08/09/2019 20:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cú đúp bàn thắng của tiền đạo thuộc biên chế B.Bình Dương, Nguyễn Tiến Linh, đã giúp U22 Việt Nam giành chiến thắng 2 - 0 trước U22 Trung Quốc, ngay tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Kết quả bóng đá giao hữu quốc tế:
* U22 Việt Nam 2-0 U22 Trung Quốc
Xem lại trận đấu tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=H8iyoKl9HuQ
* Xem video clip bàn thắng U22 Việt Nam 2-0 U22 Trung Quốc TẠI ĐÂY
Đó đều là những tình huống kết thúc cận thành, sau những pha di chuyển không bóng và chiếm lĩnh không gian hợp lý của Tiến Linh, từ các đường chuyền của người đồng đội Hồ Tấn Tài. Tiến Linh và Tấn Tài cho thấy sự ăn ý đến đâu, khi cùng chơi cho CLB B.Bình Dương và lúc này là U22 Việt Nam.
V-League 2018, tiền đạo trẻ Tiến Linh tưởng như đã thoát khỏi cái bóng của đàn anh Nguyễn Anh Đức, khi đội bóng đất Thủ còn được dẫn dắt bởi HLV Trần Minh Chiến. Tiến Linh khi ấy đã được trao cơ hội và ghi hơn chục bàn thắng, bằng kỹ năng sát bóng rất đặc biệt và cả khả năng đánh hơi bàn thắng trong khu vực cấm địa.
Một trong những điểm yếu (duy nhất) của tiền đạo này, theo chia sẻ của HLV Trần Minh Chiến và các đồng đội của anh, là khả năng tranh chấp tay đôi. Nhưng không sao cả, điều này đã và đang được cải thiện, bằng với thời gian và sự trưởng thành. Hơn nữa, tiền đạo "thở" bằng bàn thắng, chứ không phải màu mè, hoa lá cành.
Với Tiến Linh, HLV Park Hang Seo đã và đang có trong tay vũ khí hạng nặng. Nhưng một đội bóng vận hành, không chỉ phụ thuộc vào một vài cá nhân. Xem U22 Việt Nam đá với U22 Trung Quốc hôm qua, mới thấy những chuẩn bị hết sức nghiêm túc và kỹ lưỡng của thuyền trưởng người Hàn và cộng sự, khi gặp lại tiền bối Guus Hiddink ở bên kia chiến tuyến.
Trên sân Vũ Hán, đội tuyển U22 Việt Nam chơi rất đĩnh đạc, kiểm soát và không lỗi nhịp, trong tấn công lẫn phòng ngự. U22 Trung Quốc dù được đánh giá cao hơn, nhưng đã không thể làm khó được chúng ta và phải đến hiệp 2, họ mới có những pha phối hợp có nét và những cú dứt điểm cầu môn đầu tiên. Tất nhiên, U22 Trung Quốc nói riêng và nền bóng đá đất nước này nói chung, vốn dĩ vẫn được ví như "con ngáo ộp", tức là chỉ có tiếng mà không có miếng.
Bóng đá Trung Quốc đã từng thực hiện rất nhiều chiến lược kiểu "di tắt đón đầu" và không mấy thành công, giờ họ bắt đầu làm lại bằng chiến lược gia lão luyện Guus Hiddink, từ cấp độ đội tuyển trẻ. Tuy nhiên, tham vọng dấn sâu tại VCK U23 châu Á 2020, qua đó giành suất dự Olympic mùa Hè diễn ra cùng năm, với lứa này là không mấy khỏa quan. Trong 6 trận giao hữu quốc tế gần nhất, bao gồm cả trận đấu với U22 Việt Nam, đội bóng dưới quyền HLV Guus Hiddink thua và hòa nhiều hơn thắng.
Bóng đá Trung Quốc trong khoảng 15 năm qua, sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm phân xưởng đào tạo trẻ quy mô lớn bậc nhất thế giới, nhưng vẫn không thể sản sinh ra các thế hệ cầu thủ tài năng. Nó liên quan đến vấn đề nòi giống, gọi là "gen đá bóng", mà dân tộc này không có. Cũng như giải Nhà nghề Trung Quốc ngốn hàng tỷ USD hàng năm, song vẫn chưa được xem là giải đấu hàng đầu châu lục, dù không thiếu các ngôi sao đẳng cấp thế giới tề tựu về. Nó thuộc về vấn đề chiến lược làm bóng đá. Tại châu Á, J-League 1 và K-League 1 vẫn được xem là các ngọn cờ đầu, và đương nhiên cả 2 nền bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc, bên cạnh Iran, vẫn là những đội tuyển hàng đầu.
Trở lại với đội tuyển U22 Việt Nam. Chúng ta đã có một trận đấu tốt và ở đó, người hâm mộ nhìn thấy được những kỳ vọng. Trước là chiến dịch đổi màu huy chương môn bóng đá nam SEA Games 2019, kế đến là mục tiêu bảo vệ ngôi á quân tại VCK U23 châu À 2020, và cao hơn, tất nhiên rồi, là chiếc vé dự Olympic mùa Hè 2020. Với Park Hang Seo, không có gì là không thể!
TÙY PHONG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất