26/01/2013 07:59 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tọa đàm “Hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích” đã được Viện Bảo tồn di tích tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 25/1. Sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên gia - khi mà “thảm họa trùng tu” trong vài năm qua được dư luận thường xuyên nhắc tới qua các trường hợp như khu di tích Lam Kinh, đình Kim Liên, chùa Trăm Gian, chùa Trấn Quốc.
Tại tọa đàm, GS Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Chúng ta đang có sự nhầm lẫn nghiêm trọng cả về quan điểm khoa học cũng như cách quản lý đối với các di tích văn hóa. Thực tế, bảo tồn đang biến thành tôn tạo, tôn tạo biến thành... sáng tạo - để rồi nhiều di tích bỗng trở nên lố bịch và kệch cỡm sau khi được đầu tư”.Quá nhiều di tích được công nhận vì... cả nể?
Con số hơn 3.000 di tích quốc gia và 5.000 di tích cấp tỉnh được đưa ra tại tọa đàm như một minh chứng cho sự “lạm phát” trong khâu đánh giá, xếp hạng của loại hình này. Nói như GS Hoàng Đạo Kính, đây là câu chuyện từ cơn sốt “nâng đời di tích” trong thời kinh tế thị trường, khi nhiều địa phương nhận thấy những giá trị tiềm năng về kinh tế, du lịch, dịch vụ... từ danh hiệu được trao cho một di sản cụ thể.
GS Phạm Mai Hùng (đang phát biểu) cho rằng việc xếp hạng di tích quá dễ dãi là một lý do dẫn tới tình trạng lộn xộn hiện nay |
“Phường Mã Mây có tới 5 di tích được công nhận giữa một diện tích rất hẹp. Trong đó, có cả một ngôi chùa được xây dựng từ những năm 1940” - ông Kính ví dụ luôn. Các dẫn chứng đưa ra cho thấy: tại VN giai đoạn trước 1945, các di tích được Viện Viễn Đông Bác Cổ “khoanh vùng” rất ít và được xét theo những hệ tiêu chuẩn rất khắt khe. Tuy nhiên, trong những năm qua, đặc biệt từ khi những di tích cấp tỉnh được chính thức công nhận, số lượng di tích của chúng ta bỗng tăng đột biến theo cấp số nhân.
PGS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa VN) chỉ rõ: từ việc công nhận các di tích một cách dễ dãi và tùy tiện, những cơ quan quản lý gần như... lực bất tòng tâm trong việc theo dõi, quản lý và hỗ trợ hệ thống “tài sản văn hóa” khổng lồ này. Chính bởi lúng túng trước cảnh “vàng thau” lẫn lộn này, việc trùng tu, bảo tồn di tích hằng năm luôn ngốn một nguồn kinh phí khổng lồ từ Nhà nước, nhưng lại... rơi vãi rất nhiều vào những mục tiêu chưa hợp lý. Điển hình là trường hợp của cụm di tích cố đô Huế trong những năm qua: trong khi nhiều cụm lăng đang ở trạng xuống cấp nghiêm trọng thì hàng trăm tỉ đồng lại được rót cho việc trùng tu trường lan (phần hành lang) của nhiều di tích khác.
“Trường lan chỉ là công trình phụ. Chưa kể, chúng ta lại còn... nâng cấp bằng cách sơn son thếp vàng, thay cho việc chỉ sơn son như nguyên bản”.
Thừa tiền - thiếu chuyên môn
Trường hợp chùa Trăm Gian liên tục được nhắc tới tại tọa đàm như một “ca” điển hình của những sai phạm hiện nay: di tích xuống cấp - kinh phí chưa có - tư nhân “xung phong” bỏ tiền ra làm - di tích được sửa lại theo hướng to hơn, đẹp hơn và... khác hẳn so với nguyên bản.
Phân tích của KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) chỉ rõ: do ngân sách có hạn, việc tôn tạo các di tích hiện tại chủ yếu đến từ những nguồn vốn xã hội. Và, chính việc tôn tạo từ nguồn vốn này lại dễ rơi vào cảnh “chệch quỹ đạo” nhất, khi thiếu sự theo dõi của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn.
Xa hơn, PGS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), nói thẳng: “Sự thực, rất nhiều tổ chức, công ty được thành lập dưới danh nghĩa có chức năng tu bổ di tích. Nhưng, vì nguồn lợi trước mắt, điều họ làm lại là xây mới, phá hoại di tích một cách tùy tiện mà không cần biết luật”.
Chỉ rõ bất cập về việc nền giáo dục hiện nay chưa hề có một chuyên ngành đào tạo đặc thù cho việc bảo tồn di tích, ông Hùng cũng không ngại khi “động chạm” tới chuyên ngành khảo cổ: “Công việc của họ rất quan trọng, nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn giữa khảo cổ và bảo tồn, trùng tu. Nếu được đề nghị, các bạn khảo cổ hãy thẳng thắn lên tiếng từ chối những dự án trùng tu vốn dĩ đòi hỏi một số kỹ thuật và kiến thức khác với chuyên ngành của mình”.
Ví dụ được ông đưa ra: hiện tại, một số di tích sau khi khai quật vẫn được tạm giao trách nhiệm cho ngành khảo cổ. Và không ít lần, mỗi khi giới thiệu cho khách tham quan, phần gạch cũ, cột gỗ cũ tại những di tích này vẫn được... xối nước vào để sạch sẽ và xóa đi phần rêu mốc bên ngoài. Trên lý thuyết, sự thay đổi độ ẩm liên tục như vậy sẽ tạo ra tác động rất tiêu cực tới tuổi thọ của di tích.
Hàng loạt bức xúc được các chuyên gia “xả” ra, cuộc tọa đàm này liệu có tác động tích cực tới giới quản lý di sản, hay vẫn chỉ nằm ở... thì tương lai?
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất