17/06/2012 17:51 GMT+7 | Bảng B
(TT&VH) - Tuy chưa chắc sẽ vào tứ kết nhưng với những màn trình diễn vừa qua, việc hai gã khổng lồ Đức và Tây Ban Nha tái ngộ nhau ở trận chung kết như EURO 2012 hoàn toàn có thể xảy ra, như viễn cảnh mà tờ Bild đã vẽ ra, dù VCK mới đi qua hai lượt vòng bảng.
Trong loạt trận đầu tiên, cả Đức và Tây Ban Nha đều thi đấu không thật sự ấn tượng. Đoàn quân của HLV Joachim Loew đã không triển khai được lối chơi tấn công nhanh như điện xẹt, vượt qua Bồ Đào Nha nhờ một bàn thắng theo kiểu cổ điển của Mario Gomez và được thầy may mắn trợ giúp. Còn lối chơi tiqui-taca của Tây Ban Nha vẫn nhuần nhuyễn nhưng lại thiếu chính xác trong những pha bóng cuối cùng. Nhưng đến lượt trận thứ hai, hai gã khổng lồ này đã cho thấy đẳng cấp vốn có. “Die Mannschaft” đã phần nào thi triển được những miếng đánh sở trường, thậm chí có phần độc đáo hơn nhờ sự tỏa sáng bất ngờ của Mario Gomez. Trong khi đó, “La Roja” đã tìm lại được sự hiệu quả khi đè bẹp Cộng hòa Ireland tới 4-0, trong đó có một cú đúp của Fernando Torres.
Đức và Tây Ban Nha được kì vọng có thể đi đến trận đấu cuối cùng (ảnh ở bán kết World Cup 2010)
Những màn trình diễn xuất sắc của hai đội bóng này cho thấy lối chơi tân tiến của họ vẫn xứng đáng là lá cờ đầu của châu lục, thậm chí thế giới. Tiqui-taca của Tây Ban Nha và lối chơi có tính tổ chức cao dựa trên tư duy khoa học của người Đức là những ví dụ tiêu biểu cho hình mẫu của bóng đá hiện đại, nơi tôn vinh những giá trị tập thể chứ không phải cá nhân. Thực ra, hai đội bóng này vẫn sở hữu nhiều cá nhân xuất sắc nhưng tất cả đều hòa vào guồng máy chung, và không có chuyện cả đội phải phục vụ một cá nhân nào đó. Xavi dù đóng vai trò bộ não của “La Roja” nhưng anh không bắt tất cả phải chơi vì mình. Còn những bàn thắng của Gomez là sản phẩm cuối cùng của rất nhiều tình huống được lập trình mang tính tập thể cao.
Sự sáng tạo về lối chơi
So với những năm trước, lối chơi của Đức và Tây Ban Nha tại EURO lần này cũng đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Qua bốn năm thử thách và hoàn thiện, tiqui-taca đã hiện rõ hình hài, có thêm sử dụng dưới dạng sáng tạo với các sơ đồ phá cách. Trong trận đầu với Italia, HLV Vicente del Bosque đã khiến tất cả phải choáng váng khi sử dụng sơ đồ 4-6-0, không cần một chân sút cắm. Sang trận đấu với Ireland, dù lại sử dụng một trung phong mũi nhọn nhưng lối chơi kiểu tiqui-taca của “La Roja” đã lên đến đỉnh cao với 859 đường chuyền thành bàn, nhiều nhất lịch sử EURO. Điều này cho thấy TBN đã chơi tiqui-taca thuần thục tới mức dù với phương án nào, họ cũng có thể “nhắm mắt” phối hợp với nhau.
859 - Trong trận đấu với Ireland, Tây Ban Nha đã có tới 859 đường chuyền chính xác, cao nhất trong lịch sử EURO.
Trong khi đó, lối chơi của người Đức tuy chưa tái hiện lại được sức công phá hủy diệt tại World Cup 2010 nhưng xét về sự hiệu quả, tỏ ra tiến bộ hơn. Tại Nam Phi hai năm trước, “Die Mannschaft” chơi hoa mỹ nhưng từng tỏ ra bế tắc ở nhiều thời điểm, đặc biệt là trận gặp Serbia, một đội phòng thủ rất khó chịu. Tại EURO lần này, khi vấp phải chiến thuật tương tự, ông Loew đã có hàng loạt phương án khác để xuyên thủng hàng thủ đối phương. Trong trận gặp Bồ, Đức sử dụng vũ khí đánh đầu truyền thống còn khi gặp Hà Lan, tận dụng sự thực dụng của Gomez. Cú đúp của “Super” Mario rất đẹp mắt nhưng đó chỉ là cái đẹp “ngẫu nhiên” sinh ra từ việc lựa chọn những quyết định hành động khá thực dụng của Gomez. Khi bị “Oranje” vùng lên, các học trò của ông Loew cũng biết dùng tiểu xảo để câu giờ để bảo toàn chiến thắng.
Những màn trình diễn của Pháp, Italia hay kể cả Anh cũng xứng đáng được khen ngợi nhưng với triết lý bóng đá ngày một hoàn thiện, thậm chí có thêm các biến thể, Đức và Tây Ban Nha cho thấy họ mới là hai ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Cộng thêm cách sắp xếp của UEFA (Đức ở bảng B còn TBN ở bảng C nên sẽ không gặp nhau trước chung kết), hai gã khổng lồ này hoàn toàn có thể tái ngộ nhau trong trận đấu cuối cùng của EURO 2012. Nếu trận chung kết trong mơ này xảy ra, cơ hội báo thù của người Đức đã lớn hơn trước nhờ sở hữu lối chơi có tính đột biến cao hơn và chất lượng nhân sự cũng đã được cải thiện đáng kể.
Nhưng TBN vẫn thực sự là một thế lực và để kết liễu được đội bóng này, người Đức cần mài gươm thêm trên đường tới trận chung kết và Đan Mạch sẽ là “viên đá” tiếp theo, sau BĐN và Hà Lan.
Kịch bản nào cho bảng tử thần? Đức và Đan Mạch dắt tay nhau vào tứ kết? Với những người ngại tính toán, các kết cục của bảng tử thần chẳng khác nào “bổ đề cơ bản” với tận…12 phương án có thể xảy ra (tham khảo TT&VH số 167 ra ngày thứ Sáu). Do UEFA sử dụng kết quả đối đầu để phân chia thứ hạng nên Đức, dù toàn thắng hai trận, vẫn có thể bị loại và Hà Lan, dù đã thua cả hai, vẫn còn cơ hội đi tiếp. Về lý thuyết, Đức đang có nhiều lợi thế nhất (chỉ cần giành thêm một điểm) và nếu “Die Mannschaft” không thua, Bồ Đào Nha sẽ được hưởng lợi do chỉ cần cầm hòa Hà Lan. Tuy nhiên, với sự lỏng lẻo của hàng thủ BĐN cùng sự bùng nổ bất ngờ của Hà Lan ở hiệp hai trận gặp Đức, chưa chắc thầy trò HLV Paulo Bento đã “sống sót” được trước “cơn lốc màu da cam”. Khi đó, một kịch bản dễ xảy ra nhất đó là Đức và Đan Mạch cùng dắt tay nhau vào tứ kết. Đức đương nhiên không muốn BĐN hay Hà Lan đi tiếp và thực tế chỉ cần thêm một điểm nên không cần thiết phải bung hết sức. Đây sẽ là một yếu tố Đan Mạch có thể khai thác (dựng xe bus hai tầng, đá rắn buộc đối phương giữ chân) hòng kiếm một điểm. Nói chung, có rất nhiều mối quan hệ chằng chịt và cả những toan tính ở bảng đấu này nên lượt cuối cùng ở bảng tử thần hứa hẹn sẽ diễn ra vô cùng kịch tính. |
Trần Khánh An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất