Tàu mắc cạn trở thành "đài tưởng niệm" sóng thần?

11/03/2012 14:22 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Khi thảm họa động đất sóng thần Nhật Bản xảy ra vào ngày 11/3 năm ngoái, những bức ảnh chụp tàu chở hàng Kyotokumaru số 18 bị mắc cạn do sóng thần tại tỉnh Miyagi đã lan truyền khắp thế giới. Một năm sau thảm họa thiên nhiên, người dân nơi đây đang đứng giữa hai lựa chọn: hoặc biến xác con tàu thành công trình tưởng niệm các nạn nhân sóng thần, hoặc phải di dời nó đi nơi khác.

Một năm sau thảm họa sóng thần, người dân thành phố cảng Kesennuma, tỉnh Miyagi, đang nỗ lực tái thiết cuộc sống, dựng lại nhà cửa trên những đống hoang tàn. Nhưng sóng thần đã để lại cho họ một vật kỷ niệm có kích cỡ "khủng": xác con tàu đánh cá nặng 300 tấn, dài 60m mang tên Kyotokumaru số 18.

Công trình tưởng niệm hay vật cản quá trình tái thiết

Những đợt sóng cao hơn 10m đã cuốn con tàu đi xa hơn 1 km cách cảng biển nơi nó đang thả neo. Khi các đợt sóng rút đi, tàu Kyotokumaru số 18 đã đứng sừng sững giữa một khu dân cư, nơi toàn bộ những ngôi nhà gỗ đã bị cuốn đi sạch sẽ.

Trong số 17 tàu có tải trọng hơn 100 tấn của Kesennuma từng ra khơi nhiều tháng trước đó, nay đa phần chỉ còn là những mảnh vỡ trôi trên biển. Duy có tàu Kyotokumaru là còn nguyên vẹn. Số phận của nó đang là chủ đề gây tranh cãi ở thành phố này, bởi chiếc tàu đánh cá được sơn hai màu đỏ và xanh dương đã trở thành một trong những hình ảnh biểu trưng giúp Nhật Bản cũng như thế giới không quên sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần.

Được chặn sơ sài bằng mấy cột thép, chiếc tàu vẫn đứng tại chỗ kể từ ngày nó bị mắc cạn, trên diện tích khá rộng. Thật khó có thể hình dung mảnh đất này trong tương lai sẽ được kiến thiết như thế nào, nếu chiếc tàu không được di dời.

Một bộ phận người dân thành phố, nhất là những người chủ đất bị con tàu nằm chắn lên, đã tỏ ra sốt ruột trước việc nó chưa bị đưa đi. Hiện tại, người ta vẫn chưa biết đưa con tàu đi về đâu và đây cũng là một trong những lý do khiến thành phố bị đánh giá là chậm tiến độ tái thiết.

Xác tàu Kyotokumaru số 18 hiện vẫn đang nằm yên tại Kesennuma

Người gật, kẻ lắc

Tuy nhiên, đa số người dân thành phố lại cho rằng, xác con tàu có thể dùng làm công trình tưởng niệm về thảm họa. Đã có một số khách du lịch tới thăm con tàu.

Người dân địa phương gom nhặt những đồ vật sót lại tại khu vực quanh con tàu như tượng thờ một vị thần, tượng geisha hay một con gấu bông đặt trên boong tàu, đôi khi, họ đến đặt hoa tưởng niệm dưới chân tàu. Ngày càng nhiều ủng hộ ý kiến biến con tàu thành đài tưởng niệm.

Trong khi chính quyền thành phố không muốn thực hiện dự án trên, do vấp phải khó khăn về kinh phí. Hãng Gisuke Gyogyou sở hữu con tàu thì tuyên bố sẵn sàng hợp tác, và họ sẽ từ bỏ quyền sở hữu với Kyotokumaru số 18 nếu dự án được tiến hành.

Ông Katsuyuki Yana, một trong những lãnh đạo của Gyogyou nói rằng công ty không muốn đưa ra quyết định thay cho người dân vì đây là vấn đề nhạy cảm. "Khi người dân nhìn thấy con tàu, cảnh tượng sóng thần lại hiện về và họ lại nhớ về ngày thảm hoạ đó, nhiều người không muốn nhìn lại" - ông nói.

Trước đó từng nổ ra tranh cãi tương tự liên quan đến con tàu du lịch Hamayuri có tải trọng 190 tấn bị mắc cạn trên nóc một khách sạn nhỏ trong thành phố Otsuchi, tỉnh Iwate. Nhưng bất chấp sự phản đối của những người ủng hộ giữ gìn con tàu bị mắc cạn, chính quyền địa phương vẫn quyết định kéo nó đi hồi tháng 5/2011. Chi phí bảo tồn tàu cũng như các vấn đề an ninh tốn kém buộc chính quyền phải đi đến quyết định trên.

Như vậy, liệu tàu Kyotokumaru có thể trở thành một điểm hút du lịch đối với một vùng bị tàn phá nặng nề như Kesennuma?


Những kỷ vật người dân trong vùng mang lên tàu Kyotokumaru số 18

Sống nhờ xác tàu

Đó cũng là điều mà Masato Yamamota, một người dân trong thành phố cảng  băn khoăn, bởi ông hiện đang sống bằng nghề bán mảnh vỡ của những con tàu bị đắm của các tỉnh trong vùng, trong đó có cả tàu Kyotokumaru.

Giá của những vật kỷ niệm này không hề rẻ, dao động từ 850 - 1.200 USD/món đồ vật và danh sách khách chờ hàng của ông dài. Đây được xem là nguồn tài chính đóng góp vào cuộc "tái thiết" của gia đình ông cũng như của một số người dân trong vùng.

Theo Yamamota, khách hàng chủ yếu là những người từng sở hữu hoặc làm việc trên các tàu xấu số đó. Dù có ảnh chụp của con tàu, nhưng họ vẫn muốn có một kỷ vật nho nhỏ gợi nhớ về nó.

Đến nay, dù số phận của Kyotokumaru số 18 chưa ngã ngũ, nhưng ông Yamamota kiếm thêm được khoản tiền từ đơn đặt hàng của một người dân ở tỉnh Aichi, cách thành phố Kesennuma chừng 500km, muốn sở hữu mô hình con tàu này sau khi nhìn thấy hình ảnh của nó được phát trên truyền hình.

Đào Ngọc (Theo Wall Street Journal)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm