Trần Huỳnh Duy Thức
Qua các biện pháp nghiệp vụ, ngày 17/5/2009, Tổng cục An ninh đã xác định chủ blog "Trần Đông Chấn" chính là Trần Huỳnh Duy Thức - Tổng Giám đốc Công ty OCI, cũng chính là đối tượng lập ra blog "Change we need", "Psonkhanh". Lãnh đạo Bộ Công an quyết định khởi tố bắt đối tượng này. Ngày 24/5/2009, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Trần Huỳnh Duy Thức khi đang sử dụng đường truyền internet để liên lạc với đối tượng phản động bên ngoài.
Căn cứ tài liệu thu được và lời khai của Trần Huỳnh Duy Thức, ngày 4/6/2009, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp Lê Thăng Long - Tổng Giám đốc Công ty INNOTECH; ngày 13/6/2009 bắt Lê Công Định - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê Công Định; ngày 7/7/2009 bắt Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim; ngày 16/7/2009 bắt, trục xuất Võ Kevin Huân (là đối tượng được Nguyễn Sỹ Bình cầm đầu tổ chức phản động người Việt lưu vong có tên gọi "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ cử về Việt Nam nắm tình hình).
Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29/11/1966, nghề nghiệp Tổng Giám đốc Công ty OCI có hộ khẩu thường trú tại 362/532C Cách Mạng Tháng Tám (số cũ), phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: 14/13/48, đường Thân Nhân Trung, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả bắt, khám xét đã thu được 169 bài viết thể hiện trên thư điện tử, blog, textchat gồm 1.189 trang tài liệu phù hợp với kết quả công tác điều tra, trinh sát. Kết quả khai thác: Đến nay, Trần Huỳnh Duy Thức đã nhận tội và xin được cơ quan bảo vệ pháp luật khoan hồng. Trần Huỳnh Duy Thức đã khai nhận qua các bản cung và bản tự khai nhận về hành vi chống Nhà nước. Thức đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu bao gồm 381 trang (19 bài trên blog "Change we need", 23 bài trên blog "Trần Đông Chấn", 16 bài trên blog "Psonkhanh", 194 trang trên thư điện tử
[email protected]); Thức trực tiếp viết 53 bài gồm 14 bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ; 21 bài xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng; 10 bài chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Kết quả điều tra, qua các bản cung và bản tự khai của Trần Huỳnh Duy Thức cho thấy: Trần Huỳnh Duy Thức chủ mưu thành lập "nhóm nghiên cứu Chấn" từ cuối năm 2005 nhằm thay đổi chế độ, là người khơi nguồn công kích xuyên tạc các chính sách của Chính phủ và trực tiếp công kích quyết liệt Thủ tướng Chính phủ bằng các blog "Psonkhanh", "Trần Đông Chấn", "Change We Need".
Lê Công Định sinh ngày 1/10/1968, nghề nghiệp: Luật sư, Giám đốc công ty TNHH Luật một thành viên Lê Công Định, hộ khẩu thường trú tại 163/8 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; nơi ở tại BB3-4 Toà nhà Mỹ Khang, khu phố 4, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Kết quả bắt, khám xét: thu được 288 trang tài liệu, trong đó có toàn bộ tài liệu "Tân Hiến pháp" (112 trang), cuốn "Từ độc tài đến dân chủ" của tổ chức "Việt tân" dịch, cùng nhiều tài liệu quan trọng khác phù hợp với kết quả công tác điều tra trinh sát. Đến nay, Lê Công Định đã nhận tội và xin được cơ quan bảo vệ pháp luật khoan hồng. Lê Công Định đã khai nhận qua các bản cung và bản tự khai về hành vi chống Nhà nước. Được sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định tham gia tổ chức phản động lưu vong có tên gọi "Đảng dân chủ Việt Nam" đầu năm 2008, tham gia "Ban thường vụ" từ tháng 5/2009, được Nguyễn Sỹ Bình bổ nhiệm làm "Tổng thư ký" từ tháng 6/2009 nhưng chưa công bố thì bị bắt.
Tháng 3/2009, tại Phu Khet (Thái Lan), Lê Công Định cùng Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức bàn thống nhất về thời điểm thay đổi thể chế chính trị mà chúng gọi là "lúc phất cờ" 2010-2011. Lê Công Định đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu gồm 413 trang, trong đó, trực tiếp viết 33 bài tuyên truyền công kích chế độ, tuyên truyền các giá trị tư sản phương Tây, ca ngợi Hoàng Minh Chính; sưu tầm, tàng trữ 27 bài chỉ trích, phê phán đường lối chính sách tôn giáo, giáo dục, hoạt động tư pháp của Đảng, Nhà nước, đòi thay đổi Hiến pháp mà các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong gửi cho Định, trong đó có cuốn "Từ độc tài đến dân chủ" do tổ chức phản động lưu vong "Việt tân" dịch gửi cho Định phân tích các cuộc đấu tranh bất bạo động lật đổ các thể chế chính trị diễn ra tại châu Á, châu Âu. Ngoài ra, Định còn tàng trữ hàng chục cuốn sách của các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị có nội dung chống đối, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lê Công Định biết rõ tổ chức "Việt tân" là tổ chức khủng bố nhưng vẫn tham gia hoạt động; có quan hệ với các đối tượng phản động chống đối như Vũ Thư Hiên, Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Quân, Phương An, Châu (chồng Phương An)... Lê Công Định khai đã 17 lần tiếp xúc với một số đối tác nước ngoài có hứa hẹn, cổ vũ, ủng hộ. Lê Công Định là người nêu vấn đề bauxite Tây Nguyên là tử huyệt của chế độ cộng sản, từ đó Trần Huỳnh Duy Thức viết bài "Bauxite Tây Nguyên: Huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình" trên blog "Change We Neeed".
Nguyễn Tiến Trung (x)
Nguyễn Tiến Trung sinh ngày 16/9/1983, Thạc sỹ công nghệ thông tin, không nghề nghiệp, hộ khẩu thường trú tại 6/1 Nguyễn Cảnh Dị, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Kết quả bắt, khám xét: thu giữ 96 trang tài liệu liên quan đến tổ chức "Đảng dân chủ Việt Nam" và "Tập hợp thanh niên dân chủ" trong máy vi tính phù hợp với kết quả công tác trinh sát. Đến nay, Nguyễn Tiến Trung đã nhận tội và xin được cơ quan An ninh điều tra khoan hồng. Nguyễn Tiến Trung đã khai nhận qua các bản cung và bản tự khai về hành vi chống Nhà nước. Khi còn học ở trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (2001-2002), Nguyễn Tiến Trung đã có tư tưởng chống Nhà nước. Năm 2002, Nguyễn Tiến Trung sang Pháp du học, đã tiếp xúc với các đối tượng phản động như: Nguyễn Gia Kiểng - cầm đầu tổ chức phản động có tên gọi "Tập hợp dân chủ đa nguyên", Bùi Tín, Vũ Thư Hiên..., bị những người này lôi kéo, hỗ trợ lập ra tổ chức phản động mang tên "Tập hợp thanh niên dân chủ" do Nguyễn Tiến Trung cầm đầu; tổ chức này có danh xưng từ ngày 8/5/2006 tại Pháp, với mục đích mà chúng công khai tuyên bố là tập hợp lực lượng trong giới trẻ, phối hợp với lực lượng chống đối trong và ngoài nước chống Nhà nước, đòi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Nguyễn Tiến Trung lập blog cá nhân, viết, tán phát nhiều tài liệu, gửi "thỉnh nguyện thư", phát biểu tại một số cuộc gặp mặt bọn phản động ở Pháp với nội dung kích động chống Nhà nước Việt Nam; trực tiếp điều hành, quản lý diễn đàn "Thanh niên dân chủ" trên các trang web, báo điện tử nhằm lôi kéo, tập hợp nhiều thanh niên Việt Nam đang học ở Pháp, Mỹ tham gia, trong đó có Nguyễn Thị Hường, Trần Chiêu Việt, Ngô Thị Ngoan, Nguyễn Trác Việt, Trần Dũng Nghi, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Bách, Trần Minh Răn, Nguyễn Thị Thanh Vân.... được cử làm vai trò cốt cán trong tổ chức phản động "Tập hợp thanh niên dân chủ"; nhóm này đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kế hoạch chống Nhà nước Việt Nam. Nguyễn Tiến Trung được Nguyễn Sỹ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi đưa sang Mỹ tiếp xúc với bọn phản động, trong đó có những đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong có tên gọi "Việt tân", "Tuổi trẻ Việt Nam lên đường", "Liên minh Việt Nam tự do", " Ủy ban bảo vệ quyền người lao động Việt Nam". Ngày 25/12/2006, Nguyễn Tiến Trung viết đơn xin gia nhập tổ chức phản động lưu vong có tên gọi "Đảng dân chủ Việt Nam" do Nguyễn Sỹ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu với bí danh "Nguyễn Trọng Nghĩa". Đầu tháng 6/2007, Nguyễn Tiến Trung được Nguyễn Sỹ Bình cử vào vị trí " Ủy viên trung ương đảng, Phó ban đối ngoại, Trưởng ban công tác thanh niên"; năm 2009 được Nguyễn Sỹ Bình cử vào "Ban thường vụ trung ương", được phân công làm "Phó tổng thư ký" phụ trách thanh niên của tổ chức phản động có tên gọi "Đảng dân chủ Việt Nam", có nhiệm vụ công khai hóa tổ chức, phát triển lực lượng. Nguyễn Tiến Trung đã soạn thảo, tán phát 60 bài gồm 192 trang có nội dung tuyên truyền, xuyên tạch chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tuyền truyền kích động chống Nhà nước, ca ngợi các đối tượng chống đối đăng trên báo điện tử BBC, blog "Nguyễn Tiến Trung".
Trần Anh Kim sinh ngày 15/8/1949 tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; trú tại số nhà 502, tổ 10, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, từng có tiền án 24 tháng tù giam về tội "Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế". Trần Anh Kim đã nhận tội và xin được pháp luật khoan hồng; đã khai nhận qua các bản cung và bản tự khai về hành vi chống Nhà nước. Tháng 5/2006, Kim lên Hà Nội gặp Nguyễn Khắc Toàn, trú tại 11 ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được Toàn đưa đến nhà Hoàng Minh Chính nghiên cứu cương lĩnh của tổ chức phản động có tên "Đảng dân chủ Việt Nam". Kim viết đơn gửi Hoàng Minh Chính xin tham gia tổ chức "Đảng dân chủ Việt Nam". Từ tháng 3/2006, Trần Anh Kim được Hoàng Minh Chính bổ nhiệm làm ủy viên trung ương "Đảng dân chủ Việt Nam". Với vai trò này, Kim thường xuyên viết bài đưa lên mạng internet để tuyên truyền cho "Đảng Dân chủ Việt Nam"; soạn thảo nội dung hướng dẫn đăng ký tham gia tổ chức; kêu gọi công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đứng lên lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng và tuyên bố "Đảng dân chủ Việt Nam" là đối trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 31/5/2009, Nguyễn Sỹ Bình (Nguyễn Tâm) ở Mỹ, bổ nhiệm Trần Anh Kim làm "Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam" tại nhà riêng, nhưng cơ quan an ninh đã kịp thời ngăn chặn. Trần Anh Kim tham gia "khối 8406" với vai trò trưởng ban đại diện của tổ chức này ở khu vực phía Bắc; cùng với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Nam Hải trong Ban đại diện tổ chức có tên gọi "Khối 8406”: chủ trương tập trung móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện cực đoan để làm lực lượng nòng cốt đấu tranh nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trần Anh Kim đã viết 60 tài liệu nội dung phỉ báng Đảng, Nhà nước, xuyên tác tình hình đất nước, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng, kêu gọi tập hợp lực lượng chống Nhà nước. Tất cả các tài liệu trên, Trần Anh Kim đã đưa lên mạng internet và tán phát cho các đối tượng trong máy tính và USB hàng trăm bài viết của các đối tượng phản động khác nhau để tuyên truyền, tán phát cho nhiều người khác.
Trần Anh Kim còn thu thập, cung cấp thông tin một cách bịa đặt chuyển cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sử dụng nhằm mục đích chống Nhà nước. Kim thừa nhận đã hàng trăm lần trả lời phóng viên các đài, báo nước ngoài như RFA, BBC, đài Chân trời mới ... nội dung cố ý xuyên tạc tình hình chính trị Việt Nam. Kim mở 2 tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển NN, Ngân hàng Ngoại Thương để nhận gần 60 triệu đồng, 3.000 USD của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước, trong đó Nguyễn Thị An Nhàn ở Mỹ (vợ Nguyễn Sỹ Bình, cầm đầu tổ chức "Đảng dân chủ Việt Nam") đã 9 lần gửi tiền với số tiền là 2.500 USD, Phan Văn Lợi ở Huế gần 32 triệu đồng, Nguyễn Khắc Toàn gần 6 triệu đồng, Đàm Linh ở Pháp gần 260 USD... Số tiền trên Trần Anh Kim dùng để chi tiêu cá nhân và mua phương tiện hoạt động (điện thoại di động, máy vi tính...) và hỗ trợ cho một số đối tượng khiếu kiện cực đoan quá khích để hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Lê Thăng Long sinh ngày 6/4/1967, nghề nghiệp: Tổng Giám đốc công ty INNOTECH; hộ khẩu thường trú tại 80 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi ở: K18 Tập thể Đại học Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết quả bắt, khám xét: thu giữ tài liệu về "Phong trào chấn hưng nước Việt". Kết quả khai thác: Lê Thăng Long đã nhận tội và xin được pháp luật khoan hồng; đã khai nhận qua các bản cung và bản khai về hành vi chống Nhà nước.
Lê Thăng Long đã tham gia "Nhóm nghiên cứu Chấn" của Trần Huỳnh Duy Thức, trực tiếp viết "kế hoạch của Sim" nhằm đi vào nội bộ để thu thập thông tin, tác động, lôi kéo vào "nhóm Chấn" theo phương thức dùng "Đoài đánh Đoài" (Cộng sản đánh Cộng sản); đã gặp, tiếp xúc 15 người để tác động, lôi kéo; ứng của Đại biểu Quốc hội khóa XII nhằm mục đích nếu trúng cử tạo chỗ đứng trong cơ quan quyền lực cao nhất, tìm cách tiếp cận, lôi kéo và sử dụng ảnh hưởng của những người lãnh đạo cấp cao ủng hộ nhóm "Chấn" nhằm phục vụ âm mưu thay đổi chế độ chính trị vào thời điểm "lúc phất cờ" 2010 - 2011. Long còn soạn thảo, sưu tầm, tán phát 25 đầu tài liệu gồm 89 trang, trực tiếp viết 12 bài tuyên truyền xuyên tác đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, thay đổi thể chế chính trị, thể hiện rõ trong thư điện tử liên lạc với "nhóm Chấn" qua địa chỉ "
[email protected]" và tuyên truyền "phong trào Chấn hưng nước Việt". Lê Thăng Long đã cấu kết với đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài thành lập tổ chức phản động với tên gọi "Phong trào chấn hưng nước Việt" gồm 10 "câu lạc bộ" để phát triển lực lượng nội bộ và nội đại; Lê Thăng Long đã tổ chức 6 buổi tọa đàm (5 ở Hà Nội và 1 ở Đăk Lăk) do Lê Thăng Long và Thích Minh Tâm thuyết trình giói thiệu về "Câu lạc bộ" doanh nhân Chấn hưng nước Việt" (đã có một số doanh nhân ở địa phương đăng ký tham gia "Câu lạc bộ" này).
Kết quả khai thác tài liệu và lời khai của các đối tượng bị bắt giữ phù hợp với tài liệu đã thu được qua công tác điều tra, trinh sát. Hoạt động chống Nhà nước của các đối tượng có tổ chức, thành phần là những trí thức, doanh nghiệp trẻ, một số học ở Pháp và Mỹ, có sự liên kết với các tổ chức phản động lưu vong do các thế lực thù địch chống Việt Nam khích lệ, hỗ trợ. Mục tiêu của chúng là chống phá, lật đổ Nhà nước ta, thiết lập chế độ chính trị Cộng hòa đại nghị (Cộng hòa Việt Nam). Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động của các đối tượng trong vụ án mang tính tổ chức, có sự móc nối, quan hệ với các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài và các thế lực thù địch bên ngoài. Âm mưu của các thế lực thù địch là tiến hành "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ đối với Việt Nam thông qua kích động, lôi kéo những phần tử chống đối, những đối tượng cơ hội, bất mãn trong nước, xây dựng ngọn cờ, hình thành tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam. Đến nay, về cơ bản các đối tượng đã nhận tội, xin được pháp luật khoan hồng. Việc cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng biện pháp tố tụng đối với các đối tượng nêu trên được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng và dư luận xã hội. Cơ quan An ninh điều tra đang phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án khẩn trương kết luận vụ án, hành vi phạm tội của từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.