28/10/2019 14:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 13 năm, giải bóng đá U21 báo Thanh Niên mới “trở về” Đà Nẵng. Lần này là sân chơi quốc tế với đội U21 Việt Nam tuyển chọn cùng 3 vị khách mời nước ngoài FK Sarajevo (Bosnia&Herzegovina), Sinh viên Nhật Bản, Đại học Hanyang (Hàn Quốc).
Phố biển Đà Nẵng quá lâu rồi mới lại tổ chức một giải đấu bóng đá trẻ đã khẳng định được tiếng vang lâu nay như giải U21. Khán giả Đà thành háo hức vì lẽ đã nhiều năm thiếu vắng sân chơi bóng đá đỉnh cao.
U21 quốc gia báo Thanh Niên đã vắt qua 23 lần tổ chức còn giải quốc tế bây giờ lên tuổi 13. Đà Nẵng với U21 là nhiều dấu ấn sâu đậm để lại cho những ai đã từng theo ngày hội bóng đá trẻ trong những năm đầu khởi thủy. Nhiệt thành, sôi nổi và đón nhận đông đầy là hình ảnh mà khán giả phố biển đã để lại. Nơi đây không chỉ nhận liên tiếp 3 giải U21 trong những năm đầu được tổ chức (1999, 2001 và 2002), mà ký ức lưu giữ còn đong đầy trong tâm bão Xangsane khi Đà Nẵng đăng cai giải U21 năm 2006.
Đã từng có thời gian dài, liên tiếp các giải đấu cấp độ trẻ quốc gia đều chọn Chi Lăng là nơi tổ chức cũng như để lại thành công. Bẵng đi mấy năm, không khí bóng đá ở Đà thành không còn nồng ấm khi thành tích của bóng đá địa phương đi xuống, trong lúc vắng bóng các giải đấu cấp quốc gia ở Đà Nẵng.
Không chỉ mong muốn có được những ngày hội như thế, người xem ở đây còn mong mỏi một ngày được chứng kiến ĐTQG về đây tập huấn hay thi đấu như hằng mong. Đó là những ước mơ có thật và đau đáu của người dân không chỉ Đà Nẵng mà còn cả dải đất miền Trung.
Nhớ lại, Đà Nẵng - Chi Lăng gần tròn 20 năm trước, đã có một giải đấu để lại dư vị ngọt ngào cho người hâm mộ mãi về sau này. Đó là VCK U16 châu Á năm 2000. Mới đó mà nhanh, mới đó mà mọi thứ đã là “ký ức vui vẻ”.
Chiến thắng trước U16 Trung Quốc đã bắt đầu thời điểm định danh lứa cầu thủ xuất sắc sau này. Nguyễn Lâm Tấn, Nguyễn Ánh Cường. Phạm Minh Đức, Phan Như Thuật cùng Phạm Văn Quyến là lứa trẻ ngày đó.
Tên tuổi và khởi nguồn của họ cũng bắt đầu từ thánh địa Chi Lăng gần 20 năm trước. Chỉ tiếc, sau này với những biến cố khác nhau, con đường chơi bóng của họ cũng nhiều trắc trở khác nhau.
Năm 2006 ở Đà Nẵng là thời điểm mà U21 Thái Lan sang Đà Nẵng thi đấu giao hữu chỉ 1 ngày sau khi VCK U21 quốc gia kết thúc. Trận đấu này không chỉ là cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ va chạm với các đội quốc tế để có thêm những rèn giũa.
Ở đó, ghi nhận sự đón nhận và tình yêu cuồng nhiệt của người Đà Nẵng với bóng đá trẻ dù đang ở cảnh “tơi bời” với những hậu quả sau bão Xangsane. Trận giao hữu bóng đá trẻ Việt Nam- Thái Lan năm đó chính là khởi nguồn cho việc chỉ 1 năm sau, những nhà tổ chức cho ra đời giải bóng đá U21 quốc tế báo Thanh Niên tại Khánh Hòa.
Vài ngày nữa, giải U21 quốc tế tuổi 13 sẽ sống trong tình yêu của khán giả Đà Nẵng ở chính nơi khơi nguồn của giải đấu này. Mấy hôm nay, đã thấy những nhà tổ chức, anh em cầu thủ HLV và đồng nghiệp báo chí từng trải qua giải đấu đi vào ký ức 13 năm trước ở Đà Nẵng trong tâm bão chia sẻ những kỷ niệm và câu chuyện đáng nhớ trong quãng thời gian làm nghề của tất cả.
Sân Chi Lăng bây giờ cũng đã là quá vãng, giải đấu năm nay sẽ về Hòa Xuân sân mới. Có thể mọi thứ đã biến thiên qua năm tháng, có thể mọi thứ đã thay đổi nhanh như cuộc đời “bãi biển nương dâu” nhưng nhu cầu hay cao hơn là tình yêu với bóng đá của phố biển Đà Nẵng vẫn muôn đời như thế.
U21 quốc tế tuổi 13 về lại Đà Nẵng sau 13 năm chờ đợi. Có những thứ đã là ký ức, còn với bóng đá trẻ nước nhà “bình minh” vẫn đang lên
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất