06/04/2015 13:17 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận về những gì HLV Miura đã làm với U23 Việt Nam dường như là bất tận. Những bình luận của độc giả Thể thao & Văn hóa trong suốt tuần qua tiếp tục chia rẽ ở vấn đề đá đẹp hay kết quả là tối thượng. Nhưng cũng chưa có ai đúng cả. Dưới đây là phân tích của nhà báo Phạm Tấn.
Độc giả Đỗ Nhật Minh: Đá bóng thì kết quả thắng thua là điều quan trọng, đá đẹp mà thua thì cũng chẳng có ích gì
Nhà báo Phạm Tấn: Chính xác là như thế. Thể thao và bóng đá đỉnh cao cần có thành tích. Nhưng thể thao và bóng đá sẽ không là gì cả nếu không có khán giả. Đây không phải là tôi mượn ý của bầu Đức. Mà là đúc kết của tôi sau nhiều năm theo dõi bóng đá Việt Nam.
Chúng ta chắc chưa quên có nhiều trận đấu của đội tuyển ở Mỹ Đình mà khán đài trống vắng, như ở vòng bảng AFF Cup mới đây chẳng hạn. Đặc tính bao năm qua của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ là chỉ khi nào đội tuyển thắng thì họ mới tới sân, vé bán mới cháy. Nhưng không một ai có thể trách người hâm mộ bởi vì có nhiều thời điểm lối đá không hay, tinh thần không tốt mà kết quả lại tệ. Thế nên, nếu có lối đá cống hiến, thì khi thua, khán giả cũng cảm thấy họ được bù đắp.
Hơn một năm về trước, khi đội U19 Việt Nam thi đấu, các khán đài sân Mỹ Đình chật kín khán giả. Ảnh: V.S.I
Độc giả Nguyen Van Nhan: Bóng đá phải cần hiệu quả, thể lực, nếu đá hoa mỹ đẹp mà thua thì sao. Nhìn vào kết quả U23 Việt Nam lọt vào VCK U23 châu Á là thấy ngay.
Nhà báo Phạm Tấn: Chúng ta lâu nay hay nhầm ở khái niệm đá đẹp không cần thể lực. Đội bóng giàu thể lực không phải không biết chơi đẹp. Trái lại, để đá được đẹp rất cần thể lực. Ông Calisto năm 2008 đã xây dựng lối chơi rất quyến rũ cho đội tuyển (từ thời điểm bán kết) nhờ đã chuẩn bị rất tốt về mặt thể lực, mà vẫn có hiệu quả - vô địch AFF Cup 2008.
Độc giả Thân Văn Quyết: Tôi cũng thích thứ bóng đá đẹp và trong sáng nhưng ở đây là một giải đấu lớn tầm châu lục chính vì vậy Miura đã có những toan tính hợp lý cho từng trận đấu. Đây là giải đấu lớn hơn nhiều so với giải U19 và là giải đấu lần đầu tiên Việt Nam vượt qua vòng loại. Tôi mong muốn mọi người nên chúc mừng Miura và các học trò của ông!
Nhà báo Phạm Tấn: Đúng là Việt Nam lần đầu tiên vượt qua vòng loại của một giải châu lục. Các cầu thủ và HLV Miura xứng đáng được chúc mừng, còn bản thân những ai yêu mến bóng đá Việt Nam cũng hạnh phúc. Điểm mạnh nhất của HLV Miura rõ ràng là ở việc tính toán cho từng trận đấu. Một khi các cầu thủ có một HLV xác định rõ cho họ, là họ biết phải làm gì thì các cầu thủ sẽ tin tưởng ở HLV.
Mặt khác, HLV Miura cũng phải cảm ơn các học trò. Họ đã giúp ông giải tỏa được sức ép, vì ông đã được tạo điều kiện tối đa. Việc cả giải vô địch quốc gia phải tạm dừng gần hai tháng cho một đội tuyển trẻ tập trung là điều không có nền bóng đá nào làm cả. Nó làm thiệt hại của các CLB hàng chục tỉ đồng. Không thể đưa U23 Việt Nam vào VCK mới thực là cái "tội" lớn của ông xét trong hoàn cảnh này.
Bạn nói rằng chúng ta lần đầu tiên vượt qua vòng loại. Chính xác, nhưng đi vào lịch sử đôi khi cũng chẳng có gì quá ghê gớm. Chúng ta đã từng có một vòng loại xuất sắc hơn thế.
Năm 2007, Olympic Việt Nam đã vào tới vòng loại thứ ba khu vực châu Á Olympic 2008. Chúng ta vượt qua vòng sơ loại thứ nhất khi thắng Afghanistan, rồi qua vòng loại thứ hai ở bảng đấu có Oman, Lebanon và Indonesia. Đội bóng khi đó do HLV Mai Đức Chung dẫn dắt, đã chơi 6 trận, được 12 điểm, đứng nhất bảng.
Tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, đội Olympic Việt Nam (trái) từng lọt vào đến vòng loại thứ 3. Ảnh: V.S.I
Xin nói thêm là Oman và Lebanon là những đội bóng mạnh của Tây Á, còn Indonesia lâu nay vẫn ngang cùng đẳng cấp với Việt Nam. Đến vòng loại thứ ba, chúng ta chỉ thua Olympic Nhật Bản 0-1 ở Tokyo, hòa trước Qatar và Saudi Arabia trên sân nhà. Chỉ tới khi đã chính thức bị loại, lúc đó chúng ta mới thua Nhật 0-4 ở Mỹ Đình.
Những thành tích trên có xuất sắc không nếu so sánh với ba trận thắng Malaysia 2-1, thua Nhật 2-0, và thắng Macau 7-0 thì hẳn mỗi người cũng có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời rồi. Tiếc là ngày đó châu Á không có giải U23 châu Á, và các đội chỉ đá để tranh vé đi Olympic.
Nếu thời điểm 8 năm về trước cũng có một VCK U23 châu Á thì chắc chắn chúng ta đã giành vé để tới đó rồi. Còn VCK U23 châu Á tới đây ở Qatar (1-2016), Việt Nam sẽ đấu với 15 đội hàng đầu châu lục để giành ba vé đi Olympic.
Độc giả Huỳnh Văn Tâm: Lối đá của U23 không làm mãn nhãn người xem như U19 năm qua, lối chơi bóng chưa tự tin khi gặp đối thủ mạnh như Nhật Bản thì phần lớn là phá bóng càng xa khung thành càng tốt, khi có bóng không tổ chức phản công được. Lối đá của Miura xây dựng thiên về sức mạnh thiếu kỹ thuật. Nếu U23 Việt Nam vừa qua không có Công Phượng thì lối chơi càng nhàm chán.
Nhà báo Phạm Tấn: Tôi xin không phân tích thêm về cái gọi là đẹp và hiệu quả nữa, ngoài việc muốn nói rằng vừa đẹp vừa hiệu quả sẽ là tuyệt vời nhất. Tất nhiên, đòi hỏi như thế là cao, rất cao, bởi trong bóng đá còn phải tính tới yếu tố con người cầu thủ. Nhưng quả là rất đúng khi cho rằng Công Phượng đã làm cho lối chơi của U23 bớt nhàm chán.
Mọi người có thể nói ông Miura đã giúp Công Phượng tỏa sáng, nhưng đây chỉ là một vế. Vế còn lại là Công Phượng đã giúp cho HLV Miura rất nhiều, giữ vai trò chủ lực trên hàng công, làm cho lối đá phá bóng dài lên tuyến trên có chút màu sắc phản công khi Phượng phát huy khả năng cầm bóng để đợi các cầu thủ khác băng lên.
Độc giả Vũ Thành Dương: Thực tế những trận đấu trên đất Malaysia có nhiều may mắn vì trời mưa nên lối đá phất bóng dài có được may mắn, hãy đợi xem SEA Games HLV Miura có thực tài không sẽ biết. Nhưng về cơ bản dù thành công nhưng U23 Việt Nam lối chơi chả có gì cả.
Nhà báo Phạm Tấn: HLV Miura đã thừa nhận là nhờ trời mưa nên U23 Việt Nam mới thắng đậm 7-0 trước U23 Macau, vì khi sân rất xấu thì ghi được 6 bàn, còn sang bên nửa sân đẹp hơn thì mãi mới có một bàn. Sự thẳng thắn như vậy là cực kỳ đáng quý, không tạo nên sự ngộ nhận (dù điều này cực khó).
Độc giả Nguyễn Tiến Dũng: Phải nói là HLV Miura rất giỏi trong mọi tính toán nhưng nếu xây dựng lối chơi lâu dài cho đội tuyển Việt Nam thì e là không thành công, bởi nếu gặp những đội mạnh thì chỉ thua ít hoặc thua nhiều chứ không thể hòa hoặc thắng. Đội U19 Việt Nam đã đá cho U19 Trung Quốc sém thua, còn U19 Nhật cũng may mắn lật ngược ở những phút cuối.
Công Phượng đã phần nào thích nghi được lối đá mà HLV Miura áp dụng cho đội U23 Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà
Bản thân tôi cũng không thích lối đá phòng thủ tiêu cực. Chắc chắn ông Miura cũng không thích lối đá này. Phòng thủ phản công mới là một trong các chuẩn mực. Nhưng như bạn nói ông ấy rất giỏi tính toán. Tôi nghĩ là khi đá với U23 Nhật Bản thì mục tiêu là cần hạn chế bàn thua thì ông ấy tổ chức đội hình như vậy. Nên khẳng định không thể thắng và hòa với các đội bóng mạnh thì vẫn phải chờ.
Ở khía cạnh này, nếu đúng như Chủ tịch VFF nói là vì ông Miura quen cầm các đội bóng nhỏ mà lại đưa họ lên hạng ở Nhật Bản nên VFF mới mời, thì chúng ta sẽ có những đội tuyển chơi biến hóa trước các đối thủ khác nhau. Mặt trái của nó là đội tuyển của chúng ta sẽ không có một lối chơi áp đặt.
Độc giả VMK: Bóng đá đẹp mà không có thành tích, bóng đá có thành tích nhưng không đẹp là hai thái cực. U19 Việt Nam trên bình diện chơi "đẹp thì có nhưng chơi có thành tích thì khó". Vì vậy khi cần thành tích thì không ai dám chọn họ là phải thôi. Mang U19 đi đá theo tôi chắc phải thua đậm Nhật bản và không thắng được Malaysia. Mới tập huấn thôi mà rớt đài hết trơn thì đấm đá nổi gì.
Nhà báo Phạm Tấn: Tôi hiểu là người hâm mộ thì bị chi phối bởi cảm xúc tức thì nhiều hơn là những người quản lý, điều hành bóng đá. Vì chiến thắng có thể làm người hâm mộ phấn khích, quên đi những bất ổn trước đó. Thành tích của hôm nay có thể làm thay đổi những cảm nhận, quan điểm trước kia.
Cảm xúc dành cho U19 năm ngoái có vẻ như ít nhiều bị chi phối bởi điều này. Nhưng những người quản lý điều hành sẽ được đánh giá cao nếu như tạo ra được sự kế thừa, nhìn thấy những tiềm năng để đầu tư phát triển. U23 Việt Nam giành vé, tạo bước đà thuận lợi cho chiến dịch SEA Games tới đây.
Nhưng U19 năm ngoái đã trình diễn thứ bóng đá khắc hẳn so với tất cả những gì mà chúng ta từng thấy ở bóng đá Việt Nam. Với những cầu thủ được đào tạo bài bản, kỹ thuật hiện đại, chơi thứ bóng đá "như trên truyền hình", họ xứng đáng được trao những cơ hội để tiếp tục trui rèn và phát triển. Tại sao lại không thể có một đội tuyển U21 với nòng cốt là họ như một sự đầu tư cho tương lai?
Xin được nhắc một điều mà chắc mọi người có thể còn nhớ, là VFF từng tuyên bố sẽ chỉ lấy cầu thủ đá SEA Games năm nay nếu họ còn đủ tuổi đá SEA Games hai năm sau.
Nay thì ông Miura đã quyết khác: SEA Games năm nay sẽ chọn những cầu thủ tốt nhất, kể cả 23 tuổi. Tôi cho rằng giờ là lúc VFF cần hành động. Không có một HLV nào lo cho tương lai của nền bóng đá chúng ta bằng chính chúng ta cả.
Thethaovanhoa.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất