Tuyển Việt Nam và cái giá của thất bại

31/03/2016 12:13 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - ĐT Việt Nam đã chơi bóng đầy cố gắng, thậm chí là trên sức, nhưng không thể kháng lại định mệnh, trước một đối thủ ở đẳng cấp cao hơn như Iraq. Nhưng, thất bại hay thành công đều có cái giá của nó và chúng tôi tin rằng, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng được nhiều hơn mất sau cuộc chiến không cân sức ở Tehran, Iran.

Trong 2 năm 2013-2014, chúng ta hẳn chưa quên lứa của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn…, đã chơi tưng bừng như thế nào ở các giải đấu cấp khu vực, cũng như giải tập huấn, nhưng khi bước vào sân chơi châu lục: VCK U19 châu Á tại Myanmar 2015, “những đứa trẻ của bầu Đức” thua tan nát như thế nào. Cũng tựa như sau V-League 2015, những người trẻ đã lớn lên nhiều sau các thất bại.

Cái được với người trẻ vì thế, là trải nghiệm ở một trận đấu lớn, trước một đối thủ lớn. Con gà chọi đơn thuần chỉ là con gà chọi chứ không bao giờ là chiến kê, nếu chưa từng kinh qua các trận đánh lớn. Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, trận đấu với Iraq có thể được xem là một cuộc tập trận quy mô lớn, cho chúng ta kinh nghiệm trong ứng biến trước các tình huống, hoàn toàn có lợi khi quay về đấu trường khu vực.

Nói về điều này, rõ ràng HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bộc lộ một vài hạn chế trong đọc trận đấu và đưa ra giải pháp. Trước Iraq vượt trội về hình thể, cũng như sức vóc, chúng ta không thể lao vào cuộc chiến về sức được. Khi ĐT Việt Nam quyết chơi pressing, rất nhiều những khoảng trống để lộ, nhưng có cảm giác là đối phương không muốn ghi thêm các bàn thắng, với những pha xử lý cuối cùng rất cẩu thả.

HLV Nguyễn Hữu Thắng: ‘Tuyển Việt Nam sẵn sàng tạo bất ngờ’

HLV Nguyễn Hữu Thắng: ‘Tuyển Việt Nam sẵn sàng tạo bất ngờ’

Đó là khẳng định của HLV Nguyễn Hữu Thắng ở buổi họp báo trước trận đấu Iraq – Việt Nam được tổ chức chiều 28/3. Mặc dù đánh giá cao sức mạnh của Iraq nhưng đội tuyển Việt Nam tự tin vào khả năng gây bất ngờ.


Con người và giải pháp là tối quan trọng, trước những đối thủ khác nhau, sân chơi khác nhau. Đề cao quyền kiểm soát bóng là điều tốt, bởi phải có bóng mới đưa ra những phương án tấn công được và ngoài ra, kiểm soát bóng còn là một cách phòng ngự an toàn. Nhưng trước một đối thủ mạnh hơn hẳn, tiêu chí này nhanh chóng phá sản. Cầu hoà với thứ bóng đá tiêu cực, thậm chí là xấu xí, cũng có thể thông cảm được.

Bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng, yếu hơn đối thủ là vứt. Ở PAS Tehran, Iran, rất nhiều cầu thủ Việt Nam có biểu hiện đuội từ nửa cuối hiệp 1, không hẳn học trò của Hữu Thắng không đảm bảo thể lực nền, mà như đã nói, chúng ta lao vào cuộc chiến không cân sức một cách thiếu tính toán. Kinh nghiệm ứng biến và khả năng tiết chế cảm xúc, tổ chức trận đấu của ĐT Việt Nam rõ là còn yếu.

Sau tất cả, cần phải thống nhất với nhau rằng, đấu trường chính của bóng đá Việt Nam vẫn là AFF Cup 2016 và SEA Games 2017. Đây cũng là cơ sở để HLV Nguyễn Hữu Thắng gật đầu ngồi vào chiếc ghế lái trưởng. Với một nền bóng đá khiêm tốn như Việt Nam, ước mơ bay cao cần một lộ trình dài hơi, chứ không thể hoá rồng trong ngày một ngày hai được. Chỉ trích nhằm vào ĐT Việt Nam lúc này là hơi quá quắt.

Tập trận như đánh trận, song nếu ví trận đấu với Iraq là cuộc tập trận quy mô lớn, thì nó còn hơn cả đánh trận. Nói nôm na là, nếu chúng ta đã bỏ ra 200% sức để tập trận, khi vào trận đấu thật, chỉ cần chơi được 80 – 90% là thành công rồi. Rõ ràng, thất bại mà có thể nhìn ra những nhược điểm, từ đó thay đổi, mới hy vọng tiến bộ, hy vọng thành công được. Giữ được chân mình trên mặt đất là không đơn giản, nên phải tỉnh táo.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm