11/04/2023 15:26 GMT+7 | SEA Games 32
Mười hai năm trước cũng ở đấu trường SEA Games, U23 Malaysia chơi thăng hoa dù nằm ở bảng "tử thần" để rồi đoạt chức vô địch đầy thuyết phục. Ngược lại, đó lại là giải đấu vô cùng đáng quên với U23 Việt Nam.
Quan điểm "lạ" của Chủ tịch LĐBĐ Malaysia và ký ức đáng quên với bóng đá Việt Nam
Tại SEA Games 32, U22 Malaysia rơi vào bảng "tử thần" cùng U22 Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Lào trong khi bảng A gồm Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Timor Leste. Theo nhiều phương tiện truyền thông Malaysia thì đội bóng nước này có thể sẽ "lâm nguy", đối diện nguy cơ bị loại từ vòng bảng do phải cạnh tranh với 2 ứng viên hàng đầu cho tấm HCV là U22 Việt Nam và Thái Lan.
Thế nhưng, khác với suy nghĩ của số đông, chủ tịch LĐBĐ Malaysia (FAM) Datuk Hamidin Mohd Amin lại đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược. Người đứng đầu nền bóng đá Malaysia cho rằng đội nhà đã nằm ở bảng đấu "tốt nhất" và có nhiều cơ sở để lặp lại chiến tích năm 2011 khi họ giành HCV tại SEA Games 26 dù nằm ở một bảng đấu khó cùng Thái Lan và Indonesia.
Theo vị chủ tịch của FAM, U22 Malaysia không hề sợ hãi khi đối mặt với U22 Việt Nam và Thái Lan ở vòng bảng SEA Games 32 mà đây lại chính là một lợi thế bởi sức mạnh của U22 Malaysia sẽ được thử thách ngay từ đầu.
"Tôi đã nhắc nhở các cầu thủ và Elavarasan (HLV trưởng đội U22 Malaysia) rằng chúng ta sẽ đấu với Thái Lan và Việt Nam từ vòng bảng nên chúng tôi sẽ dễ để hoạch định chiến thuật. Điều này cũng từng xảy ra ở kỳ SEA Games 26 năm 2011. Lúc đó Malaysia cũng ở bảng đấu cùng 2 ứng viên là Thái Lan và Indonesia.
Tôi nghĩ lần này có thể có lợi cho chúng tôi vì chúng tôi sẽ đối đầu các đội mạnh ngay từ vòng bảng. Sư tập trung, tránh chấn thương và quyết tâm của các cầu thủ là rất quan trọng. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là vào chung kết và giành chức vô địch.
Nhiều người nói rằng bảng B ở SEA Games 32 là bảng tử thần nhưng với bản thân tôi thì không. Tôi đã nói với HLV của chúng tôi, Elavarasan, đây là bảng đấu tốt nhất" – ông Datuk Hamidin Mohd Amin phân tích.
Kỳ SEA Games 26 năm 2011 (với độ tuổi U23 thay vì U22) là giải đấu đáng nhớ bậc nhất với bóng đá Malaysia đồng thời cũng là "ác mộng" với các CĐV bóng đá Việt Nam. Tại giải năm đó, Malaysia nằm cùng bảng A với Thái Lan, Indonesia, Singapore và Campuchia trong khi Việt Nam đứng bảng B cùng Myanmar, Philippines, Lào, Timor Leste và Brunei. Xét về mặt lý thuyết, tất nhiên bảng A khốc liệt hơn rất nhiều so với bảng B.
Bất ngờ lớn đã xảy ra ở bảng A. Malaysia đi tiếp với ngôi đầu bảng nhờ 3 trận thắng và 1 hòa (trong đó có trận thắng Thái Lan 2-1 và thắng Indonesia 1-0). Đội nối gót Malaysia giành vé đi tiếp vào bán kết là Indonesia còn Thái Lan rốt cuộc bị loại ngay từ vòng bảng.
Indonesia đã đi tiếp với 3 trận thắng và 1 thua trong khi Thái Lan gây sốc với việc chỉ thắng 1 trận nhưng thua tới 3, chỉ có 3 điểm, xếp thứ 4 ở bảng đấu, dưới cả Singapore.
Trong khi đó ở bảng B, U23 Việt Nam và Myanmar là hai đội đi tiếp vào bán kết. Tuy nhiên, các vòng đấu mang tính knock-out mới chứng kiến "cơn ác mộng" đối U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của cựu HLV người Đức - Falko Goetz.
Tại vòng bán kết, U23 Việt Nam thi đấu với phong độ kém cỏi và để thua tâm phục khẩu phục trước chủ nhà Indonesia với tỷ số 0-2. Ngược lại thì Malaysia đã loại Myanmar với tỷ số 1-0. Với kết quả này, U23 Việt Nam tan mộng vào chung kết, chấm dứt giấc mơ lần đầu giành HCV bóng đá nam SEA Games.
Đến trận tranh huy chương đồng, "ác mộng" tiếp tục ập đến với thầy trò HLV Falko Goetz. Với việc chịu ảnh hưởng tâm lý, U23 Việt Nam "vỡ trận" và để thua Myanmar tới 1-4.
Sau khi chịu những thất bại đáng thất vọng ở kỳ SEA Games 2011, HLV Falko Goetz và cả đại diện của VFF đã phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ. Nhà cầm quân người Đức vấp phải làn sóng chỉ trích vô cùng gay gắt từ phía người hâm mộ.
Thất bại cũ và mối lo mới
Năm 2011, VFF và HLV Falko Goetz từng phải tiến hành họp để mổ xẻ lý do thất bại ở SEA Games 26. Trong báo cáo của cuộc họp có chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc các cầu thủ không thích ứng với lối chơi ông Falko Goetz xây dựng là vì… V.League, khi ngoại binh đảm trách các vị trí chủ chốt ở các CLB còn cầu thủ trẻ không có cơ hội để trưởng thành.
Ông Goetz bị cho là bỏ sở trường dùng sở đoản khi chọn lối chơi cho U23 Việt Nam. U23 Việt Nam dưới tay ông Goetz chơi với sơ đồ 4-4-2 thiên về tấn công biên và bóng dài. Điều này bị giới chuyên môn cho là chọn lựa sai lầm bởi U23 Việt Nam không thể hiệu quả với cách đá này. Tuy nhiên ở cuộc họp với VFF, ông Goetz đã phủ nhận điều này.
Ông Goetz nói rằng lối chơi mà ông xây dựng là thứ bóng đá kỹ thuật bằng những đường chuyền ngắn. Lối đá này được ông sử dụng cho U23 Việt Nam ở một số trận giao hữu trước thềm SEA Games 2011.
Tuy nhiên khi bước vào các trận quyết định tại SEA Games gặp Indonesia ở bán kết hay Myanmar ở trận tranh HCĐ, U23 Việt Nam buộc phải chơi bóng dài bởi đối phương quá mạnh mẽ với cách áp sát, tranh chấp quyết liệt. Cũng theo nhà cầm quân người Đức, việc các chân sút nội không có chỗ đứng ở V.League là nguyên nhân khiến ông không thể tìm được một tiền đạo tốt cho U23 Việt Nam tại SEA Games 26.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy dường như đang có một sự tương đồng nhất định giữa U23 Việt Nam thời ông Goetz với U22 Việt Nam thời điểm hiện tại của HLV đồng hương Philippe Troussier.
12 năm trước, báo cáo mổ xẻ có đặt ra lý do cầu thủ trẻ không có cơ hội để trưởng thành do ít được chơi tại V.League – giải đấu thời điểm đó phụ thuộc rất lớn vào các ngoại binh. Đây cũng chính là mối lo làm HLV Troussier đang phải đau đầu, bởi lứa cầu thủ hiện tại cũng rất hạn chế về kinh nghiệm thi đấu tại giải VĐQG.
Cách đây không lâu sau thất bại ở giải giao hữu Doha Cup, chính ông Troussier cũng lên tiếng kêu gọi các CLB ở V.League nên tạo nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, vấn đề này rõ ràng cần thêm rất nhiều thời gian chứ không thể một sớm một chiều.
Ngoài yếu tố kinh nghiệm chinh chiến thì vấn đề thứ hai nằm ở dấu ấn chiến thuật và lối chơi. Giống như quan điểm của ông Goetz năm xưa thì HLV Troussier cũng muốn xây dựng U22 Việt Nam lối đá tấn công áp đặt thay vì sở trường phòng ngự phản công như thời HLV tiền nhiệm Park Hang-seo.
Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách chơi rõ ràng không phải là điều đơn giản và có thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn. Năm xưa, ông Goetz và học trò từng thất bại với quỹ thời gian khoảng 2 tháng chuẩn bị cho SEA Games. Bây giờ, thầy trò HLV Troussier cũng đối diện mối lo tương tự, do ông Troussier thực tế cũng chỉ mới dẫn U22 Việt Nam được ít tháng.
SEA Games 32 đã cận kề và U22 Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm cần hoàn thiện. Giải Doha Cup vừa qua đã phơi bày những vấn đề của toàn đội và nếu nhìn lại thất bại của người đồng hương Goetz cách đây hơn 1 thập kỷ, HLV Troussier sẽ càng có thêm lý do để phải thận trọng.
Rõ ràng, không phải một sớm một chiều để các cầu thủ trẻ có bản lĩnh thi đấu và thay đổi thói quen chơi bóng. Nếu không thể tìm lời giải cho những bài toán khó, chỉ e tại SEA Games sắp tới, thầy trò HLV Troussier sẽ "lành ít dữ nhiều".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất