16/03/2023 06:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
Việc U17 HAGL bị loại ngay từ vòng bảng VCK U17 quốc gia – Cúp Thái Sơn Nam 2023 mà không để lại bất kỳ dấu ấn nào cho thấy hồi chuông báo động thực sự trong công tác đào tạo trẻ ở đội bóng phố Núi.
Ngày 14/3 vừa qua, lượt trận cuối cùng vòng bảng VCK U17 quốc gia 2023 đã khép lại. Lọt vào vòng tứ kết giải đấu ngoài những đội bóng quen thuộc như PVF, SLNA, Hà Nội, Viettel còn có những cái tên khá lạ lẫm như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Bình Phước.
Thất vọng nhất có lẽ là trường hợp của U17 HAGL, đội bóng phố Núi bị loại với vị trí bét bảng A, chỉ có được 1 điểm và ghi được 1 bàn thắng.
Nếu nhìn lại công tác đào tạo trẻ trong khoảng 5 năm qua tại HAGL thì có thể nói đây là kết cục tất yếu cho những gì đã xảy ra. Sở dĩ nói vậy bởi U17 HAGL hiện tại không có quá nhiều tài năng nổi bật được giới chuyên môn đánh giá cao.
Người được chú ý nhất bên phía đội bóng phố Núi là hậu vệ Đặng Quang Kiệt bởi chiều cao vượt trội lên tới 1m91. Tuy nhiên, cầu thủ "khổng lồ" này lại có cái chân "khá vụng". Quang Kiệt thậm chí còn thường xuyên không nằm trong đội hình thi đấu chính thức.
Một HLV đang làm công tác đào tạo trẻ từng bày tỏ cảm xúc khi nhìn U17 HAGL thi đấu: "Cầu thủ HAGL hiện tại đang chậm phát triển, không có cá tính đặc biệt nào".
Để lý giải sự "xuống cấp" của công tác đào tạo trẻ ở CLB HAGL thì có rất nhiều nguyên nhân. Điều đầu tiên đó là khoảng trống thế hệ sau những lứa cầu thủ tài năng. Đội bóng phố Núi rất khó để "vung tiền" cho các lò đào đào tạo vệ tinh nhằm tìm được "ngọc thô" trước các lò đào tạo trẻ khác.
Việc này khiến lượng cầu thủ chất lượng vào học viện ngày một ít đi, tạo ra khoảng trống sau các thế hệ nổi tiếng. Thậm chí, thời gian gần đây, HAGL chỉ có thể lấy được một số cầu thủ đã "lớn tuổi" về đào tạo từ chương trình tìm kiếm tài năng của Redbull. Những cầu thủ trẻ có mốc tuổi "vàng" để đào tạo rơi vào khoảng từ 11-13. Trong khi đó, tại HAGL, số này không nhiều và có những cầu thủ vào học viện khi đã 15 tuổi.
Một vấn đề khác của HAGL nằm ở sự hấp dẫn về danh tiếng đội bóng phố Núi. Sau những thông tin tranh cãi về hợp đồng của khoá 1 HAGL JMG trong nhiều năm gần đây, rất ít phụ huynh có thể tiếp tục đặt niềm tin vào đội bóng mà không biết bao giờ con em của họ có thể được ký hợp đồng chuyên nghiệp giống những đội bóng khác.
Tâm lý e ngại và sự dè dặt khiến nhiều gia đình không đưa con tới tham dự ngày hội tuyển sinh của CLB HAGL ở một số địa phương. Hệ quả từ những bản hợp đồng không rõ ngày kết thúc này đang khiến cho chính đại diện Tây Nguyên không còn là lựa chọn số 1 với nhiều tài năng trẻ bóng đá Việt Nam.
Nguyên nhân tiếp theo có lẽ đến từ sự lớn mạnh, cạnh tranh từ các đối thủ như Hà Nội, Viettel, PVF, SLNA… Các đội bóng này thậm chí chi hàng tỷ đồng mỗi năm để phát triển các "rễ cây" tới nhiều tỉnh thành, địa phương khác nhau nhằm "giữ chỗ" với các tài năng trẻ hàng đầu.
Khi một cầu thủ tiềm năng được phát hiện, những đội bóng đã chi tiền "giữ chỗ" này được địa phương đó ưu tiên giới thiệu với gia đình cầu thủ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, sự phát triển đồng bộ và thành tích ở giải trẻ đến đội 1 cũng là khía cạnh để thu hút tài năng trẻ từ những đội bóng này.
PVF thậm chí còn có tới 5 đến 7 ngày hội tuyển sinh trong cả nước mỗi năm nhằm thu hút tài năng trẻ từ khắp nơi quy tụ về đây. Cơ sở vật chất hiện đại cùng công nghệ đào tạo trẻ từ nước ngoài được áp dụng là lợi thế không nhỏ của trung tâm có tiếng tại Hưng Yên này.
Ngoài các lò đào tạo trên, một số lò đào tạo như Juventus, Lyon hay sự phát triển của mô hình bóng đá cộng đồng cũng khiến các phụ huynh không cần đưa con đi đi tới các tỉnh xa xôi như Gia Lai để phát triển tài năng. Họ có thể lựa chọn cho con mình theo học các lớp trẻ này tại địa phương để tiện chăm sóc, đưa đón.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất