Bóng ma phân biệt chủng tộc ám ảnh EURO 2012

01/06/2012 00:14 GMT+7 | Hậu trường Euro

(TT&VH Online)- Bóng ma phân biệt chủng tộc đang có nguy cơ trở lại trên các sân cỏ EURO 2012. Cuộc chiến chống lại nó sẽ diễn ra quyết liệt và dữ dội không kém cuộc chiến trên sân cỏ.

EURO 2012 được dự đoán sẽ mang tất cả những điều tuyệt vời nhất đến cho thế giới bóng đá. Một trong những slogan của chính phủ Ba Lan trước thềm giải đấu là “Hãy cảm nhận như ở nhà” (nguyên văn tiếng Anh: “Feel At Home”). Tuy nhiên, một phóng sự của BBC về nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái và vấn nạn bạo lực trong bóng đá tại Ba Lan và Ukraine có thể gây hoang mang cho các CĐV chỉ ít ngày trước chuyến hành trình của họ tới hai quốc gia xinh đẹp này.

Phóng sự kéo dài hơn 28 phút của BBC Panorama có tên “Những sân vận động thù địch” (nguyên văn tiếng Anh: “Stadiums of Hate”). Phóng sự được thực hiện bởi hãng BBC, hãng truyền thông hàng đầu nước Anh. Phóng viên Chris Rogers của BBC đã giành một tháng ở Ba Lan, hòa mình vào đời sống bóng đá tại đây, tiếp cận với các nhóm CĐV thù địch, vốn được biết tới như là các “Ultras”, những người luôn gắn chặt với các trận đấu bóng đá tại hai quốc gia này.

Các cảnh quay của ông đã làm lạnh gáy dư luận. Giữa bức tranh cổ động truyền thống, trong một rừng biểu ngữ và pháo sáng, Rogers ghi lại được hình ảnh gia đình các cầu thủ Phi Châu bị xúc phạm với những đoạn điệp khúc nhại tiếng khỉ. Toàn bộ các CĐV, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em, đứng lên giơ tay chào kiểu Phát xít. Và một lượng không nhỏ người hâm mộ, hướng về các đối thủ của họ với những sự xúc phạm “Chết đi, chết đi những con điếm Do Thái”.



Nguy cơ phân biệt chủng tộc đang hiện hữu tại EURO - Ảnh: Getty

Ở Ba Lan, Rogers được chứng kiến sự phân biệt chủng tộc của những nhà quản lý các SVĐ. Ông học được một điều “cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc có thể vô cùng khó khăn ở một đất nước mà những yếu tố dân tộc và tôn giáo của các dân tộc thiểu số là tất cả, nhưng lại chẳng là gì.”

Sự thờ ơ của các nhà quản lý là điều đáng sợ nhất

Ở Kharkiv, Ukraine, ông đã chứng kiến 2000 CĐV thể hiện sự ủng hộ của họ với đội bóng địa phương bằng cách giương cao cánh tay theo kiểu phát xít. Một đại tá cảnh sát của thành phố này, ông Volodymyr Kovrygin, trả lời phỏng vấn sau đó đã phủ nhận sự phân biệt chủng tộc và bài Do Thái trong bóng đá Ukraine. Ông giải thích rằng các CĐV chỉ đơn giản đang “chỉ tay về hướng đối thủ của họ trong trận đấu nhằm thu hút sự chú ý từ đối phương. Đó không phải là kiểu chào Phát xít.”

Sự bạo lực rõ ràng đáng bị lên án. Các cầu thủ Châu Phi đã thể hiện sự bất lực và đau đớn của họ trước vấn nạn đó qua các đoạn phỏng vấn trong phim. Nhưng điều quan trọng hơn thế đến từ các nhà chức trách. Sự thiếu trách nhiệm và phản ứng chậm của cảnh sát chỉ làm bùng lên những lo ngại cho hàng ngàn CĐV dự định tới xem EURO trong Hè này. Nên nhớ, số lượng người Châu Á và da đen trong số họ là không nhỏ.

Các nhà chức trách Ba Lan có trách nhiệm bảo đảm an ninh tại các sân bóng ở EURO. Bộ phim tài liệu khép lại bằng một cái kết khủng khiếp. Một nhóm sinh viên Ấn Độ nhỡ “ngồi nhầm” khu vực của một nhóm phân biệt chủng tộc tại Kharviv và đã bị tấn công bởi hàng loạt những cú đấm đá đổ xuống như mưa. Các nhà chức trách có mặt tại đó đã gần như không có hành động nào can thiệp.



Trách nhiệm của Ba Lan và Ukraine là rất nặng nề - Ảnh: Getty

Cựu trung vệ đội tuyển Anh, Sol Campbell, một người da màu, đã xuất hiện ở đoạn cuối phim. Sau khi chỉ trích UEFA đã sai lầm khi trao quyền tổ chức giải đấu cho Ba Lan và Ukraine, anh cũng khuyên người hâm mộ bóng đá Anh không nên đến EURO 2012: “Hãy ở nhà và xem trên TV. Bởi bạn có thể sẽ phải trở về trong quan tài.”

Mọi giải đấu lớn đều đem tới sự sợ hãi và các nguy cơ. 2 năm trước, nhiều người đã lo ngại về an ninh ở Nam Phi khi thành phố Johannesburg được xem là một trong những đô thị bạo lực nhất thế giới. Nhưng lần này, sự lo sợ trước EURO còn lớn hơn bởi hàng loạt những cảnh báo đã và sẽ tiếp tục xuất hiện.

Cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Châu Âu, UEFA, đã từ chối lời đề nghị phỏng vấn của BBC, đồng thời khẳng định lại “sự phân biệt chủng tộc sẽ không được dung thứ cả trong và ngoài sân cỏ. Trọng tài có quyền dừng hoặc hủy trận đấu có xảy ra phân biệt chủng tộc”. UEFA cũng tin rằng “EURO 2012 sẽ thu hút sự chú ý của thế giới dành cho nước chủ nhà. Nó tạo ra những cơ hội rõ ràng để họ đối đầu và giải quyết các vấn đề xã hội”.

Bất chấp các phản ứng khác nhau, nguy cơ là có thực

Đương nhiên, bộ phim tài liệu đã gây những phản ứng phẫn nộ và trái chiều. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan cho rằng bộ phim là một sản phẩm truyền hình “rất một chiều”. Những người khác chỉ trích bộ phim đã sử dụng “các bằng chứng được chọn lọc” (về phân biệt chủng tộc) để nhân rộng nó thành một bức tranh toàn cảnh và ảm đạm. Phóng viên người Anh, Oliver Holt, viết trên “Dally Mirror”, cho rằng nếu dùng các sự kiện liên quan tới Terry và Suarez trong mùa giải vừa qua, người ta sẽ có thừa đủ tư liệu để phác thảo một bức tranh mới còn phong phú hơn cả “Stadiums of Hate”.

Chính phủ Ba Lan đã ra thông báo bày tỏ sự “ngạc nhiên” trước việc BBC sử dụng phát ngôn của Sol Campbell như ý kiến của một chuyên gia. Có một thực tế rõ ràng là “13 trong số 16 đội tuyển quốc gia (không có Thụy Điển, Pháp và Ukraine) trong đó có cả đội tuyển Anh, đã chọn nơi đóng quân tại các thành phố của Ba Lan”. Đấy có thể xem như một dấu hiệu cho “niềm tin vào sự an toàn và an ninh ở Ba Lan”.

GĐBĐ của EURO 2012, Markian Lubkivsky, chia sẻ với các nhà báo: “Tôi không thấy có bất kì nguy hiểm gì với công dân các quốc gia khác nhau cư trú tại Ukraine. Nếu các cầu thủ như Campbell thực sự có cách nghĩ đó. Đấy là quan điểm của riêng anh ta, đó không thể là ý kiến của cả một quốc gia”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine, Oleg Voloshyn, thậm chí còn lên tiếng phản pháo: “Dấu hiệu của Chủ nghĩa phát xít có thể được thấy ở… bất kì trận đấu nào tại Anh Quốc. Nhưng điều đó có nghĩa là người hâm mộ không nên tới London tham dự Olympic chứ?”

Đội tuyển quốc gia Anh dự EURO 2012 có 8 thành viên da màu. Hai sao trẻ của Arsenal, Alex Oxlade-Chamberlain và Theo Walcott, đã khẳng định gia đình họ sẽ ở lại nước Anh. Joleon Lescott tiết lộ gia đình anh sẽ chỉ tới sự kiện nếu tuyển Anh lọt vào chung kết. Một cầu thủ da màu khác, Mario Balotelli của tuyển Italia, chia sẻ với France Football: “Tôi sẽ không chấp nhận phân biệt chủng tộc ở mọi nơi. Điều đó là không chấp nhận được. Nếu ai đó ném một quả chuối vào người tôi trên phố, tôi sẽ vào tù bởi tôi sẽ giết họ.”



Tuyển Anh có rất nhiều cầu thủ da màu - Ảnh: Getty

Chính phủ Anh chỉ thông báo đơn giản: “Du khách Châu Á hoặc có gốc Caribbean, các cá nhân thuộc các dân tộc thiểu số nên thận trọng tối đa”. Trong khi đó, Piara Powar, GĐĐH của Tổ chức chống phân biệt chủng tộc Châu Âu, tổ chức lớn nhất trong việc chống phân biệt đối xử trong thể thao, đã khuyên những người thuộc các dân tộc thiểu số nên tránh xa Ukraine trong mùa Hè này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Powar đã khẳng định những thách thức mang tính xã hội gây ảnh hưởng tới bóng đá Ba Lan và Ukraine là “hoàn toàn có thực” nhưng anh cũng cho biết có sự khác biệt giữa các báo cáo của tổ chức với nội dung “Stadiums of Hate” của BBC.

Anh cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ có bất kì vấn đề gì tại các SVĐ. Các trận đấu quốc tế là một thế giới hoàn toàn khác so với các trận đấu vẫn diễn ra hàng tuần tại giải vô địch quốc nội. Ở đây, một môi trường hoàn toàn khác biệt sẽ tạm thời được hình thành. Nguy cơ với người hâm mộ không tới trong các trận đấu mà nằm ở các thị trấn vào ban đêm.”

Nguy cơ đó là có thực. Nhưng sự lựa chọn giữa cơ hội được tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất Châu Âu và nằm nhà xem EURO qua truyền hình quả thật rất khó khăn. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về người hâm mộ. Còn cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc vẫn sẽ diễn ra và phải diễn ra theo cách quyết liệt nhất.

Minh Chiến


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm