Cựu danh thủ Trần Minh Chiến: 'Cầu thủ phải biết quý đôi chân'

24/09/2015 18:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Bảo cho lời khuyên thì hơi quá, tôi chỉ có thể nhắn nhủ thế này, rằng khi đã xác định đá bóng là một nghề nghiêm túc để nuôi sống mình và người thân, các cầu thủ quý đôi chân của mình thế nào thì cũng nên quý chân của đồng nghiệp thế ấy. Tôi cảm thấy rất e ngại cho Anh Khoa, nếu cậu ấy gặp phải đa chấn thương như phim chụp và báo chí đưa tin. Khả năng quay trở lại sân cỏ của Anh Khoa là rất thấp…”, cựu danh thủ “thế hệ vàng”, người đã phải nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu ngay trên đỉnh vinh quang, Trần Minh Chiến, nói những lời tâm can.

Để hiểu rõ hơn về các ca chấn thương nặng trong thể thao, quá trình phẫu thuật và tập hồi phục – vật lý trị liệu, sự khác biệt giữa bóng đá 20 năm trước và thời điểm này…, Thể thao & Văn hoá cuối tuần có cuộc trao đổi rất cởi mở với HLV Trần Minh Chiến.

Vinh quang, dao kéo và cay đắng

Có chức vô địch quốc gia (mùa giải 94-95) ở tuổi 20, đồng thời giành cú đúp danh hiệu Vua phá lưới và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, Trần Minh Chiến thuộc loại hàng hiếm của nền bóng đá?

- Phải thẳng thắn thế này, đội hình Công an TP.HCM (cũ) giai đoạn đó rất mạnh. Tôi may mắn được chơi cạnh các đàn anh có đẳng cấp và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ. Chức vô địch quốc gia và danh hiệu cá nhân, cũng từ đó mà ra. Tất nhiên, là cầu thủ trẻ lại chơi ở vị trí tiền đạo, bạn không thể không nỗ lực. Trong bóng đá, chẳng có điều gì tự nhiên đến cả. Tôi đã tập luyện rất chăm chỉ và chắt chiu cơ hội.

Và, anh đã dính chấn thương nặng, phải chia tay sự nghiệp thi đấu khi còn đang trên đỉnh vinh quang. Đấy phải chăng là số phận?

- Số phận là do mình thôi. Dính chấn thương, đó là điều không may mắn và không cầu thủ nào mong đợi cả. Tuy nhiên, việc tôi không thể trở lại sân cỏ cũng có nhiều lý do. Vào giai đoạn đó, y học thể thao chưa phát triển như bây giờ. Tất cả các ca mổ của tôi đều là “mổ banh”, tức rạch thịt, xương ra để cấy ghép, nối (dây chằng) và “mài” sụn.


HLV Minh Chiến nghi ngại khả năng thi đấu trở lại của Anh Khoa sau khi bị Ngọc Hải phạm lỗi. Ảnh: Quang Nhựt

Sau khi may lại, phải chờ đến lúc bớt đau mới có thể tập hồi phục và cầu Chúa, xem mình có may mắn hay không. Ngày đó chưa có công nghệ chụp cộng hưởng (MRI) để chẩn đoán một cách chính xác chấn thương, cũng như tiến triển hồi phục, đấy cũng là thiệt thòi.

Các ca phẫu thuật chấn thương tương tự thời nay đều được thực hiện nội soi. Các trang thiết bị tập vật lý trị liệu cũng hiện đại hơn. Nói chung, cầu thủ bây giờ được chăm sóc tốt hơn nhiều thời chúng tôi.

Trở về trong tâm thế người hùng sau SEA Games 18, với bàn thắng Vàng ghi vào lưới Myanmar ở bán kết, cho đến nay vẫn là điển tích, anh có cảm thấy tiếc nuối không, khi mình đã không thể quay lại sân cỏ?

- Tiếc lắm chứ! Gia đình, bạn bè và cả người hâm mộ cũng tiếc. Nhưng chính thời khắc khó khăn ấy, tôi nhận được rất nhiều chia sẻ, động viên của lãnh đạo đội bóng, BHL và đặc biệt là người hâm mộ, nên cũng nguôi ngoai đi vài phần.

Trên thực tế, tôi cảm nhận được ngôn ngữ cơ thể mình. Một cầu thủ đã trả qua hơn 3-4 lần phẫu thuật ở cả 2 bên đầu gối, đa chấn thương từ dây chằng chéo trước đến chéo sau, mẻ sụn, lật cổ chân và cả vỡ mắt cá chân nữa, rất khó để quay lại sân cỏ, chứ đừng nói lấy lại được phong độ.

Sau chấn thương gặp phải trong một buổi tập trên sân Thống Nhất của đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị Tiger Cup '96 (giải đấu tên gọi tiền thân của AFF Cup bây giờ), tôi lên bàn mổ và chia tay sự nghiệp chơi bóng ngắn ngủi của mình ở tuổi 22. Cho đến sau này, tôi chưa bao giờ quên được giây phút kinh hoàng khi mình đổ xuống sân năm ấy.

Bóng đá xưa “mọi rợ” hơn nhiều

Chấn thương có thể đến trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu và nó xuất hiện thường xuyên hơn khi cơ thể bị quá tải. Với bóng đá hiện đại, các pha va chạm mang tính triệt hạ lại là tác nhân chính, thưa anh?

- Bóng đá ngày trước “mọi rợ” hơn bây giờ nhiều! Tại sao tôi lại nói thế, bởi ngày trước, luật lệ chưa chặt chẽ như bây giờ, ý thức cầu thủ cũng không tốt như bây giờ. Nói về bạo lực sân cỏ, tôi cho rằng V-League đã có những cải thiện rất lớn. Các trường hợp song phi 2 chân và đặt gầm giầy vào chân đối thủ, là rất hiếm.

Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ, những cú tắc có chủ ý và những tai nạn xảy ra, bởi bóng đá là môn thể thao đối kháng. Trường hợp của Anh Khoa là một dạng như thế. Tôi thậm chí không dám xem lại lần thứ hai, pha tắc bóng của Quế Ngọc Hải. Cú tắc khiến cái chân trái của Anh Khoa vẹo sang hẳn một bên.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các cầu thủ nên ý thức sức khoẻ, đừng thức khuya và rượu bia trong quá trình tập luyện và thi đấu, bởi điều đó rất nguy hiểm. Khi bạn ra sân tập hoặc bước vào trận với một cơ thể rệu rã, chấn thương là điều khó tránh khỏi, dù chẳng ai va chạm với mình cả. Không nên đánh cược với giới hạn bản thân.

Trở lại với trường hợp của Anh Khoa. Như anh nói, Khoa khó thể quay lại sân cỏ, dù y học thể thao lúc này rất phát triển. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như thế?

- Nếu đúng như những gì miêu tả, Khoa phẫu thuật để trở thành... người bình thường thì được, chứ khó thể tiếp tục thi đấu, bởi nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ về sau này. Trước đây, khi tôi mới chỉ bị mẻ sụn, nhưng lại không phẫu thuật mà cố đá, dẫn đến đứt dây chằng chéo trước gối phải. Do một bên chân còn lại phải chịu lực quá lớn, dẫn đến việc đứt luôn.

Rồi dây chằng chéo sau cũng lìa, khi ổ gối lỏng. Việc phát hiện sớm và phẫu thuật – điều trị dứt điểm, là rất quan trọng. Bởi cứ nhùng nhằng không phẫu thuật, bằng với thời gian, các chấn thương phát tác rất nhanh. Tôi thấy lạ là tại sao cho đến thời điểm này, vẫn chưa ghe được thông tin đưa Anh Khoa đi chữa trị.

Chia tay sân cỏ trong nước mắt, nhưng cũng rất nhanh, anh chuyển qua công tác huấn luyện ở trẻ Công an TP.HCM (cũ) và bây giờ là PVF. Cũng ngót 20 năm rồi nhỉ. Đấy có phải là kim chỉ nam cho các thế hệ cầu thủ sau này, nếu hoạ không may gặp chấn thương?

- Vào thời điểm đó, tôi rõ ràng là không có sự lựa chọn khác, bởi ngoài đá bóng ra, mình còn có thể làm gì?! Trong hoạ có phúc, khi lãnh đạo đội bóng đã tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ, khi xã hội phát triển, cầu thủ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, chứ không nhất thiết phải gắn với nghiệp huấn luyện.

Làm thầy, đặc biệt là thầy của tụi nhỏ, mình phải gương mẫu, đam mê công việc và đặc biệt, phải yêu trẻ mới làm được. Nghề huấn luyện nhiêu khê hơn nhiều so với việc bạn chỉ xách giầy ra sân, tập luyện và thi đấu.

Không ai mong mỏi điều tồi tệ cả, nhưng thi thoảng nó vẫn xảy ra. Tôi đọc được một câu rất hay, đại ý rằng, cuộc sống có thể làm bạn ngã và bạn có 2 lựa chọn, đứng lên để bước tiếp hay chấp nhận trở thành một kẻ thất bại, trông chờ vào sự bố thí của kẻ khác!

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúc Trần Minh Chiến thành công!

Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm