Bảo tồn làng cổ Đường Lâm: Chưa vội Di sản thế giới!

22/05/2013 07:39 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - "Chưa vội trình hồ sơ đề cử Đường Lâm là di sản thế giới lên UNESCO" - đó là đề xuất của một số chuyên gia văn hóa  trong cuộc họp về công tác bảo tồn và quản lý di tích quốc gia này (diễn ra sáng qua 21/5). Trước đó, vào đầu năm 2013, các cơ quan chức năng từng nhắc tới việc sớm tạo điều kiện cho làng cổ Đường Lâm xây dựng  hồ sơ khoa học để đệ trình.

Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng một số lãnh đạo địa phương và đại diện ban ngành liên quan đã tham dự cuộc họp với tinh thần “tìm biện pháp giải quyết các mâu thuẫn diễn ra trong quá trình bảo tồn, phát triển làng cổ Đường Lâm”. Kể từ đầu tháng 5 vừa qua, một số hộ dân Đường Lâm đã gửi đơn xin rút lại danh hiệu Di tích quốc gia (DTQG) với lý do những quy định hiện có ảnh hưởng tới quyền lợi và sinh hoạt của họ.

Bí thư Phạm Quang Nghị đi thăm làng cổ Đường Lâm sáng 21/5. Ảnh: Phương Mai

Lộ trình hợp lý

Các ý kiến đưa ra đều khẳng định: làng cổ Đường Lâm hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu DTQG từng nhận về năm 2005. Theo thống kê, đây là ngôi làng cổ đầu tiên tại VN chính thức nhận về danh hiệu này. Thậm chí, trong trường hợp đệ trình lên UNESCO, những giá trị đặc biệt về kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa... khiến cơ hội nhận danh hiệu cấp thế giới của Đường Lâm không phải là không có.

Thế nhưng, để những giá trị này được khẳng định một cách rõ ràng ngay từ... trong nước, làng cổ Đường Lâm đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, mà trước hết là giải quyết cảnh phát triển chồng chéo, thiếu quy hoạch của các mảng không gian cổ kính và hiện đại – cũng như sự xuống cấp của một loạt di tích. Bởi vậy, theo TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, ý tưởng xây dựng hồ sơ gửi lên UNESCO cần được tạm thời hoãn lại để tăng sức thuyết phục.

“Tôi nghĩ, ở thời điểm này, điều quan trọng nhất với Đường Lâm là việc bảo tồn được hệ thống các di tích quan trọng trong vùng. Muốn vậy, những yêu cầu về giãn dân, xây dựng quy hoạch tổng thế, quy hoạch chi tiết... cần được hoàn thành sớm” - TS Hùng nhận xét.

Đồng quan điểm, GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia - cho biết thêm: “Tôi ủng hộ việc Đường Lâm được công nhận danh hiệu DTQG cấp đặc biệt và tiếp đó là trình lên UNESCO. Nhưng, đúng là chúng ta cần xây dựng một lộ trình hợp lý”.

Theo thống kê, Đường Lâm hiện có hơn 200 ngôi nhà cổ các loại, trong đó có 37 ngôi nhà tạm được xếp loại đặc biệt và 74 ngôi nhà được xếp loại 1. TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long) đề nghị phương án giãn dân sắp tới nên tập trung ưu tiên quỹ đất cho chủ nhân của các ngôi nhà cổ này. Và để bảo tồn, tôn tạo số nhà cổ trên một cách cấp thiết,TS Trị cho rằng 37 nhà cổ thuộc diện đặc biệt cần được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí, 74 nhà cổ loại 1 cần được đầu tư từ 50 % - 80% theo phương án Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nghề làm tương tại rất nhiều hộ dân trong làng cổ Đường Lâm hoàn toàn có thể trở thành yếu tố gắn với du lịch. Ảnh: TTXVN

Biến danh hiệu thành nguồn lợi cho dân

Đáng nói, kể cả trong trường hợp phương án giãn dân và bảo tồn các di tích được thực hiện xong, câu hỏi đặt ra với Đường Lâm vẫn là việc tìm giải pháp biến danh hiệu DTQG của làng cổ này thành... nguồn lợi kinh tế cho nhân dân trong khu vực. Làm được điều ấy, đời sống kinh tế và cả... nhận thức của các hộ dân mới có thể sớm chuyển biến theo hướng tích cực. Bởi nói như GS Lưu Trần Tiêu, mô hình Nhà nước bỏ tiền ra mua lại nhà dân để tiến hành bảo tồn chắc chắn sẽ thất bại và biến làng cổ thành một di tích không hồn.

“Thật ra, trong khi cả Hà Nội chuyển mình theo dấu ấn công nghiệp hóa, dấu ấn nông nghiệp xưa ở Đường Lâm chính là một khác biệt quan trọng. Chúng ta nên quan tâm tới điều này, để có thể kết hợp việc sản xuất nông nghiệp quanh Đường Lâm với tính chất của một vùng du lịch sinh thái. Việc sản xuất các mặt hàng thủ công, hay bản thân nghệ thuật ẩm thực tại Đường Lâm với các đặc sản địa phương cũng cần được chú trọng nghiên cứu để tìm mô hình thích hợp” -  PGS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản nhận xét.

Theo đại diện của UBND TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã đề xuất xin được đầu tư 500 tỷ đồng cho công tác bảo tồn và triển khai phương án giãn dân tại Đường Lâm. Đó là kinh phí không hề nhỏ, nếu xét tới con số gần 5.000 di tích đang tồn tại trên Hà Nội. Bởi vậy, bên cạnh việc đầu tư cho các hạng mục quan trọng nhất trước mắt, nguồn kinh phí để bảo tồn và phát triển Đường Lâm cần được nghiên cứu để tiến hành theo hướng xã hội hóa.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

"Thay mặt cho các cơ quan chức năng, tôi xin lỗi vì đã chậm trễ trong giải quyết vụ việc ở Đường Lâm khiến vụ việc trở nên phức tạp hơn. Tôi xin hoan nghênh tinh thần, tình cảm của người dân nơi đây trong việc giữ gìn làng cổ, đồng thời mong nhân dân Đường Lâm tiếp tục phát huy trách nhiệm của mình để bảo tồn di sản này” (Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm