Toàn cảnh V-League 2015: Chờ 'gói kích cầu' U19

01/01/2015 06:26 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đến tận sát ngày khai mạc giải đấu cao nhất xứ sở, tên nhà tài trợ chính thức mới được công bố. Đó có lẽ là… nét mới nhất ở mùa giải 2015, sau 3 năm gắn bó với Eximbank. Việc hạn chế đăng ký và sử dụng ngoại binh (tối đa 2 cầu thủ người nước ngoài và 1 ngoại binh nhập tịch/CLB), cũng là một nét chấm phá, gây nhiều tranh cãi khác…

Nói chung, không nhiều kỳ vọng rằng chất lượng giải đấu sẽ được cải thiện, nhưng, bất luận thế nào, trái bóng V-League 2015 sẽ vẫn lăn vào ngày 4/1 tới và kéo dài đến hơn 9 tháng, một kỷ lục khác của giải đấu chỉ có 14 đội tham dự.

Chuyện riêng của B.Bình Dương và bầu Hiển

V.Ninh Bình sẽ tiếp tục không tham dự V-League 2015 và nhiều khả năng giải thể luôn, nhưng Ban tổ chức (BTC) đã rất nhanh nhảu, đôn lên đến 2,5 suất chơi, để làm tròn con số 14. Sau trận “play-off” giữa XSKT.Cần Thơ và HV.An Giang, một trong những lần hiếm hoi, V-League chào đón đến 3 tân binh từ giải hạng Nhất là XSKT.Cần Thơ, S.Khánh Hoà và Đồng Tháp. Do HV.An Giang đã chính thức giải thể, nên giải hạng Nhất 2015 vẫn chỉ có 8 đội tham dự.

Câu hỏi (cũ) đặt ra là, tại sao tình trạng “đầu to, đuôi teo” vẫn tiếp tục diễn ra, khi số lượng CLB ở V-League gần gấp đôi số lượng các đội bóng chơi giải hạng Nhất?! Chỉ tính riêng sự phát triển tự nhiên của giải đấu đã không khoa học, khi tính cạnh tranh bị giảm thiểu đáng kể. Một nền bóng đá mà các giải hạng thấp lại thiếu hụt trầm trọng (ít nhất về số lượng đội), khó thể kỳ vọng vào sự phát triển bền vững được.



B.Bình Dương sẽ vấp phải nhiều sự cạnh tranh trên hành trình bảo vệ chức vô địch.Ảnh: Quang Nhựt

 Nhưng, nói theo người trong cuộc, thì cơ chế nó thế, không thể khác được.

Trên thực tế, Công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (PVF) đã nhiều lần đề xuất lên VFF, xin giảm số lượng đội ở V-League 1, để duy trì sự ổn định, nhưng đều bị phủ quyết. Phải đông mới vui, và vui mới là ngày hội, mà hội được tổ chức là để kiếm tiền, chứ chưa chắc để phục vụ nhu cầu giải trí.

Những chế tài về tài chính (35 tỷ đồng/CLB/mùa giải V-League) cũng thiếu tính khả thi và vì thế, nguy cơ có đội bóng bỏ giải luôn rập rình.
V-League 2015 sẽ khởi đi, với nhiều ánh mắt nghi kỵ hướng về phía tân binh Đồng Tháp. Sau khi bị “rút ống thở”, cuối cùng, với sự nỗ lực từ nhiều phía, bóng đá xứ bưng biền cũng đã được cứu.

Tuy nhiên, do tài chính eo hẹp, nên Đồng Tháp chỉ có thể “bán máu” cầm hơi, mà rất hạn chế mua vào. Nhiều bản hợp đồng về với sân Cao Lãnh, với mức lương bèo bọt và thậm chí không có tiền phí lót tay. Không khó để nhận diện ứng viên xuống hạng, khi trái bóng còn chưa lăn.

Cùng với Đồng Tháp, một tân binh khác là S.Khánh Hoà BVN cũng không thể săn lùng được các bản hợp đồng đắt giá, phần vì thiếu tiền, hai là thiếu kinh nghiệm. Vài tuần trước, đội bóng phố biển thậm chí còn khiến BTC đau đầu, khi chưa xác định được sẽ chọn sân 19/8 (Nha Trang) hay sân Thống Nhất (TP.HCM) làm sân nhà.

Nó liên quan đến việc sắp lịch thi đấu, cũng như các kế hoạch di chuyển của 13 đối thủ còn lại. Cuối cùng, S.Khánh Hoà cũng đạt được thoả thuận với lãnh đạo tỉnh.

Sự phân cấp giàu nghèo, đồng nghĩa với năng lực chinh phục của các đội bóng ngày càng trở nên lớn hơn và giới am tường cho rằng, V-League 2015 vẫn chỉ là cuộc chơi riêng của B.Bình Dương với gia đình nhà bầu Hiển. Trong khi đất Thủ vẫn rất tích cực mua vào, như một cách hút hết tinh lực của các đối thủ cạnh tranh, thì Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự ổn định, bằng những con người cũ, cùng một số khác được đôn lên từ tuyến trẻ. Hai cách làm, một đích hướng tới!

Kỳ vọng “gói kích cầu” U19

Nói gì thì nói, V-League 2015 còn ít nhất một điểm mới và người ta kỳ vọng còn là điểm sáng, đấy là khi bầu Đức quyết định tung những Tuấn Anh, Công Phược, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Sơn…, lên chơi giải đấu cao nhất. Chưa biết Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) của ông bầu phố núi, với hơn phân nửa đội hình ở tuổi 19 – 20 sẽ chơi như thế nào, nhưng điều mà BTC kỳ vọng, đấy là khán giả sẽ tìm đến sân đông hơn, trong các trận đấu có lứa U19 Học viện.

Có thể họ, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, không còn độ tuổi U19 nữa và thực tế, họ đã chơi cho đội 1 HA.GL, nhưng chìa-khoá-tìm-kiếm trên các trạng mạng với cái tên U19 vẫn rất hữu dụng, khí nó được xây dựng như bộ nhận dạng thương hiệu cỡ lớn.



Sức hút từ các cầu thủ U19 sẽ khiến giải đấu trở nên hấp dẫn hơn.Ảnh: HA.GL

Hiệu ứng truyền thông và đám đông, chính là món lời lớn nhất của bầu Đức, trong chiến dịch kinh doanh bóng đá, mà U19 hẳn phải là gói kích cầu. BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, cũng được thơm lây.

Từ sân Thống Nhất, ra Mỹ Đình, rồi xuôi Cần Thơ, ở tất cả các cấp độ giải đấu, với đủ các tên gọi khác nhau, U19 Việt Nam nói chung và U19 Học viện HA.GL Arsenal JMG nói riêng, đã tạo hiệu ứng tốt như thế nào, chắc không cần phải nhắc lại. Tại những nơi tưởng chừng như tình yêu bóng đá đã nguội lạnh như TP.HCM và Cần Thơ, khán giả có thể phủ kín cả sân bóng sức chứa đến 40 ngàn người, để được xem Công Phượng nhảy múa với quả bóng. Tất nhiên, V-League là một phạm trù khác.

“Trong các trận đấu ở V-League, không gian chơi bóng sẽ bị hạn chế tối đa, do các đối thủ thường xuyên vây ráp. Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng là những cầu thủ tốt, nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng để họ phô diễn tài năng. Nhưng tôi nghĩ, trong hành trang phát triển của người trẻ, sự khốc liệt của cuộc chơi là điều cần thiết. Chúng tôi đang rất nóng lòng để “lên đài” với lứa cầu thủ tài năng này”, ý kiến của một cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội.T&T, không hẳn là sự thách thức.

Với một đội hình trẻ được làm mới gần như triệt để, chưa có kinh nghiệm chơi V-League, cùng một ông thầy cũng còn rất trẻ là Guillaume Graechen, HA.GL khó thể chen chân ngay được vào tốp có huy chương. Tuy nhiên, như đã nhắc, thành tích không phải là đích ngắm gần nhất của bầu Đức và rộng hơn của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG. “Guillaume Graechen và lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện được xuất xưởng, giống như quân tiên phong”, một ý kiến cho biết.

Theo đó, chỉ cần những Công Phượng, Tuấn Anh…, chơi được, tiếp tục tạo hiệu ứng tốt, bầu Đức cùng các đối tác như Arsenal và JMG toàn cầu, sẽ cùng hưởng lợi dựa trên cái tên miền Học viện. “Thế giới sẽ mọc thêm vài Học viện nữa và Arsenal JMG sẽ có cơ hội phát triển trở lại thời kỳ đỉnh cao như lò đào tạo đã từng sản sinh ra anh em nhà Yaya và Kolo Toure (JMG Bờ Biển Ngà). Đấy mới là mục tiêu của chúng tôi”, người của JMG toàn cầu chia sẻ trong đợt đến Pleiku mới đây.

Những điểm nhất của V-League 2015

* Dài nhất trong lịch sử:

Do có kỳ nghỉ Tết âm lịch dài gần 2 tháng nên giải V-League 2015 sẽ là giải đấu dài nhất lịch sử khi nó kéo dài từ ngày 4/1/2015 đến ngày 20/09/2015.

* Cân bằng giữa 3 miền:

V-League 2015 có sự cân bằng khá thú vị về số đội tham dự của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Phía Bắc ít nhất với 3 đội là: Hà Nội T&T, Hải Phòng, Than Quảng Ninh.

Đông nhất là miền Trung với: SLNA, SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, HAGL, Sanna Khánh Hòa và QNK Quảng Nam. Và phía Nam có 5 đội: B.Bình Dương, Đồng Nai, XSKT. Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Tâm Long An.

* Giảm ngoại binh và cầu thủ nhập tịch:

Ngoại trừ 2 đội dự AFC Champions League là B. Bình Dương và Hà Nội T&T được sử dụng 4 ngoại binh, trong đó có 1 cầu thủ châu Á (bao gồm cả quốc tịch Australia).

Những CLB còn lại được đăng ký tối đa 2 cầu thủ (gồm một cầu thủ châu Á, bao gồm cả Australia). Trong 1 trận đấu, có tối đa 2 ngoại binh được đăng ký và cùng thi đấu trên sân. Mỗi CLB cũng sẽ chỉ được đăng ký duy nhất 1 cầu thủ nhập tịch trong cả mùa giải.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm