10/03/2009 09:21 GMT+7 | Thế giới
Liên tục từ đầu tháng 2 trở lại đây, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại lần lượt được điều chỉnh giảm |
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước có kích lãi suất huy động USD tăng trở lại?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 13/2/2009, về việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước để đầu tư cho các dự án trọng điểm và bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước.
Đây là một chính sách mới dự báo sẽ có những tác động nhất định đến một số vấn đề vĩ mô. Với người nắm giữ ngoại tệ, một trong những tác động được quan tâm là lãi suất huy động USD có tăng trở lại hay không.
Lãi suất huy động USD giảm mạnh
Liên tục từ đầu tháng 2 trở lại đây, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại lần lượt được điều chỉnh giảm. So với tuần đầu tháng 2/2009, mức giảm ghi nhận từ 0,2% - 0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn.
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện phổ biến từ 2% - 3,09%/năm ở các kỳ hạn từ 3 – 12 tháng; của khối thương mại cổ phần phổ biến từ 2,21% - 2,76% tương ứng ở các kỳ hạn trên. Trên thực tế, lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng tại một số ngân hàng cổ phần, là đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn, chỉ còn từ 2% - 2,1%/năm.
Trong khi đó, tuần đầu tháng 2/2009, ở các kỳ hạn trên, lãi suất huy động USD phổ biến từ 2,4% - 3,6%/năm ở khối quốc doanh, từ 2,45% - 3%/năm ở khối cổ phần.
Đây là diễn biến ngược với xu hướng tăng nhẹ của lãi suất huy động VND trong khoảng một tháng trở lại đây.
Về diễn biến trên, một số nhận định cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm mạnh, nguồn vốn ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đang dồi dào. Mặt khác, chính sách hỗ trợ lãi suất dành riêng cho các khoản vay bằng VND cũng kích thích doanh nghiệp tập trung vay vốn bằng đồng tiền này; trong khi nhập khẩu đang có xu hướng sụt giảm do khó khăn của nền kinh tế…
Bên cạnh đó, việc Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu khá lớn sau một thời gian dài cũng là một yếu tố được xét đến (trong kim ngạch xuất khẩu tháng 2, riêng xuất khẩu mặt hàng vàng và đá quý tăng đột biến và chiếm tỷ trọng lớn).
Những nhận định trên khớp với những báo cáo định kỳ gần đây của Ngân hàng Nhà nước với khẳng định “nguồn cung ngoại tệ trên thị trường đang được cải thiện”. Và một dẫn chứng cụ thể khác, trong tháng 2, hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã sụt giảm mạnh, giảm 2,69% so với cuối năm 2008.
Ở một nguyên nhân khác, theo nhận định của một chuyên gia tài chính, lãi suất huy động USD giảm là sự phản ánh theo diễn biến trên thị trường thế giới, khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua.
Trái phiếu bằng ngoại tệ: “Cú hích” mới cho lãi suất?
Theo định hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ở quyết định trên, kế hoạch phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trên thị trường nội địa đang được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp xây dựng. Điểm đáng chú ý là đối tượng phát hành có cả các cá nhân, thay vì chỉ các tổ chức tham gia như với trái phiếu Chính phủ bằng VND hiện nay.
Liên quan đến kế hoạch trên, hiện có một số nhận định trái chiều về khả năng tác động đối với lãi suất USD trên thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ khó có thể “kích” lãi suất USD tăng lên, do độ tín nhiệm cao hơn trái phiếu do chính quyền địa phương hay doanh nghiệp phát hành. Theo đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể thấp hơn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại và không làm thay đổi mặt bằng lãi suất huy động USD.
Trong khi đó, ý kiến ngược chiều lại cho rằng khi Chính phủ phát hành trái phiếu bằng VND có lợi suất khoảng 7%, bằng lãi suất cơ bản và khó thành công do lợi suất thấp, việc “chuyển hướng” sang huy động bằng USD là một hướng mới. Tuy nhiên, nếu lợi suất thấp hơn 3% như mặt bằng lãi suất huy động USD ở kỳ hạn 12 tháng phổ biến hiện nay, liệu có hấp dẫn và thành công? Nếu cao hơn 3%, điều này sẽ tác động đến lãi suất huy động trên thị trường.
Ngoài ra, các khả năng tác động còn tùy thuộc vào kế hoạch và cách thức triển khai cụ thể của Bộ Tài chính trên thực tế.
Trái phiếu bằng ngoại tệ: Lợi và lo
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, theo ý kiến của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đây là cách làm có thể giúp thu hút nguồn ngoại tệ bù đắp dự trữ ngoại hối, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Mặt khác, hướng đi này cũng tạo thêm một công cụ tài chính mới cho các tổ chức, cá nhân nắm giữ ngoại tệ tham gia mà không phải quy đổi như trước đây, tạo thêm tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khuyến nghị mà chuyên gia này đưa ra là Chính phủ cần cân nhắc một số hệ lụy liên quan.
Thứ nhất, đó là sự thận trọng cần thiết với vấn đề đô la hóa. Việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ có thể làm gia tăng mức độ đô la hóa (hiện đã gần 30%), và theo đó mức độ chủ động về chính sách tiền tệ sẽ giảm đi.
Thứ hai, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, kế hoạch phát hành nói trên cũng cần tính đến gánh nặng trả nợ của Chính phủ trong tương lai, đặc biệt là khi đặt trong những rủi ro của tỷ giá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất