08/05/2023 05:39 GMT+7 | SEA Games 32
Tình thế của U22 Việt Nam hiện tại gần giống như tại SEA Games 2017. Đó cũng là kỳ đại hội gần nhất mà môn bóng đá nam chỉ khống chế ở độ tuổi U22 và Việt Nam đá 2 trận cuối vòng bảng trước những đối thủ cạnh tranh vé vào bán kết. Mục tiêu chỉ là cần một trận thắng và hiểm nguy cũng như nhau.
Tại SEA Games 2017, sau 3 trận toàn thắng, U22 Việt Nam với một dàn tinh binh tập hợp từ 2 lứa cầu thủ U19 tài năng của các năm 2014 và 2016 được HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt có trận đấu thứ 4 vòng bảng trước U22 Indonesia. Đó là trận đấu mà chỉ cần thắng thì chúng ta sẽ vào bán kết. Do cùng bảng với Thái Lan và chủ nhà Indonesia nên cửa đoạt HCV còn rộng mở hơn nếu đi tiếp.
Vậy nhưng, U22 Việt Nam khi đó chỉ có một trận hòa trong thế trận áp đảo U22 Indonesia, bắt buộc phải "một mất một còn" với U22 Thái Lan ở lượt trận cuối cùng. Thời điểm đó, đá ở tâm thế như vậy gần như "không có cửa" cho U22 Việt Nam trước đại kình địch. Như đã biết, U22 Việt Nam thua 0-3 đề rồi HLV Nguyễn Hữu Thắng ngay lập tức từ chức khi mất vé vào bán kết, phần còn lại là lịch sử khi HLV Park Hang Seo đến.
Con tạo xoay vần, một sự trùng hợp khó tin hoàn toàn có thể xảy ra khi U22 Việt Nam đang rơi vào một tình thế tương tự. U22 Việt Nam đang cách tấm vé dự bán kết đúng một trận thắng. Nếu đánh bại U22 Malaysia, chúng ta trực tiếp loại đối thủ và sớm đi tiếp cùng khả năng "giấu bài, giữ quân" hoặc thậm chí chọn đối thủ ở bán kết.
Nhưng ngược lại, nếu chỉ hòa hoặc thua U22 Malaysia, đội bóng của HLV Troussier lại tự đẩy mình vào thế "sinh tử" khi đá với U22 Thái Lan ở lượt trận cuối, một hoàn cảnh chưa bao giờ là tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam, kể cả khi ở lúc cực thịnh, bao gồm 5 năm dưới thời HLV Park Hang Seo.
Đấy là nói về tình thế, còn về chuyên môn, thì bất kỳ HLV nào cũng sẽ đặt trọng tâm vào trận đấu với U22 Malaysia. Đây là trận đấu không được phép thua, thậm chí là phải thắng bằng mọi giá. Lịch thi đấu của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 vừa dễ mà vừa khó. Chúng ta có 2 trận đấu đầu tiên trước các đối thủ yếu nhất bảng, nhưng sau đó, trong trường hợp vào đến chung kết, thì phải đá liên tiếp 4 trận trước các đối thủ mạnh chỉ trong khoảng thời gian 9 ngày. Như vậy, trận đấu quan trọng nhất của toàn bộ chiến dịch bảo vệ HCV chính là cuộc đối đầu với U22 Malaysia.
Vấn đề nằm ở chỗ HLV Troussier có tính toán đến điều này hay không, vì nó liên quan đến yếu tố cực quan trọng đó là chọn điểm rơi phong độ. Về lý thuyết, xem cái cách mà U22 đá từ lúc tập huấn ở Bà Rịa Vũng Tàu đến nay thì mọi thứ đang tiến triển theo lộ trình từ thả lỏng đến tập trung, rời rạc đến chặc chẽ, chưa ổn đến… dần ổn.
Lợi thế của U22 Việt Nam là có nhiều hơn 2 ngày nghỉ so với U22 Malaysia vừa bị Thái Lan "dạy" cho bài học về tính hiệu quả trong thi đấu. Nhưng chính thất bại trước Thái Lan đang giúp cho U22 Malaysia nhiều hơn với U22 Việt Nam. Họ cũng chỉ cần đánh bại U22 Việt Nam là có hơn nửa tấm vé vào bán kết khi chỉ gặp U22 Singapore ở trận cuối. Thậm chí một kết quả hòa cũng chưa làm tắt cơ hội của họ, nếu U22 Việt Nam để thua Thái Lan sau đó.
Với cách tính toán đó, sẽ không ngạc nhiên nếu U22 Malaysia tổ chức một thế trận chặt chẽ, thực dụng, đẩy U22 Việt Nam vào một cuộc đấu thể lực bằng việc pressing trên mọi khu vực sân. Đây chắc chắn không phải là điểm mạnh của các học trò HLV Troussier, bởi ngay khi đá với U22 Lào, chúng ta vẫn có thể bị đối thủ pressing đến mất thế trận.
Điều này buộc HLV Troussier phải tính toán đến việc tìm cách giải quyết trận đấu ngay từ hiệp một, thời điểm mà chúng ta có thể tận dụng tốt lợi thế nghỉ dài ngày và những miếng phối hợp nhanh sở trường. Bộ đôi Văn Khang và Quốc Việt có thể là lựa chọn để gia tăng sức ép ở 1/3 sân đối phương, buộc đội hình U22 Malaysia phải lùi thấp.
Các trung vệ của U22 Malaysia không giỏi xoay trở trong không gian hẹp, họ bị các tiền đạo Thái Lan vượt qua khá đơn giản, và đây chính là lý do mà U22 Việt Nam cần thêm người có khả năng tạo đột biến hòng có bàn thắng để sau đó chơi phòng thủ, phản công khi đối phương dâng cao trong phần còn lại của trận đấu.
Trong 2 trận đầu tiên, dù chưa thể hiện được nhiều điểm mạnh, nhưng về cơ bản là U22 Việt Nam không còn xa lạ với việc ghi bàn. Những bàn thắng của 2 tiền đạo Văn Tùng, Quốc Việt đều cho thấy được độ bén nhạy về tình huống. Vấn đề duy nhất của U22 Việt Nam là số cơ hội nguy hiểm còn ít so với thời lượng kiểm soát bóng mà chúng ta tạo ra. Nếu tạo được sức ép liên tục, khả năng U22 Việt Nam ghi được 1 bàn trong hiệp một và duy trì lợi thế này đến cuối trận sẽ rất cao.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất