10/01/2014 09:30 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn có thể tin U19 Việt Nam là tương lai của BĐVN ngay cả khi đội bóng trẻ này thua với tỉ số 0-7 trước U19 Nhật Bản và có thể thua tiếp trận thứ ba, nếu họ có hướng đi đúng.
Một thế trận áp đảo trước Roma
Nếu không nhầm, giải đấu gồm bốn đội bóng U19 đang diễn ra ở sân Thống Nhất đánh dấu một chặng đường gần hai thập kỷ bóng đá Việt Nam mời các đội bóng nổi tiếng thế giới tới thi đấu ở các cấp độ khác nhau.
Và cũng cần nói thêm rằng đây là giải đấu đầu tiên dù có các đội khách mời tên tuổi nhưng người ta muốn xem màn trình diễn của các cầu thủ chủ nhà là chính. Sự đền đáp quả không tồi. Trận đấu đầu tiên của U19 Việt Nam trước U19 Roma cũng là lần đầu tiên chúng ta được thấy một đội bóng Việt Nam dồn ép và đá ở thế cửa trên với đại diện ngang hàng của một nền bóng đá đẳng cấp hàng đầu.
Còn hai thập kỷ đã qua, các đội tuyển lớn rồi U23 VN đá với Porto B, Barca trẻ, Juventus là một tập thể vừa có người về hưu, vừa có lứa trẻ mới đôn lên... tất thảy đều lép vế, còn đối phương mới là những người phô diễn.
Thậm chí, trận đấu với Guingamp, một CLB hạng trung của Pháp năm 1998 trên sân Hàng Đẫy, người viết chưa quên cái cảnh tiền đạo đối phương cả ba lần trong vòng chục phút cài người hậu vệ Như Thuần, chích bóng bằng mũi giày hất ra sau rồi xoay người bứt tốc mà lần nào cũng thoát.
Trận đấu xem được nhất trong quãng thời gian dài này có lẽ chỉ là ĐTVN đang chuẩn bị cho AFF Cup 2008 đã chơi khá hay, không bị rơi vào thế con nít đá với người lớn khi tiếp Olympic Brazil (có Ronaldinho, Ramires, Diego) trên sân Mỹ Đình.
Còn trở lại với trận đấu của U19 Việt Nam với U19 Roma, đối phương đã không chủ động lùi, mà bị ép. Nếu ai đó am hiểu bóng đá Italy, chắc cũng không phản đối rằng truyền thống của Roma phải là tấn công. Bản thân HLV De Rossi đã thừa nhận họ không chủ động phòng ngự số đông và sâu từ đầu trận. Và người ghi bàn thứ hai của U19 Roma đã lột áo ăn mừng như thế vừa ghi bàn trong trận chung kết U20 TG.
45 phút đầu tiên của trận đấu ấy thực sự là một cuộc lột xác của bóng đá Việt Nam, thứ bóng đá các cầu thủ trẻ Việt Nam chơi không khác là mấy so với thứ bóng đá ở các giải trẻ đỉnh cao thế giới mà người hâm mộ Việt Nam thường chỉ thấy trên truyền hình: tốc độ, kỹ thuật, đầy cống hiến.
Và khi 45 phút sau đó, dù đối phương chủ động đá thấp hơn nữa theo đúng phong cách cẩn trọng của người Italy, sau khi dẫn bàn là đổ bê tông, và khi U19 Việt Nam đuối sức dần tới mức kiệt sức ở cuối trận, thì thế trận ấy vẫn tạo ra khá nhiều các cơ hội ăn bàn rõ rệt, và đối phương chỉ thực sự tin rằng họ thắng khi trọng tài kết thúc trận đấu.
Họ đã có yếu tố CẦN
Yếu tố tạo nên một thế trận tích cực, làm nên điều chưa từng có như thế là nền tảng kỹ thuật cá nhân xuất sắc được hiểu theo đúng quan niệm của bóng đá hiện đại.
Việc chạm bóng chuẩn xác giúp họ phối hợp với nhau ăn ý, không lỗi nhịp. Chúng ta không thấy các tiền vệ cánh hoặc hậu vệ cánh dâng lên rồi bị thả trôi, lỡ nhịp di chuyển do các tiền vệ phải mất nhiều nhịp mới khống chế bóng hoàn chỉnh. Hầu hết tất cả chỉ cần một nhịp là đã có thể giải quyết xong hai công đoạn, đỡ bóng và đưa bóng tới vị trí thuận lợi nhất để triển khai.
Cũng nhờ khả năng kiểm soát, xử lý bóng đầy kỹ thuật ấy mà họ có thể chơi bật tường một chạm trong khu vực với quy mô nhiều hơn hai cầu thủ qua nhiều nhịp liên tiếp, thay vì chỉ tới mắt xích thứ ba là hỏng như ở các đội bóng Việt Nam khác.
Nếu phải so sánh, họ chính là tập hợp các cầu thủ có kỹ thuật cá nhân cơ bản nhất của bóng đá Việt Nam trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây.
Hoặc có thể là tốt nhất theo suốt chiều dài lịch sử. HLV Vương Tiến Dũng, người thuộc lò Thể Công từ những năm 60, nơi đào tạo các thế hệ cầu thủ có kỹ thuật cơ bản vừa đồng đều, lại vừa có những cá nhân xuất chúng trên mặt bóng bóng đá Việt Nam thì nhận định đấy là thế hệ cầu thủ tài năng nhất trong lịch sử của BĐVN.
Ông Dũng chắc không quá lời. Năm 2004, người viết từng nghe hậu vệ Đức Thắng nói về kỹ thuật quan trọng nhất để một hậu vệ cánh khi tham gia tấn công là gì nếu không phải là cú tạt bóng bằng lòng trong một chạm. Nhưng Đức Thắng nói rằng cả sự nghiệp, anh rất ít khi làm được điều đó.
Nguyên nhân là vì chất lượng huấn luyện và cả hệ thống sân bãi rất xấu luôn bắt các cầu thủ phải kiểm soát bóng, và chỉnh bóng rồi mới ra chân.
Đức Thắng là một trong các nhân tố thuộc thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam mà điển hình là Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Thắng, Đỗ Khải và sau này có thêm Như Thuần, Việt Hoàng...
Thế hệ này, Hồng Sơn được tôn vinh là chuyên gia kỹ thuật (thậm chí đi thi tâng bóng với các ngôi sao thế giới), nhưng khi trên sân đấu thật, anh cũng chỉ hơi gần với đòi hỏi của một cầu thủ có kỹ thuật hiện đại nhờ cảm giác bóng và tài quan sát. Người như Huỳnh Đức, chơi trung phong, nhưng kỹ thuật cá nhân khá vụng, đỡ bóng nhịp một hiếm khi chuẩn, và thường phải mất ít nhất hai nhịp mới xử lý xong quả bóng. Hay Đặng Phương Nam, tiền đạo Thể Công nhưng trưởng thành từ Nam Định, nơi phải tới năm 2003 mới có hệ thống sân tập tốt, cũng có vài vấn đề về kỹ thuật, nên cú sút hay ăn bàn nhất của anh lại là ở tư thế gần như ngã, và các cú dứt điểm bóng sống phải dựa vào tình huống bóng nảy mô đất.
Nhưng cả khi sau này, sân bãi tiệm cận với tiêu chuẩn hơn, thì chúng ta cũng vẫn chưa được thấy những cú xử lý một chạm có ý đồ, chuẩn xác ở các hậu vệ cánh cũng như các cầu thủ ở các vị trí khác.
Sở dĩ lấy việc xử lý một (hoặc rất ít chạm) như thế như là cơ sở để phân định, bởi bóng đá hiện đại, kỹ thuật cá nhân không còn là việc đi bóng lắt léo, đánh gót, vê bóng gầm giày điệu nghệ. Barca, đội bóng chơi thứ bóng đá kỹ thuật, áp đặt thế trận bằng cách kiểm soát bóng và tấn công hàng đầu thế giới hiện nay cũng chỉ có hai cầu thủ có thể làm xiếc với bóng, là Messi và Iniesta. Iniesta thậm chí giờ đây còn bị HLV mới của Barca, ông Mata hạn chế việc rê dắt bóng khi buộc anh chơi xa vòng cấm địa so với trước kia để cân bằng công và thủ.
Và họ thiếu yếu tố ĐỦ
Đó không phải là thể lực thể hình dù cho sức bền và sức mạnh của các cầu thủ chưa đạt tới mức chuẩn mực. Việc đội bóng ấy phải giảm bớt khả năng gây sức ép trong hiệp hai trận đấu với U19 Roma cũng là điều chúng ta thường thấy trên truyền hình. Ngay cả các đội bóng châu Âu cũng hiếm khi đủ khả năng tấn công liên tục trong 90 phút. Họ chỉ gây sức ép được trong một hiệp hoặc 6-70 phút và phải nhường lại thế trận. Dortmund, đội bóng hàng đầu của Đức, một nền bóng đá hàng đầu châu Âu cũng thế. Cả hai trận đấu với Arsenal ở vòng bảng Champions League mới đây (một thắng, một thua) đều không thể duy trì cường độ pressing và tấn công cao trong suốt trận đấu, và cả hai lần thủng lưới của họ đều xảy ra ở những thời điểm chùng xuống.
Chỉ có điều thực sự đáng ngưỡng mộ từ Roma mà U19 Việt Nam phải học đó là nghệ thuật phòng ngự khu vực hợp lý để rồi chính họ, dù không cầm được nhiều bóng hơn, vẫn thừa sức mạnh trong các pha tăng tốc và chính xác khi ra chân dứt điểm.
Thế cho nên cái cần ở đây là tư duy chiến thuật - điều đã phần nào đó dẫn tới hai bàn thua trong trận đấu đầu tiên và hoàn toàn lép vế so với các cầu thủ U19 Nhật Bản có cùng phong cách chơi và vượt trội về tư duy chiến thuật ở trận thứ hai.
Có cảm giác là các cầu thủ U19 Việt Nam mà ở đây thực chất là HAGL mới chỉ được chú trọng đào tạo về kỹ năng tấn công chứ không chăm chút nhiều cho kỹ năng phòng ngự, từ việc tuyến tiền vệ cần phải hỗ trợ thế nào khi mất bóng (bàn thua đầu tiên trước U19 Roma), rồi khi chống đỡ trong thế 3 đánh 3 (bàn thua thứ hai, hai hậu vệ lao ra để chắn bóng trong khi chỉ còn một trung vệ giữ mặt khung thành trước hai tiền đạo đối phương chờ cắt mặt).
Khi mà các tiền vệ không hỗ trợ phòng ngự đầy đủ thì việc hàng tứ vệ chơi không có tư duy bọc lót bị xuyên phá bởi các cầu thủ tấn công của Nhật có tốc độ và kỹ thuật là đương nhiên.
Khi các cầu thủ lúc nào cũng chỉ chăm chăm lao lên phía trước, dồn toàn lực để tìm kiếm bàn thắng dù mới chỉ bị thủng lưới từ phút thứ nhất để nhận thêm sáu bàn thua cho thấy họ chưa được trang bị đầy đủ về kỷ luật chiến thuật.
Đến đây thì bài học rút ra không phải là việc người hâm mộ đừng nên vội khen ngợi (ca tụng chiến thắng là lẽ thường), các cầu thủ chớ vội tự mãn (họ chưa có biểu hiện đó), mà phải xác định lại bản chất của học viện HAGL Arsenal, cũng như trách nhiệm của một nền bóng đá.
Mục tiêu của Arsenal khi làm ăn với HAGL là đào tạo ra các cá nhân xuất sắc chứ không phải là để xây dựng nên một đội bóng hoàn chỉnh. Đó là lý do tại sao người ra lại đưa đến ông Guillaume Graechen - một chuyên gia huấn luyện đào tạo chứ không phải một chiến thuật gia. Và người viết tin rằng nếu như những người “canh ti” với bầu Đức trong thương vụ này chọn được ra dăm ba cầu thủ tấn công giỏi trong khi chẳng chấm được hậu vệ nào thì họ cũng không coi đó là một thất bại.
Thế nên, ý tưởng chỉ cần om lứa cầu thủ này rồi mang đi chinh phục những giấc mơ khu vực hay châu lục trong tương lai là điều viển vông.
Đào tạo trẻ của bóng đá hiện đại không thể tiếp tục duy trì khi các cầu thủ đã bước qua ngưỡng tuổi 21. Tức là chỉ còn hai năm nữa để các Công Phượng, Tuấn Anh... trở thành cầu thủ bình thường.
Hơn nữa, trên thế giới chưa từng có đội tuyển quốc gia dù ở cấp độ nào được xây dựng thành công bằng cách chỉ cho các cầu thủ tập chay và chơi giao hữu rồi mơ những giấc mơ lớn. Cũng chẳng có đội bóng nào tôi luyện bản lĩnh bằng cách đóng cửa bảo nhau và rút kinh nghiệm qua các trận đấu trên truyền hình.
Chúng ta hay nói đến việc học hỏi thế nên hãy hỏi các cầu thủ trẻ của Roma hay Tottenham là họ được tôi luyện qua các giải cúp tổ chức một năm một lần với vài trận đấu giống như Việt Nam hay họ thi đấu từ 20-30 trận/năm trong các giải league (các CLB đá vòng tròn). Và cũng hỏi là ở đấy có bao nhiêu lò đào tạo hay chỉ có một là chất lượng như ở Việt Nam?
Chỉ ái ngại là bàn tới đây, chúng ta rõ ràng sẽ phải luận về tài năng và tầm nhìn của những người khác cao hơn Công Phượng, Tuấn Anh rồi!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất