06/07/2022 20:20 GMT+7 | Văn hoá
Nhìn lại hai thập niên vừa qua, mảng văn học thiếu nhi vẫn chưa có nhiều tuyển tập bề thế, công phu để đánh dấu quá trình vận động, phát triển với những thay đổi, những bước ngoặt chuyển mình. Năm 2022, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, do Trần Đức Tiến tuyển chọn. Ngoài mục đích mừng sinh nhật, tuyển tập này cũng cho thấy mong muốn tập hợp, đánh giá lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam.
65 tác giả truyện ngắn là 65 gương mặt thuộc nhiều thế hệ: Từ những người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền văn học thiếu nhi dân tộc như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ,… đến những cây bút sinh trưởng trong thiên niên kỷ mới như Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Lê Quang Trạng,… Từ vùng cao, nông thôn đến thành thị, miệt vườn sông nước… tất cả đều có mặt, tạo nên một cuộc chạy tiếp sức liên tục của văn học cho tuổi thơ.
Vị thế quan trọng của truyện đồng thoại
Cảm nhận đầu tiên là sự phong phú, đa dạng về đề tài: Gia đình, bạn bè, nhà trường, sinh hoạt, loài vật, thiên nhiên, môi trường, lịch sử, văn hóa, chiến tranh cách mạng,… Đội ngũ biên soạn tham vọng bao quát nhiều thời đoạn lịch sử, nhiều mảng màu cuộc sống trẻ thơ, để bạn đọc cũng như những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học thiếu nhi có thêm một cái nhìn mới, cách đánh giá mới về thành tựu của thể loại này.
Bao điều mới lạ về quê hương đất nước, từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau, giúp trẻ thêm yêu mến, tự hào về Tổ quốc. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục của văn học thiếu nhi, qua đó hình thành lý tưởng, khát vọng sống đẹp cho các em.
Truyện đồng thoại có bề dày truyền thống và vị thế quan trọng trong văn học thiếu nhi Việt Nam. Thể tài này cũng chiếm số lượng áp đảo trong tuyển tập (20/65 truyện), chỉ đứng sau truyện sinh hoạt. Đây cũng là sự tinh tế của người làm sách khi thức nhận rõ được cái lý và chiều sâu của mảng sáng tác này đối với tâm lý tiếp nhận, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của trẻ thơ. Truyện giúp bạn đọc đặt mình vào vị trí của những loài vật trong tự nhiên để hiểu và yêu thương, tôn trọng chúng như yêu thương, tôn trọng chính bản thân, đồng loại. Bài học giáo dục được gửi gắm một cách nhẹ nhàng, sâu sắc qua các tình tiết li kì, những đối thoại dí dỏm, ngôn ngữ giàu chất thơ.
Ngoài mối quan hệ với truyền thống dân tộc, với gia đình, bè bạn,… tuyển tập còn cho thấy một vấn đề giàu tính thời sự mà cũng rất xưa cũ: Mối quan hệ giữa trẻ em với môi trường sống. Đây là minh chứng về tính thời sự, cấp thiết của văn học thiếu nhi, ý thức trách nhiệm của nhà văn đối với trẻ thơ và cõi sống của mình. Trẻ em, bằng căn tính thiện lành, nên dễ gần gũi, giao tình với tự nhiên. Tâm hồn trong trắng, trí não chưa nặng định kiến, trẻ có sự nhạy cảm, năng lực lắng nghe, thấu cảm thiên nhiên. Trong một chừng mực nhất định, các em trở thành gương soi để người lớn chúng ta nhận ra những bất cập, chưa hoàn thiện, sự vô cảm, vị kỉ trước tự nhiên. Tình yêu muôn loài, sự trân quý môi trường sống là phương thức chữa lành những vết thương, cứu rỗi những lầm lỗi của con người.
Quan tâm đặc biệt tới trẻ em thiệt thòi, yếu thế
Khác với những tuyển tập trước đây, cuốn sách dành sự quan tâm đặc biệt đối với đối tượng trẻ em thiệt thòi, yếu thế.
Gần một phần ba số truyện đề cập đến kiểu nhân vật mồ côi, nghèo khổ, tật bệnh, bị người khác bạo hành… Đâu cứ phải vui vẻ, hồn nhiên mới là viết cho thiếu nhi. Bên cạnh những gì tốt đẹp, hoàn mỹ, cuộc sống xung quanh, từ đường phố đến trường học, các phương tiện thông tin đại chúng, ngay cả trong gia đình, vẫn hằng ngày bày ra trước mắt các em bao nhếch nhác, xót xa. Không ít em là nạn nhân của chính hoàn cảnh sống. Là người viết - người bạn, người thầy của tuổi thơ, nhà văn có lương tâm, trách nhiệm sẽ không né tránh những mặt khuất tối này.
Tránh né chỉ làm cho trang viết xa cách độc giả. Đó chỉ là những sản phẩm được vô trùng cẩn thận, đâu còn là món ăn tinh thần đúng nghĩa; người viết sao có thể là “trụ đỡ tinh thần” (lời Nguyễn Nhật Ánh) cho trẻ. Với những truyện này, chúng ta được đến gần hơn với những phần chìm của cuộc sống, nơi ánh sáng của hạnh phúc chưa kịp chiếu rọi cho những mảnh đời thơ ngây, vô tội. Nhà văn đã đưa vào bức tranh chung của văn học thiếu nhi (vốn được xem là thuần khiết, sáng trong) một mảng màu xám buồn với những mất mát, bi kịch, những mặt trái trong hành xử, nhân cách trẻ em… nhưng vẫn với một tấm lòng yêu thương, đồng cảm và lo lắng ân cần. Những “vitamin” tinh thần này sẽ vô cùng hữu hiệu để trẻ bay cao, bay xa trong bầu trời nhiều kỳ thú nhưng cũng lắm bão giông. Một khi biết quan tâm, yêu thương, trang trải, có niềm tin ở cuộc đời, ở bản thân và tha nhân, các em sẽ trưởng thành hơn.
Bên cạnh sự thơ ngây, trong sáng, nhiều sáng tác cũng gây được ấn tượng ở tính triết lý trong nội dung phản ánh, trong lời văn giản dị, đậm chất trẻ thơ. Nhờ vậy, trang viết cho tuổi thơ thoát khỏi sự ngây ngô, giản đơn kiểu “cưa sừng làm nghé”, tăng thêm sự sâu sắc, sức sống lâu bền cho tác phẩm.
Trên tinh thần đến hiện đại từ truyền thống, vẽ lịch sử ông cha bằng chất liệu ngôn từ, đồng hành cùng tập sách, người đọc sẽ nhận ra bao điều bổ ích được nhà văn trao gởi. Chức năng giáo dục - đặc trưng của văn học thiếu nhi so với sáng tác dành cho người lớn - cũng được lồng ghép hợp lý, hiệu quả. Bao bài học thú vị, sát hợp, bổ ích được trao gởi cho độc giả: Bài học về ý chí, quyết tâm, về lòng biết ơn, về sức mạnh tập thể, lòng nhân hậu, tình bạn, về hậu quả của thói đố kị, háo danh, về sự trải nghiệm để trưởng thành,... Thông điệp nhân văn được trao truyền, tiếp nối để cuộc sống được trường tồn.
Vòng kim cô trói buộc nhóm tuyển chọn
Phần lớn những truyện trong tuyển tập có độ dài vừa phải và tương đối ngắn, phù hợp với năng lực đọc hiểu văn bản, tâm lý tiếp nhận văn học của bạn đọc nhỏ tuổi. Kiểu truyện cổ viết lại, giả cổ tích, giả ngụ ngôn, giả lịch sử với tính chất liên văn bản, liên thể loại có thể mở rộng “trường” của văn học thiếu nhi, khơi gợi vốn tri thức, văn hóa “nền” để trẻ hứng thú, thuận lợi khi đọc truyện nhờ được gặp lại những câu chuyện thân thuộc dưới một hình hài mới.
Yếu tố kỳ ảo trong nhân vật, mô-típ, cốt truyện, không gian, thời gian nghệ thuật… xuất hiện khá nhiều, kích thích hứng thú, trí tưởng tượng, niềm tin vào những thế lực thần diệu, siêu linh để trẻ tự điều chỉnh hành động, thói quen. Qua đó, nhà văn đã gieo những hạt thánh thiện, cấy những mầm thiện lương, kích thích niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống ở các em. Từ nội dung đến hình thức, truyện viết cho thiếu nhi là nỗ lực hòa kết những giá trị thiêng liêng, muôn thuở vào cuộc sống hiện tại của tuổi thơ Việt Nam.
Không ít người đọc, đến với tuyển tập này, ngoài khoái thú đồng hành cùng con chữ, cũng sẽ có một chút nuối tiếc. Con số 65 có ý nghĩa thời gian, lịch sử; nhưng lại là cái vòng kim cô trói buộc nhóm tuyển chọn, nhà xuất bản. Từ 1945 đến nay, mà chỉ chừng ấy gương mặt, chừng ấy tác phẩm thì quả là nan đề đối với người làm sách. Một số nhà văn, dù thành danh ở lĩnh vực viết cho người lớn, nhưng cũng có một “miền xanh thẳm” (Trần Hoài Dương) là những sáng tác cho tuổi thơ, cũng chưa có cơ hội xuất hiện. Có thể do chú trọng tính mới, sách đã bỏ qua những truyện ngắn đã được đưa vào nhà trường phổ thông. Ta cũng gặp ở đây một vài gương mặt chưa toàn tâm toàn ý với văn học thiếu nhi, hoặc chưa có sáng tác nổi bật, kể cả truyện được tuyển chọn lần này.
Hạn chế về số lượng tác giả và tác phẩm, sách cũng ít truyện viết về đối tượng trẻ mầm non. Mảng truyện về trẻ em với đời sống công nghệ, với thời kỹ trị, về những bất toàn của môi trường sống trẻ thơ cũng khá khiêm tốn. Biết rằng đòi hỏi như thế là bất khả, là làm khó đội ngũ tuyển chọn. Đành gởi mong mỏi này vào một tuyển tập quy mô, bề thế hơn trong tương lai.
Cảm thông, trân trọng, sẻ chia, đó là điều mà ta luôn thấy trong truyện ngắn cho thiếu nhi mà tuyển tập này cũng không là ngoại lệ. Đánh thức khát vọng, thắp sáng niềm tin trẻ thơ, nhà văn đã góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để trẻ tiếp thu đạo đức bằng cách giữ cho tâm hồn các em luôn biết nhạy cảm với những xao động tinh vi nhất của cuộc đời, của số phận đồng loại. Với người sáng tác, tuyển tập này cũng là một bạn đường tin cậy để hiểu biết, gắn bó hơn với công việc viết cho thiếu nhi.
Vị thế của dòng “văn học xanh” Trong hành trình trưởng thành, truyện thiếu nhi Việt Nam đã có những bước tiến thể hiện rõ hơn vị thế của dòng “văn học xanh”. Những truyện mang tinh thần sinh thái trong tuyển tập là một cơ sở khoa học, thực tiễn để chúng ta nhìn lại nội dung, hình thức giáo dục của nhà trường hiện nay. Đội ngũ xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa cần gia tăng những văn bản nghệ thuật kiểu này, tạo cơ hội, điều kiện để trẻ em được về với thiên nhiên, khám phá, học hỏi ở thiên nhiên. |
Bùi Thanh Truyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất