Không phải chuyện đùa!

02/07/2012 08:31 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH)- Đá 4 trận, thua 3, chỉ thắng được duy nhất Philippines, ĐT U22 VN do HLV Lư Đình Tuấn dẫn dắt ở vòng loại giải U22 châu Á 2013 đã gây thất vọng nặng nề, và kết quả này xứng đáng dóng lên một hồi chuông báo động cho bóng đá nước nhà.

Thực ra, nếu điểm lại hành trình của ĐT U23 VN ở 2 kỳ SEA Games gần nhất là SEA Games 25 năm 2009 và SEA Games 26 năm 2011, thì sẽ không quá ngạc nhiên vì thành tích nghèo nàn của ĐT U22 VN ở vòng loại U22 châu Á hiện tại, bởi nguyên nhân đơn giản là bóng đá trẻ VN đã và đang có dấu hiệu đi xuống một cách có hệ thống. Cách đây hơn 3 năm, dù được coi là ông thầy ngoại am hiểu sâu sắc về bóng đá VN và mát tay bậc nhất thì HLV Henrique Calisto cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian với ĐT U23 VN mới có thể mang tới Lào một đội hình tương đối, nhưng vẫn không đủ tốt để vượt qua Malaysia trong trận đấu cuối cùng.

Còn tấn bi kịch của HLV Falko Goetz với ĐT U23 VN ở SEA Games 26 năm ngoái lại được quy trách nhiệm chủ yếu cho năng lực hạn chế của ông thầy, chứ ít người nghĩ rằng chất lượng chuyên môn của ĐT U23 VN ở Indonesia cũng là một phần nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất bại của chúng ta. Và tới khi VFF công bố danh sách sơ bộ ĐT U22 VN chuẩn bị cho vòng loại U22 châu Á thì những tiếng thở dài ngao ngán một lần nữa lại xuất hiện.

Lí do là bởi trong số 30 cái tên được VFF triệu tập, số cầu thủ khẳng định được chỗ đứng ở V-League chỉ đếm được trên một bàn tay (Bửu Ngọc, Văn Quyết, Thanh Hào, Hoàng Thịnh, Quốc Phương), còn phần lớn đều đến từ giải hạng Nhất hoặc là chuyên gia mài mòn ghế dự bị tại V-League. Với thành phần cầu thủ như thế, chẳng ai ngạc nhiên khi ở vòng loại U22 châu Á ĐT U23 VN để thua cả U22 Đài Loan (Trung Quốc) và thất bại trước những đối thủ Đông Nam Á được xem là ngang cơ như Myanmar hay Malaysia.



HLV Lư Đình Tuấn có một phần trách nhiệm trong thất bại của đội U22 VN

Đấy còn chưa kể tới việc trong hơn 3 năm qua, ĐT U23 và ĐT U22 VN đã trải qua 3 đời HLV trưởng khác nhau, và dám chắc với màn trình diễn thất vọng ở vòng loại U22 châu Á này, ông Lư Đình Tuấn gần như chắc chắn sẽ phải chia tay chiếc ghế HLV trưởng. Như thế, sự kế thừa và tính tiếp nối về mặt lối chơi của ĐT U22 VN hiện nay gần như là không có, và nếu nhớ lại rằng ĐT U22 VN bây giờ chủ yếu gồm các cầu thủ ĐT U19 VN do HLV Triệu Quang Hà dẫn dắt trước đây thì có thể nói ĐT U23 và ĐT U22 VN đã có tới 4 HLV trưởng khác nhau trong vòng gần 4 năm qua.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng và chủ yếu nhất vẫn chính là việc các CLB ở V-League và giải hạng Nhất vì chạy theo thành tích mà lơ là công tác đào tạo trẻ nên xuất hiện tình trạng “nhân tài như sao buổi sớm”, “tre già” mà “măng chưa mọc”. Sự xuất hiện một cách vô tội vạ và không thể kiểm soát của các ngoại binh và ngoại binh nhập tịch trên sân cỏ VN đã khiến cơ hội ra sân của các tài năng trẻ nội địa ngày càng bị co hẹp, và có vẻ như bây giờ chúng ta đang bắt đầu phải trả giá vì cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” ấy.

Giải VĐQG Malaysia và Myanmar chẳng có mấy tên tuổi ở Đông Nam Á, nhưng ở vòng loại U22 châu Á, ĐT U22 Malaysia và ĐT U22 Myanmar đều chơi rất tốt và đang tràn đầy cơ hội giành vé thứ 2 của bảng G vào VCK U22 châu Á 2013, còn ĐT U22 VN đến từ giải VĐQG hàng đầu Đông Nam Á như V-League lại đang đứng gần bét bảng và chỉ hơn mỗi Philippines chưa thắng được trận nào sau 4 lần ra sân.

Thế thì đã đến lúc dóng chuông báo động chưa?

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm