ĐIỂM NHẤN: U23 Việt Nam bỡ ngỡ với 3-4-3, không thể thiếu Quang Hải

13/12/2017 18:28 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) – U23 Việt Nam đã không thể giành vé dự trận Chung kết giải giao hữu M-150 Cup sau trận thua U23 Uzbekistan 1-2 ở lượt trận cuối cùng của vòng bảng.

Đây là trận thua xứng đáng của thầy trò HLV Park Hang Seo và thất bại này cho thấy U23 Việt Nam còn nhiều việc phải làm trong quá trình chuẩn bị cho giải U23 châu Á. Dù sao, U23 Việt Nam được nhiều hơn mất sau trận thua U23 Uzbekistan bởi nhờ thất bại này, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ rút ra được nhiều bài học, từ lối chơi cho tới cách sử dụng nhân sự.

Vẫn bỡ ngỡ với 3-4-3

Trận thắng 4-0 quá dễ dàng của U23 Việt Nam trước U23 Myanmar ở lượt trận mở màn đã che mờ đi bài test lớn nhất của thầy trò HLV Park Hang Seo tại giải đấu lần này là sự hiệu quả của sơ đồ mới 3-4-3. Trước một đối thủ hoàn toàn khác so với U23 Myanmar là U23 Uzbekistan, U23 Việt Nam đã cho thấy sự lúng túng trong cách triển khai sơ đồ 3 trung vệ.

Do các vị trí chưa hiểu nhau và cự ly các tuyến cũng không được hợp lý, U23 Việt Nam đã mắc rất nhiều lỗi trong 45 phút đầu tiên. Chúng ta không chỉ chuyền hỏng nhiều mà còn gặp vấn đề trong cách triển khai bóng lên phía trên. Các cầu thủ U23 Việt Nam thường xuyên cầm bóng quá lâu do không tìm được vị trí ưng ý để chuyền bóng nên nhanh chóng bị áp sát và mất bóng.

Khi tổ chức phòng ngự, các cầu thủ U23 Việt Nam thường lùi quá sâu và không áp sát đối thủ nên hệ quả là hai cánh của chúng ta rất sơ hở và nhiều lần bị đối thủ khai thác. Bàn thua đầu tiên của U23 Việt Nam đến từ một pha bóng như vậy khi U23 Uzbekistan thực hiện một pha xẻ nách rất thoáng ở biên phải rồi căng ngang cho tiền đạo ghi bàn.

Sự điều chỉnh kịp thời của HLV Park Hang Seo

Sang hiệp 2, HLV Park Hang Seo có 2 sự thay đổi người khi Thái Quý và A Hoàng vào sân thay Đức Huy và Ti Phông. Tuy nhiên, sự thay đổi trong cách chơi của U23 Việt Nam mới là nguyên nhân lớn nhất giúp đội bóng của HLV Park Hang Seo chơi khởi sắc hơn.

Trong suốt hiệp 1, U23 Việt Nam không có pha sút bóng nào ra hồn nhưng khả năng tấn công của chúng ta trong hiệp 2 đã được cải thiện khi HLV Park Hang Seo chỉ đạo học trò chơi nhanh hơn, đơn giản hơn và tích cực chuyển bóng sang hai biên rồi tạt tầm thấp vào trong vòng cấm đối thủ, đặc biệt là từ cánh phải của Văn Thanh.

Sự rườm rà, chậm chạp trong cách triển khai bóng chính là nguyên nhân khiến hàng công U23 Việt Nam gần như tê liệt (Thanh Bình đá cao nhất gần như không chạm bóng) bởi U23 Uzbekistan được tổ chức tốt, chơi hiện đại và áp sát rất nhanh nhờ ưu thế về thể lực.

Chú thích ảnh
Quang Hải rất quan trọng với U23 Việt Nam lúc này

Quang Hải là nhân tố không thể thiếu

Có thể nhận ra điểm yếu lớn nhất của U23 Việt Nam trong trận đấu này là khả năng tạo đột biến trên hàng công, dù HLV Park Hang Seo đã tung mọi tiền đạo ông có trong tay vào sân.

Sau khi lập cú đúp tuyệt đẹp ở trận thắng U23 Myanmar, Quang Hải đã được cho nghỉ ở trận này (cùng với Văn Toàn) để nhường chỗ cho Ti Phông nhưng rõ ràng giữa hai cầu thủ này là một khoảng cách quá lớn. Thiếu Quang Hải, Công Phượng không chỉ thiếu một đối tác ăn ý mà U23 Việt Nam cũng mất hẳn ngòi nổ có khả năng tạo đột biến nhất.

Trong một thế trận chặt chẽ mà U23 Uzbekistan đã tạo ra, U23 Việt Nam rất cần những pha bóng sáng tạo và bất ngờ từ chiếc chân trái rất ngoan của Quang Hải. Một cú sút xa hay một pha cứa lòng quen thuộc của Quang Hải có thể sẽ đem lại khác biệt cho U23 Việt Nam, điều mà khó có cầu thủ U23 Việt Nam nào làm được lúc này.

Ở trận thua U23 Uzbekistan, Quang Hải có được tung vào sân nhưng thời gian không đủ lâu để cầu thủ này tạo ra khác biệt, nhất là khi U23 Việt Nam đã có một thế trận không tốt trong khoảng thời gian cuối trận.

U23 Việt Nam và bài học SEA Games 29

U23 Việt Nam và bài học SEA Games 29

Thầy trò HLV Park Hang Seo đang rộng cửa vào chung kết nhưng điều đó là làm chúng ta nhớ lại SEA Games 29.

Nên để cầu thủ đá đúng sở trường

Cả hai bàn thua của U23 Việt Nam trong trận đấu này đều có lỗi của Duy Mạnh, đặc biệt là ở bàn thua đầu tiên khi cầu thủ của CLB Hà Nội phá bóng hụt vô tình tạo điều kiện cho đội bạn ghi bàn. Điều đáng nói ở đây là Duy Mạnh vốn sở trường đá tiền vệ phòng ngự nhưng anh lại được HLV Park Hang Seo xếp đá trung vệ.

Đúng là ở cấp CLB lẫn các ĐTQG, Duy Mạnh đều đã chơi cả tiền vệ phòng ngự lẫn trung vệ nhưng dù gì sở trường của cầu thủ này vẫn là tiền vệ. Bóng đá thế giới có rất ít kiểu đá trái sở trường như vậy mà vẫn thành công, thậm chí là gần như không có (Javier Mascherano ở Barca là trường hợp hiếm hoi đó).

Trong hiệp 1, Văn Thanh được bố trí bên cánh trái và dù vẫn chơi rất năng nổ (tốt nhất đội trong hiệp 1) nhưng việc phải đá trái sở trường đã triệt tiêu tố chất tấn công của cầu thủ HA.GL. Sang hiệp 2, khi được trả lại cánh phải sở trưòng, Văn Thanh đã nhiều lần đe dọa khung thành U23 Uzbekistan bằng những pha căng ngang hay tạt bóng nguy hiểm.

V.M

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm