Công Phượng: Lên đội tuyển để học cách làm dự bị

05/10/2015 05:36 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Công Phượng sẽ tiếp tục ngồi dự bị trong 2 trận sắp tới gặp Iraq và Thái Lan. Kịch bản đó gần như là không thể thay đổi với cựu thủ lĩnh của U19 Việt Nam.

Những diễn biến trên sân tập trong vài ngày gần đây cho thấy HLV Miura luôn đánh giá cao vai trò và các kỹ năng cá nhân của Công Phượng. Anh thường được xếp trong vai trò trung gian, là cầu thủ chìa khóa, chơi cho cả 2 phía trong các buổi tập đối kháng của đội tuyển Việt Nam. Đó thường là vị trí được dành cho những cầu thủ kỹ thuật, nhãn quan tốt, giàu thể lực và năng động. Vai trò này cũng thường được chia sẻ với Huy Hùng và Mạc Hồng Quân, 2 cậu học trò “cưng” của ông Miura.

Nhưng được xếp ở vị trí ấy cũng đồng nghĩa với việc Công Phượng không được “quy hoạch” cho các suất đá chính. Anh là một cầu thủ giỏi nhưng chưa phải người giỏi nhất, là phương án dự phòng thú vị nhưng không phải con bài đá chính chiến lược.

Thực tế sử dụng Công Phượng ở các lần tập trung đội tuyển Việt Nam gần đây cũng khẳng định Công Phượng chưa thể lấy được vị trí của Công Vinh và Văn Quyết. Anh thậm chí còn xếp sau Mạc Hồng Quân và Đình Tùng trong thang ưu tiên của ông Miura. Bản thân Phượng cũng chỉ được lên đội tuyển nhờ chấn thương của Vũ Minh Tuấn. Trong 6 tiền đạo của đội tuyển Việt Nam hiện tại, Công Phượng xếp cuối cùng.

Trước các đối thủ mạnh như Iraq và Thái Lan, kinh nghiệm của Văn Quyết và Công Vinh cũng sẽ được ưu tiên. Bản thân Công Vinh cũng đã chơi rất hay trong trận gặp Thái Lan ở lượt đi tại Bangkok. Còn Văn Quyết hiện là hộ công tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Tốc độ và sự toàn diện của 2 cầu thủ này là phù hợp cho lối chơi phòng ngự phản công của đội tuyển.

Ngoài Công Phượng, nhóm cầu thủ trẻ với những Duy Mạnh, Tiến Dũng, Ngọc Thắng... nhiều khả năng cũng sẽ phải ngồi ngoài. Tuổi trung bình của cặp tiền đạo đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Thái Lan hồi tháng 5/2015 là 29 tuổi. Trước những đối thủ mạnh, kinh nghiệm sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Đội tuyển Việt Nam bối rối vì ông Miura

Nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam trong đó có cả những người đã làm việc lâu dài với HLV Toshiya Miura đang tỏ ra khá bối rối với giáo án của ông thầy người Nhật Bản.

Đối mặt với Iraq và Thái Lan, HLV Miura đã đặt ra 2 tiêu chí hạn chế bóng bổng và đẩy cao tốc độ phản công. Do đã quen với lối chơi lật cánh đánh đầu quen thuộc của V-League, nhiều tuyển thủ quốc gia đang cảm thấy bối rối. Các thủ môn liên tục mắc sai lầm trong những pha ném bóng bổng, các tiền vệ cũng gặp khó khăn khi được chạm bóng quá ít và phải chuyền sệt liên tục.

Sự mâu thuẫn giữa thói quen cố hữu và phương pháp làm việc mới đã gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Trong buổi tập hôm qua, ở một tình huống xuống biên, Ngọc Thắng có lẽ đã không biết nên lật cánh hay căng ngang. Cuối cùng, anh có một đường chuyền vừa nhẹ, vừa ở lưng chừng, bóng đi chậm và thấy rõ sự bối rối.

Trước đó, HLV Miura cũng đã nhiều lần phải hét lên yêu cầu các cầu thủ đá sệt. Thủ thành Tuấn Mạnh và Hoài Anh là những người bị la mắng nhiều nhất. Mỗi khi các cầu thủ có một tình huống bóng bổng sai quy định, họ lập tức hứng chịu cơn thịnh nộ của ông Miura.

Trọng Hoàng muốn quên đi chấn thương

Dưới thời HLV Miura, Trọng Hoàng là một trong những cầu thủ tên tuổi nhưng ít được trọng dụng phần vì chấn thương, phần vì phong cách thi đấu. Chia sẻ về những khó khăn của mình, Trọng Hoàng phân trần: “Khi lên đội tuyển, Hoàng cũng muốn cố gắng nhưng nhiều lúc, mình không được may mắn vì các chấn thương ngoài dự kiến. Nó khiến mình chưa cống hiến được nhiều cho đội tuyển.

Sau mùa giải phải thi đấu rất nhiều ở CLB, Trọng Hoàng thường bị chấn thương và chưa thể chữa trị dứt điểm. Đó là điều mình phải lưu ý với các bác bác sỹ. Mong là mình sẽ sớm quên đi những chấn thương ấy để cố gắng nhiều hơn trong các trận còn lại của vòng loại World Cup”.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm