30/11/2018 14:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc họp vừa diễn ra ở Paris, UNESCO đã đưa thể loại nhạc reggae vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Nhạc reggae có đóng góp lớn trong các cuộc đàm luận quốc tế về những vấn đề bất công, kháng cự, tình yêu và nhân loại” – theo nhận định của UNESCO.
Như vậy, thể loại âm nhạc này, có nguồn gốc ở Jamaica, đã gia nhập danh sách gồm các di sản phi vật thể như tài cưỡi ngựa của Trường dạy Cưỡi ngựa Tây Ban Nha ở Vienna (Áo), lễ vỗ về lạc đà của Mông Cổ, múa rối của Czech... và hơn 300 di sản phi vật thể khác...
Dòng nhạc reggae biểu thị một phong cách âm nhạc đặc biệt phát triển vào cuối những năm 1960 từ điệu nhạc ska của Jamaica và các biến thể khác của địa phương trên calypso và còn chịu ảnh hưởng từ nhạc jazz và blues của Mỹ. Phong cách nhạc này đã nhanh chóng phổ biến ở Mỹ và Anh, nơi có nhiều người Jamaica nhập cư trong những năm hậu Thế chiến II.
Reggae thường được coi là âm nhạc của những người bị áp bức với phần ca từ đề cập đến các vấn đề xã hội và bất bình đẳng.
Năm 1968, đĩa đơn Do the Reggay của Toots and the Maytals là ca khúc nổi tiếng đầu tiên sử dụng tên của thể loại nhạc này. Trong những năm 1970, reggae được biết đến rộng rãi thông qua các tác phẩm của Bob Marley, một siêu sao toàn cầu với lượng đĩa bán ra đã đạt hơn 75 triệu bản. Ông và ban nhạc của mình là Wailers đã tung ra các ca khúc ăn khách kinh điển như No Woman, No Cry và Stir It Up.
Jamaica đã đệ trình hồ sơ nhằm công nhận reggae là di sản văn hóa phi vật thể thế giới từ hồi tháng 9 và trong tuần này UNESCO đã đưa ra quyết định tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris, nơi có 40 đề xuất được xem xét.
Dòng nhạc "góp giọng" phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam
Nhạc reggae từ lâu đã tràn ngập trên các đường phố của thủ đô Kingston của Jamaica và đến nay đã tạo ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ và ban nhạc như Specials, Don Letts và Toots and the Maytals. Sức ảnh hưởng lâu dài của reggae có thể được thấy trong các thể loại âm nhạc sau này trong thế kỷ 20, như hip-hop, trip-hop và "desert reggae" của Australia.
Nhiều ca khúc nhạc reggae đã trở thành trung tâm của nhiều phong trào xã hội trong thế kỷ 20 với những lời kêu gọi công bằng xã hội, hòa bình và tình yêu gắn với những nỗ lực chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid) và thực dân...
Xem màn trình diễn ca khúc No Woman, No Cry của Bob Marley và ban nhạc Wailers:
Việt Lâm
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất