Tỷ phú nhờ nuôi công, trĩ, gà đông tảo...

15/09/2016 07:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Tiền Giang có rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn nhưng làm giàu từ nuôi động vật hoang dã chỉ có anh Trương Văn Phúc, sinh năm 1984, ấp Tân Tây 2, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Anh Phúc là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh trẻ tuổi nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Năm 2006, khi học xong ngành cơ khí ô tô ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh), anh Phúc bắt đầu lập nghiệp với mô hình chăn nuôi gà sao, gà Hmông và gà Ai Cập. Trong thời gian này, anh tiếp tục học thêm ngành bác sĩ thú y ở trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận tấm bằng Cử nhân Thú y, anh Trương Văn Phúc trở về gia đình mở trang trại chăn nuôi. Năm 2008, trên diện tích 2.200 m2 đất vừa ở, vừa chăn nuôi, anh Phúc lập trang trại chăn nuôi động vật hoang dã. Ban đầu, mua khoảng 200 con giống chim trĩ đỏ ở Viện Chăn nuôi quốc gia, Hà Nội về nuôi và nhân giống đàn chim trĩ. Nhờ có kiến thức đã học nên chỉ trong thời gian ngắn, đàn chim trĩ ngày càng phát triển, có lúc lên hơn 1.000 con.

Thời điểm này, bình quân cứ hai tháng, anh cung cấp cho thị trường 200 con giống chim trĩ và 100 con chim trĩ kiểng. Mỗi con chim trĩ giống 1 tháng tuổi có giá 300 ngàn đồng và 1 triệu đồng một con chim kiểng.


Chim trĩ được nuôi trong vườn

Đến năm 2010, khi nhận thấy thị trường chim trĩ đỏ có dấu hiệu lắng dịu, anh Phúc tiếp tục sưu tầm giống chim công và gà đông tảo về nuôi. Với kinh nghiệm chăm sóc chim trĩ đỏ, anh dễ dàng phát triển đàn chim công và gà đông tảo. Anh còn đầu tư máy ấp trứng để giảm thất thoát trong sản xuất con giống mà chất lượng con giống cũng cao hơn so với cách ấp truyền thống.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2014, để đa dạng hóa đàn vật nuôi ở trang trại, anh Phúc tiếp tục đầu tư nuôi thêm giống gà đen indo (còn gọi là gà mặt quỷ) cực kỳ quý hiếm có nguồn gốc từ đảo Java, Indonesia .

Lúc đầu, anh Phúc nhập về khoảng 5 cặp gà đen indo để nhân giống. Sau hai năm, số lượng gà giống indo ở trang trại của anh Phúc phát triển lên hơn 200 con. Hiện việc bán gà giống indo này là nguồn thu chủ lực của trang trại anh Phúc.

Theo anh Phúc, đây là giống gà rất quý hiếm và giá thành khá cao, mỗi con giá từ 3-4 triệu đồng. Trọng lượng trung bình từ 1- 1,4 kg đối với gà mái, gà trống khoảng 2 kg/con. Giống gà này chủ yếu phục vụ nhu cầu nuôi kiểng của người dân.

Qua hơn 10 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi, đến nay trang trại nuôi động vật hoang dã Thanh Phong do anh Trương Văn Phúc làm chủ đã có trên 500 con chim trĩ với đủ các màu đỏ, vàng, xanh; 200 con chim công và gà đen indo; 300 con gà Đông tảo. Hiện trung bình mỗi tháng, anh Phúc cung cấp cho thị trường từ 100 - 200 con chim trĩ, chim công và gà đen Indo. Từ các loài vật nuôi trên, nhà nông trẻ nhạy bén này thu lãi gần 1 tỉ đồng mỗi năm.

Theo anh Phúc, ưu điểm của những loài động vật hoang dã này là có giá trị kinh tế cao. Riêng về chuồng trại chăn nuôi có một số sự khác biệt với nuôi các loài vật thông thường khác. Điển hình như chim trĩ, chim công do đặc tính của loài là chim bay nên chuồng nuôi phải bao kín lại để chim không bay đi mất. Riêng gà indo, cách chăm sóc cũng tương đối giống gà nòi ở địa phương.

Để thành công như ngày hôm nay, ngoài kiến thức thú y được học, anh Phúc còn áp dụng đầy đủ các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y, xây chuồng trại đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học nên hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, đối với chim trĩ không có khả năng ấp trứng, nên anh Phúc đầu tư 4 tủ ấp trứng nhân tạo bằng lò ấp điện với tỷ lệ nở thành công khoảng 70%.

Theo ông Phan Văn Trước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, mô hình nuôi động vật hoang dã của anh Phúc là mô hình mới của địa phương, đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng. Ngoài sản xuất giỏi, anh Phúc luôn tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân xã phát động và đã được xem xét kết nạp vào Đảng.

Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng với cách nghĩ, cách làm độc đáo kết hợp với bản tính cần cù, siêng năng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, anh Trương Văn Phúc đã trở thành tỷ phú với mô hình nuôi động vật “lạ”.

Anh Trương Văn Phúc bộc bạch: "Trong thời gian tới, trang trại của tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm quy mô chuồng trại; tăng cường thêm nguồn giống, đặc biệt là gà đen Indo, chim công, chim trĩ bảy màu vốn đang khan hiếm, nhằm phục vụ nhu cầu nuôi kiểng, cảnh của người dân khắp nơi. Đặc biệt, là phát triển nuôi gà Indo theo hướng thương phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường".

Từ sự bền bỉ lao động, anh Trương Văn Phúc đã vinh dự được UBND tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Công Trí (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm