia Daniel Galan. Liệu họ có còn đủ tự tin khi phải đối đầu với Alcaraz trẻ tuổi hơn nhưng đã sở hữu trải nghiệm của một nhà vô địch? Thách thức cho Zverev và Tsitsipas không chỉ nằm ở việc chế ngự sức mạnh của Alcaraz. Phía sau họ là hàng loạt những tay vợt đáng gờm. Ngoài Shapovalov, làn sóng mới của quần vợt nam còn có những tay vợt tài năng có độ tuổi từ 25 trở xuống khác như Andrey Rublev, Hubert Hurcacz, Jannik Sinner, Taylor Fritz hay Felix Auger-Aliassime. Tất cả giống như một làn sóng thách thức những tay vợt thuộc nhóm Next Gen. Cũng không thể bỏ qua sức kháng cự của nhóm Big Three. Djokovic sẽ tìm cách trở lại sau khi những ngăn trở liên quan đến việc tiêm chủng Covid-19 ngăn cản anh chinh phục các danh hiệu Grand Slam, trong lúc Nadal chính là tay vợt số một thế giới vào thời điểm hiện tại. Nếu không có cú vấp ngã trước Tiafoe, tay vợt 36 tuổi này sẽ nâng cao số danh hiệu Grand Slam vượt qua cột mốc 22 lần.
Chính Nadal sau trận thua Tiafoe cũng phải thẳng thắn thừa nhận anh không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho những trận đấu quần vợt căng thẳng trong một khoảng thời gian dài khi những yếu tố về tuổi tác và sự nhanh nhẹn bắt đầu rời bỏ tay vợt người Tây Ban Nha. Đó là điều những người yêu mến anh không hề muốn nghe, nhưng ít ra Nadal vẫn còn duy trì sự ổn định hơn hẳn một Roger Federer chỉ còn hy vọng sẽ có thêm một lần dự Wimbledon ở tuổi 41 hay Djokovic đánh mất dần vị thế của một nhà vua.
Khép lại dư âm US Open, cựu tay vợt McEnroe khẳng định tất cả nên dõi theo sự tiến bộ của những tay vợt trẻ như Alcaraz. Tương lai của họ rất rộng mở, nhưng để nói về một chuyển giao tức thì xem chừng không phải kết luận đúng đắn cho tình hình làng quần vợt nam hiện tại.
Những dấu mốc đáng nhớ về Alcaraz Chức vô địch US Open năm nay của tay vợt 19 tuổi Alcaraz là dấu mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tay vợt người Tây Ban Nha. Trước khi nhắc về danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, Alcaraz từng tạo ra cột mốc đáng nhớ khác khi trở thành tay vợt đầu tiên đánh bại cả Novak Djokovic lẫn Rafael Nadal trong một giải đấu ở mặt sân cứng. Cụ thể, ở giải Mutua Madrid hồi đầu năm, Alcaraz đánh bại Nadal ở tứ kết rồi sau đó loại nốt Djokovic ở bán kết. Trong trận chung kết gặp Zverev, tay vợt 19 tuổi giành chiến thắng sau hai séc đấu. |
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất